Thời kỳ 1958 - 1965


Thời kỳ Uỷ ban Khoa học Nhà nước thực hiện chức năng quản lý và nghiên cứu khoa học- kỹ thuật (bao gồm cả khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội) trong hoàn cảnh đất nước vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc vừa đấu tranh thống nhất nước nhà.

Năm 1958, Miền Bắc nước ta đã hoàn thành nhiệm vụ khôi phục kinh tế và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ cải tạo và phát triển kinh tế theo con đường xã hội chủ nghĩa. Lúc này tình hình kinh tế và xã hội của Miền Bắc ổn định, sản xuất công nghiệp có tăng ( đã có 117 xí nghiệp quốc doanh và 60.000 công nhân), khoa học và kỹ thuật có phát triển ( đã có 8 Viện Nghiên cứu, 6 trường Đại học, một số trường Trung học chuyên nghiệp và khoảng 2000 cán bộ KHKT trình độ đại học). Phong trào cải tiến kỹ thuật của quần chúng công nông bắt đầu nảy nở. Mọi mặt có chuyển biến tốt, nhưng tình trạng lạc hậu vẫn chưa xoá bỏ được. Giá trị sản lượng công nghiệp mới chiếm gần 20% tổng giá trị sản lượng công nông nghiệp. Năng xuất lao động còn thấp chất lượng sản phẩm chưa cao. Trình độ văn hoá của cán bộ và nhân dân còn thấp. Lực lượng KHKT còn nhỏ bé, trình độ còn hạn chế.

Đảng và Chính phủ quan tâm đến KHKT nhưng chưa định rõ đường lối, phương châm , nhiệm vụ cho các hoạt động KHKT, chưa có sự Lãnh đạo , quản lý tập trung, thống nhất đối với công tác KHKT. Tiến lên chủ nghĩa xã hội từ một nền sản xuất nhỏ, cá thể, kỹ thuật lạc hậu, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, nhưng được các nước XHCN nhất là Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ, chúng ta phải tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, như Hội nghị lần thứ 10 của Ban chấp hành trung ương Đảng khoá II và Đại hội Đảng lần thứ III đã khẳng định. Để thực hiện thành công ba cuộc cách mạng đó, chúng ta phải ra sức phát triển khoa học và kỹ thuật (cả khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội), đưa nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đời sống và quốc phòng, mau chóng xây dựng một nền khoa học và kỹ thuật tiên tiến đủ sức tiếp thu được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) và tự mình giải quyết được những vấn đề của đất nước, làm cơ sở cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.. Phải lãnh đạo, quản lý tốt khoa học và kỹ thuật ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng, mới có thể phát triển nhanh chóng, đúng hướng, có hiệu quả và ít tốn kém . Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14của BCH TƯ Đảng khoá II đã nhấn mạnh vai trò của khoa học và kỹ thuạat, yêu cầu Đảng phải nắm vững lãnh đạo khoa học và kỹ thuật và sự cần thiết phải thành lập Uỷ ban khoa học Nhà nước.

Chính vì thế mà cuối năm 1957, Ban Bí thư và Hội đồng Chính phủ đã cử một đoàn khoa học Việt Nam, do ông Hà Huy Giáp Trưởng tiểu ban Giáo dục Khoa học Trung ương làm trưởng đoàn và ông Tạ Quang Bửu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Giám đốc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội làm phó trưởng đoàn đi tham quan tìm hiểu tình hình khoa học và kỹ thuật và kinh nghiệm tổ chức, quản lý công tác khoa học và kỹ thuật của Trung Quốc trong thời gian 2 tháng Quốc hội khoá I, trong phiên họp ngày 29/4/1958 kỳ họp thứ 8, đã quyết nghị thành lập Uỷ ban Khoa học Nhà nước để giúp Chính phủ xây dựng và phát triển khoa học và kỹ thuật..

Sau khi có nghị quyết của Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ đã cử Ban trù bị do ông Tạ Quang Bửu làm trưởng ban để xúc tiến việc thành lập UBKHNN - Ban trù bị dự thảo đề án về đường lối, phương châm, nhiệm vụ trước mắt của khoa học Việt Nam và đề án về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của UBKHNN đã tổ chức hội thảo để trưng cầu ý kiến của 50 nhà khoa học và kỹ thuật tiêu biểu trong nước và ngày 20/11/1958 đã trình các đề án lên Ban bí thư và Hội đồng Chính phủ. Ngày 11/12/1958, Hội đồng Chính phủ (HĐCP) đã thông qua các đề án này và cử các thành viên của UBKHNN. Quốc hội , trong phiên họp ngày 14/12/1958 đã cử Phó Thủ tướng Trường Chinh kiêm chức Chủ nhiệm đầu tiên của Uỷ ban khoa học Nhà nước.

UBKHNN bắt đầu hoạt động từ tháng 11/1958. Vài tháng đầu, mới có ông Tạ Quang Bửu, ông Lê Khắc và 5 cán bộ nhân viên làm việc ở ngôi nhà số 38 Phố Ngô Quyền, hiện là trụ sở của Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ. Ngày 4/3/1959, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ ký sắc lệnh số 016/SL chính thức thành lập UBKHNN. Theo sắc lệnh UBKHNN có trách nhiệm và quyền hạn ngang Bộ, có nhiệm vụ chung là "giúp Chính phủ xây dựng và lãnh đạo công tác khoa học về mọi mặt nhằm phục vụ sự nghiệp kiến thiết XHCN ở miền Bắc, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, phục vụ sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà và sự nghiệp hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc" và gồm có chủ nhiệm, một số phó chủ nhiệm, tổng thư ký và một số uỷ viên. Ngày 4/4/1962, HĐCP ban hành Nghị định 43-CP quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của UBKHNN.A. chức năng, nhiệm vụ của UBKHNN :

Theo Nghị định 43-CP, "UBKHNN là cơ quan của HĐCP có trách nhiệm quản lý công tác khoa học và kỹ thuật theo đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ và kế hoạch phát triển khoa học và kỹ thuật, đưa nền khoa học và kỹ thuật Việt Nam lên trình độ tiên tiến nhằm phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ quốc phòng, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà". UBKHNN có những nhiệm vụ:

1. Nghiên cứu trình HĐCP ban hành các chính sách, chế độ, thể lệ về khoa học và kỹ thuật, tổ chức và chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ ấy.

2. Nghiên cứu trình HĐCP phê chuẩn phương hướng, kế hoạch phát triển khoa học và kỹ thuật của Nhà nước. Tổ chức việc điều hoà phối hợp công tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật giữa các Bộ, các ngành, các cấp nhằm thực hiện những phương hướng kế hoạch ấy.

3. Hướng dẫn các Bộ, các ngành, các địa phương xây dựng và phát triển lực lượng nghiên cứu khoa học. Xây dựng và quản lý các cơ sở nghiên cứu khoa học trực thuộc Uỷ ban để tiến tới thành lập Viện Khoa học Việt Nam.

4. Tổ chức việc tổng kết những công trình nghiên cứu khoa học và kỹ thuật lớn, xác minh kết quả của các công trình nghiên cứu ấy và đề ra kiến nghị để các ngành, các địa phương phổ biến và thực hiện.

5. Theo dõi, hướng dẫn các Bộ, các ngành, các địa phương trong công tác quản lý kỹ thuật và phổ biến khoa học và kỹ thuật.

6. Theo dõi tình hình đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật. Xây dựng chế độ đào tạo nghiên cứu sinh (NCS) và theo dõi việc thực hiện chế độ ấy.

7. Thi hành các hiệp định hợp tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật mà nước ta đã ký kết với nước ngoài. Trong phạm vi được uỷ quyền của Chính phủ, ký kết với các cơ quan khoa học và kỹ thuật nước ngoài các hiệp định về hợp tác khoa học và kỹ thuật.

8. Quản lý tổ chức, cán bộ, biên chế, lao động tiền lương, tài vụ, vật tư, kiến thiết cơ bản của UBKHNN theo chế độ chung của Nhà nước.

B. Cơ cấu tổ chức của UBKHNN :1. Cơ quan lãnh đạo của UBKHNN là 1 tập thể gồm 21 thành viên, hầu hết là cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể cấp trung ương kiêm nhiệm, đại đa số là cán bộ khoa học và kỹ thuật tiêu biểu.

Chức vụ chủ nhiệm Uỷ ban do các Phó Thủ tướng Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh lần lượt đảm nhiệm (ông Trường Chinh 12/1958-7/1960, ông Võ Nguyên Giáp 7/1960-1/1963, ông Nguyễn Duy Trinh 1/1963- 10 /1965).

Các Phó chủ nhiệm Uỷ ban:

- Ông Bùi Công Trừng, nhà kinh tế học, Chủ nhiệm Văn phòng kinh tế Phủ Thủ tướng.

- Ông Tạ Quang Bửu, nhà toán học, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Giám đốc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

- Ông Nguyễn Xiển, kỹ sư, Giám đốc Nha khí tượng, Bộ trưởng Bộ Cứu tế - xã hội

- Ông Nguyễn Khánh Toàn, nhà sử học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục (từ năm 1960)

- Ông Trần Quang Huy, Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương(1959-1960).

Các Uỷ viên uỷ ban

- Ông Lê Khắc, kỹ sư cầu đường, uỷ viên chuyên trách của UBKHNN

- Ông Nghiêm Xuân Yêm, kỹ sư canh nông Bộ trưởng Bộ Nông Lâm

- Ông Trần Đại Nghĩa, kỹ sư, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng

- Ông Phạm Văn Bạch, tiến sĩ luật, Chánh án Toà án tối cao

- Ông Hồ Đắc Di, bác sĩ y khoa, Giám đốc Trường Đại học Y khoa Hà Nội

- Ông Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ y khoa, Bộ trưởng Bộ Y tế

- Ông Trần Đăng Khoa, kỹ sư cầu đường, Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi.

- Ông Trần Huy Liệu, nhà sử học, Uỷ viên thường trực Quốc hội, Viện trưởng Viện Sử học

- Ông Lê Văn Thiêm, tiến sĩ toán học, Chủ nhiệm khoa khoa học tự nhiên, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

- Ông Nguyễn Văn Huyên, tiến sĩ văn khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục

- Ông Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Văn hoá.

- Ông Bùi Quang Tạo, Bộ trưởng Bộ kiến trúc

- Ông Nguyễn Văn Trân, Phó chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước

- Ông Hoàng Văn Thái, Trung tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn Bộ Quốc phòng

- Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam

- Ông Nguyễn Lam. Bí thư thứ nhất BCHTW Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh

Giúp Uỷ ban thường xuyên chỉ đạo mọi mặt công tác của Uỷ ban có Ban thường trực gồm các ông Bùi Công Trừng, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, Lê Khắc. Giúp Uỷ ban điều hành công việc hàng ngày có Tổng thư ký và phó tổng thư ký: Ông Tạ Quang Bửu là phó chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký, ông Chu Văn Biên là phó tổng thư ký.2. Các cơ quan quản lý KHKT có:

a) Các Ban khoa học là cơ quan giúp Uỷ ban quản lý công tác khoa học và kỹ thuật của các bộ, ngành đồng thời xây dựng, chỉ đạo các cơ sở nghiên cứu trực thuộc Uỷ ban. Mỗi ban khoa học thành lập một số Tiểu ban hoặc tổ chuyên ngành để thực hiện các nhiệm vụ tham mưu và quản lý của Ban đối với từng ngành khoa học và kỹ thuật, và một số tổ chuyên đề để phối hợp lực lượng nghiên cứu một số vấn đề quan trọng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cơ quan KHKT. Các Ban khoa học, các Tiểu ban, tổ chuyên ngành là những hình thức tổ chức tập hợp những nhà khoa học và kỹ thuật có trình độ, có kinh nghiệm của các ngành. Mỗi Ban khoa học có một thư ký vụ là bộ máy làm việc thuộc biên chế của UBKHNN để giúp Ban điều hành công việc hàng ngày. Đầu năm 1959, UBKHNN có 5 Ban khoa học: Ban khoa học xã hội, Ban khoa học cơ bản, Ban khoa học kỹ thuật, Ban khoa học nông nghiệp, Ban Y học. Quý 3/1959, Uỷ ban lập thêm Ban điều tra cơ bản. Qua thực tế công tác, thấy không thể quản lý tách rời công tác điều tra cơ bản các điều kiện và tài nguyên thiên nhiên với công tác nghiên cứu khoa học về sinh học và địa học nên sang năm 1960, Uỷ ban tổ chức lại Ban khoa học cơ bản và Ban điều tra cơ bản thành Ban toán lý hoá và Ban sinh vật địa học. Đến năm 1962, Ban toán lý hoá lại được phân thành Ban toán lý và Ban hoá học, việc quản lý mọi công tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật về hoá học được tập trung thống nhất vào Ban Hoá học.

b, Viện đo lường và tiêu chuẩn, thành lập năm 1962 để giúp Uỷ ban tổ chức, chỉ đạo các công tác tiêu chuẩn hoá và quản lý đo lường đang trở lên cấp thiết đối với yêu cầu phát triển sản xuất và lưu thông hàng hoá, phát triển khoa học - kỹ thuật.3. Các cơ quan nghiên cứu khoa học và kỹ thuật có :

- Viện Văn học thành lập tháng 1 năm 1959 (tách từ Ban Nghiên cứu văn - sử - địa)

- Viện Sử học thành lập tháng 1/1959 (tách từ Ban nghiên cứu văn - sử - địa)

- Viện Kinh tế thành lập tháng 3/1959

- Tổ Triết học thành lập tháng 8/1959 đến tháng 5/1964 được quyết định thành Viện Triết học

- Tổ Luật học, thành lập tháng 10/1959

- Phòng Ngôn ngữ học thành lập năm 1964

- Phòng Dân tộc học thành lập năm 1964

- Đội khảo cổ học, từ Bộ Văn hoá chuyển sang Uỷ ban năm 1964

- Trạm nghiên cứu Biển thành lập tháng 2 năm 1961

- Trạm kỹ thuật nhiệt đới hoá và các bộ phận nghiên cứu toán lý, sinh vật, địa học, ra đời năm 1961 nhằm chuẩn bị cho việc thành lập Viện liên hợp nghiên cứu khoa học do Liên Xô giúp xây dựng 1 cách toàn diện (thiết kế, giám sát thi công, cung cấp thiết bị toàn bộ, đào tạo cán bộ) với ý định sau một thời gian phát triển sẽ tách ra thành nhiều Viện nghiên cứu chuyên ngành. Trụ sở của Viện xây dựng dở dang, đến 1965 phải tạm hoãn do chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ.

- Năm 1962, Uỷ ban còn lập Phòng nghiên cứu hoá học nhưng đến tháng 5/1964 Phòng được chuyển sang Bộ Công nghiệp nặng, và sáp nhập vào Viện Hoá học của Bộ.

4. Các cơ quan quản lý và hành chính sự nghiệp khác:

+ Năm 1959 có:

- Thư Viện khoa học trung ương (Thư viện này vốn là thư viện của Trường Viễn đông Bác Cổ Pháp do Bộ Giáo dục tiếp quản năm 1957 và chuyển sang Uỷ ban tháng 1/1959).

- Một số Phòng trực thuộc UBKHNN do Tổng thư ký và Phó tổng thư ký trực tiếp chỉ đạo (Phòng kế hoạch khoa học, Phòng tổ chức - cán bộ, Phòng liên lạc quốc tế, Phòng biên dịch, Phòng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, Phòng hành chính - quản trị, Phòng Tài vụ, Phòng khí tài - vật tư).

+ Từ năm 1960, thành lập: Vụ Tổ chức - cán bộ, với chức năng giúp Uỷ ban xây dựng, quản lý tổ chức và cán bộ của Uỷ ban, đồng thời theo dõi tình hình tổ chức và cán bộ khoa học và kỹ thuật trong nước, nghiên cứu chính sách, chế độ đối với cán bộ khoa học và kỹ thuật và Văn phòng Uỷ ban (trong có Phòng kế hoạch khoa học và Phòng khoa học kỹ thuật địa phương). Các phòng trực thuộc Uỷ ban chỉ còn Phòng liên lạc quốc tế, Phòng thông tin khoa học và kỹ thuật ( thành lập tháng 8/1961) lúc đầu trực thuộc Uỷ ban, sau chuyển sang TVKHTW để tiện khai thác, sử dụng kho Thư viện, đến tháng 7/1964 lại chuyển về trực thuộc Uỷ ban), phòng thuật ngữ khoa học và kỹ thuật, Nhà xuất bản khoa học (ngoài Nhà xuất bản khoa học trực thuộc Uỷ ban, còn có Nhà xuất bản văn học chuyển từ Bộ văn hoá sang Viện văn học và Nhà xuất bản sử học trực thuộc Viện sử học) và Bộ phận thường trực Hội đồng giám định sáng kiến phát minh.C. Những chủ trương và hoạt động của UBKHNN:

Căn cứ vào phương châm, nhiệm vụ trước mắt của khoa học Việt Nam và chức năng, nhiệm vụ của UBKHNN đã được HĐCP thông qua ngày 4/12/1958, trong phiên họp toàn thể Uỷ ban lần thứ nhất ngày 18/12/1958 và phiên họp bất thường ngày 15/1/1959, Uỷ ban đã quyết định mấy công tác lớn trước mắt của Uỷ ban là:

a) Xây dựng bộ máy của Uỷ ban theo nguyên tắc trước nhỏ sau lớn, trước hợp sau phân, trọng chất hơn lượng, không hình thức

b) Tổ chức, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện kế hoạch nghiên cứu, áp dụng khoa học và kỹ thuật, trước hết là kế hoạch khoa học và kỹ thuật 2 năm 1959 - 1960, chú trọng quản lý mấy vấn đề khoa học và kỹ thuật chung và lớn của kế hoạch

c) Tổ chức chỉ đạo công tác phổ biến khoa học và kỹ thuật và phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật là 2 công tác lớn, quan hệ mật thiết với nhau

d) Nắm tình hình lực lượng cán bộ khoa học và kỹ thuật đã có và đang đào tạo để có cơ sở cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Giáo dục đặt kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cho sát yêu cầu phát triển khoa học và kỹ thuật

e) Phát triển quan hệ hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ về khoa học và kỹ thuật của các nước XHCN anh em.

1. Thời kỳ này, được Ban bí thư và HĐCP quan tâm, được các cơ quan hữu quan đồng tình, ủng hộ, Uỷ ban đã xây dựng được bộ máy quản lý, nghiên cứu, hành chính sự nghiệp của mình tương đối hợp lý, theo đúng phương châm trước nhỏ sau lớn, trước hợp sau phân . Biên chế được tăng tương đối nhanh từ 7 người cuối 1958, 274 người cuối 1959 lên 828 người tháng 5/1965. Các cơ quan quản lý khoa học và kỹ thuật đã tập hợp được đông đảo cán bộ khoa học và kỹ thuật có trình độ, có kinh nghiệm của các ngành tham gia các công tác tham mưu và quản lý của Uỷ ban, tham gia thực hiện một số công tác điều tra nghiên cứu thuộc kế hoạch khoa học và kỹ thuật của Nhà nước. Các cơ sở nghiên cứu khoa học và kỹ thuật đều là những cơ sở cần thiết, cần xây dựng trước tiên đối với một nước độc lập, đang phát triển, và đều đã cố gắng tổ chức thực hiện có kết quả một số đề tài về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật thuộc kế hoạch khoa học và kỹ thuật của Nhà nước. Các cơ quan phục vụ khoa học và kỹ thuật đã đảm bảo được khối lượng công tác phục vụ quản lý và nghiên cứu ngày một tăng nhanh.

2. Tham khảo kinh nghiệm kế hoạch hoá công tác khoa học và kỹ thuật của Trung Quốc, đầu năm 1959, Uỷ ban đã cố găng tổ chức xây dựng kế hoạch khoa học và kỹ thuật 2 năm 1959 - 1960 tập trung vào một số công tác quan trọng nhất, không yêu cầu đầy đủ mọi ngành, mọi mặt nhằm phục vụ kịp thời cho kế hoạch cải tạo và phát triển kinh tế 3 năm 1958 - 1960 của Nhà nước. Từ tháng 6/1960 đến tháng 3/1961, Uỷ ban đã tổ chức xây dựng chương trình phát triển khoa học và kỹ thuật dài hạn trong vòng 15 năm và kế hoạch khoa học và kỹ thuật 5 năm 1961-1965 nhằm phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - văn hoá 5 năm đầu tiên của Nhà nước và chuẩn bị phục vụ một phần cho kế hoạch tiếp theo. Uỷ ban đã căn cứ vào các đặc điểm tình hình tự nhiên , kinh tế , xã hội, KH- KT của Miền Bắc và các yêu cầu phục vụ sản xuất, dân sinh, quốc phòng, đấu tranh thống nhất nước nhà mà đề nghị những phương châm phát triển KHKT, những nhiệm vụ lớn về nghiên cứu KHKT, phát triển tiềm lực KHKT và hợp tác quốc tế về KHKTtrong vòng 15 năm tới. Ngoài 4 phương châm đã trình Ban Bí thư và HĐCP hồi tháng 11/ 1958:

- Lý luận liên hệ vói thực tiễn.

- Khoa học phải đi theo đường lối quần chúng

- Khoa học phải có kế hoạch

- Phải học tập các nước anh em và tận dụng sự giúp đỡ của các nước anh em.

Lần này Uỷ ban còn đề nghị thêm phương châm kết hợp trước mắt với lâu dài. Tháng 4/1961 các dự án phát triển KHKT dài hạn và 5 năm 1961 - 1965 được Uỷ ban đưa sang Liên Xô để tham khảo ý kiến của Uỷ ban Khoa học kỹ thuật Liên Xô và các Viện Hàn lâm Liên Xô (Viện Hàn lâm khoa học, Viện Hàn lâm nônghọc Viện Hàn lâm y học) các dự án được chỉnh lý lại, đến tháng 12/1961 thì hoàn thành. Trên cơ sở chương trình dài hạn và kế hoạch 5 năm đó, Uỷ ban đã hướng dẫn xây dựng và theo dõi tình hình thực hiện kế hoạch khoa học và kỹ thuật hàng năm 1 cách đều đặn, trong đó Uỷ ban tổ chức thực hiện một số công tác điều tra nghiên cứu quan trọng liên quan đến nhiều cơ quan kể cả các cơ quan nghiên cứu của Uỷ ban. Thời kỳ này, kế hoạch KHKT mới tổng hợp các công tác điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học, chưa tổng hợp các điều kiện thực hiện kế hoạch. Tuy nhiên, Uỷ ban đã họp liên tịch với Uỷ ban kế hoạch Nhà nước để bàn định việc phối hợp giữa 2 Uỷ ban trong xây dựng kế hoạch KHKT gắn với kế hoạch phát triển KTQD, phục vụ kế hoạch phát triển KTQD và tạo điều kiện vật chất để thực hiện kế hoạch KHKT. Một số công tác điều tra nghiên cứu, thí nghiệm của kế hoạch khoa học và kỹ thuật đã thu được kết quả đáng kể như nghiên cứu, thí nghiệm về thời vụ, giống, tưới, bón, phòng trừ sâu bệnh phục vụ thâm canh tăng năng suất lúa và hoa màu, về cải tạo đất bạc màu, chống xói mòn bảo vệ đất đồi núi, về khoan nổ mìn, nhiệt luyện than gầy, về chế tạo một số máy công cụ và phát lực, máy và linh kiện vô tuyến điện, về nhiệt đới hoá thiết bị điện, điện tử và quang học, về chống rung cho máy Lô-cô, máy bơm công suất lớn, về các biện pháp vượt sông thời chiến... đã hoàn thành điều tra tổng hợp vùng biển Vịnh Bắc bộ, phân vùng địa lý tự nhiên miền Bắc Việt Nam, lập bản đồ dân số và dân tộc của từng tỉnh, thành phố và của toàn miền Bắc, đo đạc mạng lưới trắc địa hạng I, hạng II và chụp ảnh địa hình miền Bắc bằng máy bay, điều tra nguồn lợi cá của Vịnh Bắc Bộ, sông Hồng, sông Đáy. Đang xúc tiến các công tác điều tra tổng hợp lưu vực hệ thống sông Hồng, lập bản đồ địa chất tỷ lệ lớn cho 5 vùng của miền Bắc, điều tra tài nguyên thực vật (cây thuốc, cây có dầu, rong biển, cây phân xanh và thức ăn gia súc...) điều tra có hệ thống về chim thú rừng, ký sinh trùng và côn trùng hại cây trồng. Thời kỳ này, Uỷ ban cũng đã chú ý đến công tác bảo vệ thiên nhiên; ngoài việc nghiên cứu thí nghiệm chống xói mòn, bảo vệ đất đồi núi, đề nghị khai thác, sử dụng hợp lý phục hồi tài nguyên thiên nhiên. Uỷ ban còn tổ chức khảo sát, lập bản đồ và tiến hành các thủ tục cần thiết để đề nghị bảo vệ khu rừng Cúc Phương làm khu dự trữ thiên nhiên phục vụ nghiên cứu về sinh vật học và lâm học. Uỷ ban đã tổ chức nhiều Hội nghị KHKT quan trọng nhằm tổng kết tình hình và phổ biến kết quả nghiên cứu như Hội nghị cơ khí toàn miền Bắc, Hội nghị chống xói mòn, bảo vệ đất đồi núi, Hội nghị cơ học đất và nền móng, v.v...

Về Khoa học xã hội, ngoài triển khai việc nghiên cứu biên soạn 4 công trình khoa học cơ bản là Lịch sử Việt Nam, Lịch sử văn học Việt Nam, từ điển tiếng Việt, ngữ pháp tiếng Việt, còn dịch song thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, tập thơ Ngục Trung ký sự của Hồ Chủ Tịch, biên soạn xong cuốn lịch sử thủ đô, đã nghiên cứu đặc điểm của chế độ phong kiến Việt Nam, của giai cấp tư sản Việt Nam, đã viết mấy cuốn về cải tạo công thứơng nghiệp tư bản tư doanh, hợp tác hoá nông nghiệp, địa lý kinh tế Miền Bắc và về chuyên chính vô sản, về Triết học phản động ở Miền Nam Việt Nam v.v...

3. Từ đầu năm 1959, Uỷ ban đã đề nghị HĐCP ban hành chỉ thị số 105-TTg ngày 11/3/1959 và chỉ thị số 320-TTg ngày 15/12/1960 về tổ chức và lãnh đạo phong trào cải tiến kỹ thuật, sáng kiến phát minh của quần chúng, đã cùng Tổng công đoàn và Ban thi đua TW nghiên cứu đề nghị HĐCP ban hành điều lệ khen thưởng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất theo Nghị định số 20-CP ngày 8/2/1965. Uỷ ban đã ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng kỹ thuật, Hội đồng KHKT Bộ, Tổng cục, của Vụ kỹ thuật, Vụ KHKT Bộ, Tổng cục, của Ban kỹ thuật, Ban KHKT Tỉnh, Thành phố để giúp ngành và địa phương thúc đẩy phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất và quản lý công tác khoa học và kỹ thuật của ngành và địa phương. Năm 1964, Hội đồng xét duyệt sáng kiến Trung ương đã được thành lập. Bộ phận thường trực của Hội đồng thuộc biên chế của Uỷ ban. Uỷ ban cũng đã hướng dẫn các ngành, các cấp thành lập Hội đồng xét duyệt sáng kiến của ngành, của cấp tương ứng. Đã tổ chức một số hội nghị chuyên đề để trao đổi kinh nghiệm và sáng kiến. Cố gắng của Uỷ ban đã góp phần làm cho phong trào sáng kiến phát triển khá nhanh với các phong trào thao diễn kỹ thuật, 3 điểm cao trong công nghiệp và giải phóng đôi vai, làm bèo hoa dâu trong nông nghiệp. Tuy nhiên, do tổ chức và lực lượng giúp Uỷ ban quản lý chỉ đạo công tác này còn yếu nên có ảnh hưởng nhất định đến phong trào phát triển không đều, đến việc xác minh và phổ biến sáng kiến không kịp thời.

Để đáp ứng yêu cầu cấp bách về nâng cao hiểu biết khoa học và kỹ thuật của quần chúng, tháng 5/1959, Ban vận động thành lập Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam được thành lập. Uỷ ban lãnh đạo Ban này một mặt chuẩn bị tổ chức Đại hội thành lập Hội toàn quốc và thúc đẩy việc thành lập tổ chức Hội ở địa phương, một mặt triển khai công tác phổ biến khoa học và kỹ thuật bằng nhiều hình thức. Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam chính thức thành lập ngày 19/5/1963 do ông Nguyễn Xiển làm chủ tịch, các ông Vũ Đình Tụng, Đặng Minh Trứ , Lê Duy Văn làm Phó chủ tịch. Mạng lưới tổ chức phát triển rộng khắp các tỉnh, thành, xuống huyện, xuống cơ sở sản xuất. Hội tập trung tuyên truyền phổ biến những vấn đề khoa học và kỹ thuật phục vụ các phong trào lớn trong nông nghiệp, công nghiệp và đời sống. Báo Khoa học thường thức được phát hành rộng rãi và được hoan nghênh. Ơ nhiều địa phương, Hội phối hợp tốt với Ban KHKT nên công tác phổ biến khoa học và kỹ thuật đã góp phần thúc đẩy phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

Nắm vững phương châm khoa học phải đi theo đường lối quần chúng và kinh nghiệm lãnh đạo khoa học và kỹ thuật phải dựa vào hai mạng lưới: Mạng lưới các cơ quan nhà nước làm công tác khoa học và kỹ thuật và mạng lưới các Hội quần chúng làm công tác khoa học và kỹ thuật, nên ngoài việc giúp Chính phủ và các Ngành, các địa phươngtổ chức, lãnh đạo phong trào sáng kiến của quần chúng và giúp Ban Bí thư lãnh đạo Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Uỷ ban còn giúp một số Hội khoa học và kỹ thuật chuyên ngành ra đời và hoạt động. Đồng thời Bộ Y tế cũng giúp tổng hội y học và 14 Hội y học chuyên khoa ra đời và hoạt động. Do đó Uỷ ban đã có tờ trình ngày 1/3/1965 đề nghị Ban Bí thư và Chính phủ cho phép tiến hành Đại hội thành lập Hội Liên hiệp khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

4. Tuy nhiệm vụ quản lý đội ngũ cán bộ KHKT chưa được quy định cụ thể, nhưng là cơ quan quản lý thống nhất về khoa học và kỹ thuật, Uỷ ban thấy mình có trách nhiệm trong việc phát triển và quản lý đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật nhất là đội ngũ có trình độ trên đại học. Cuối năm 1959, Uỷ ban đã tiến hành một đợt điều tra nắm tình hình lực lượng cán bộ khoa học và kỹ thuật hiện có và đang được đào tạo, để có cơ sở xây dựng phương hướng phát triển khoa học và kỹ thuật dài hạn, kế hoạch khoa học và kỹ thuật 5 năm 1961 - 1965, và phương hướng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ khoa học và kỹ thuật. Đợt điều tra này đã giúp Uỷ ban nắm được tình hình số lượng cán bộ, còn tình hình chất lượng cán bộ thì nắm chưa đầy đủ. Hàng năm Uỷ ban đã góp ý kiến với Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Bộ Giáo dục về chỉ tiêu và ngành nghề đào tạo cho lưu học sinh và nghiên cứu sinh. Đã cùng Bộ Giáo dục cử gần 700 nghiên cứu sinh, thực tập sinh theo các con đường hợp tác quốc tế khác nhau. Đã tổ chức 3 lớp bồi dưỡng cán bộ triết học, kinh tế học, sử học theo chương trình nghiên cứu sinh, do chuyên gia Liên Xô giảng dạy, cho 260 học viên của Uỷ ban và các cơ quan khác. Tháng 9/1961, Uỷ ban đã họp bàn thống nhất với Bộ Giáo dục về một số nguyên tắc và biện pháp nhằm tăng cường công tác nghiên cứu KHKT của các Trường Đại học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần phục vụ sản xuất trước mắt và phát triển khoa học lâu dài. Sau cuộc họp này, bắt đầu có hình thức các Bộ sản xuất có thể trực tiếp ký kết hợp đồng nghiên cứu với các Trường đại học (qua đó Bộ cung cấp chi phí nghiên cứu và thiết bị, vật tư cần thiết).

5. Về hợp tác quốc tế, Uỷ ban đã ký kết và tổ chức thực hiện các hiệp nghị và kế hoạch hợp tác khoa học và kỹ thuật với hầu hết các nước XHCN, qua đó đã tranh thủ được sự giúp đỡ rất quý của các nước về kinh nghiệm tổ chức, quản lý khoa học và kỹ thuật, về xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học, về bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, về tài liệu khoa học và kỹ thuật. Mấy hoạt động quan trọng, nổi bật trong thời kỳ này là:

- Cùng với Uỷ ban kỹ thuật Trung Quốc tổ chức thực hiện tốt 2 đợt điều tra tổng hợp và nguồn lợi cá đáy vùng biển Vịnh Bắc bộ (1959 - 1963)

- Tổ chức làm việc với đoàn khoa học Liên Xô sang Việt Nam đầu năm 1960 để tìm hiểu tình hình và góp ý kiến giúp ta xây dựng, phát triển khoa học và kỹ thuật.

Tháng 4/1961 tổ chức đoàn khoa học Việt Nam sang tìm hiểu tình hình khoa học và kỹ thuật, kinh nghiệm tổ chức, quản lý khoa học và kỹ thuật của Liên Xô, và tranh thủ ý kiến của Uỷ ban khoa học kỹ thuật và các Viện Hàn lâm Liên Xô đối với chương trình dài hạn phát triển khoa học và kỹ thuật, kế hoạch khoa học và kỹ thuật 5 năm 1961 - 1965 của ta.

- Tranh thủ được sự giúp đỡ toàn diện của Liên Xô về xây dựng Viện Liên hợp nghiên cứu khoa học (giúp thiết kế, giám sát thi công, cung cấp thiết bị toàn bộ, đào tạo cán bộ).

- Đã cử khá nhiều cán bộ sang làm nghiên cứu sinh, thực tập sinh ở các Viện Hàn lâm khoa học và Viện liên hợp nghiên cứu nguyên tử DUPNA, đồng thời đã mời một số chuyên gia cao cấp sang hướng dẫn, bồi dưỡng cán bộ ta ngay trong thực tế công tác điều tra nghiên cứu của kế hoạch khoa học và kỹ thuật hoặc giảng bài cho mấy lớp bồi dưỡng cán bộ khoa học xã hội theo chương trình nghiên cứu sinh - Hình thức trao đổi tương đương (trao đổi cán bộ khoa học với số tuần làm việc tương đương) đối với ta cũng là 1 hình thức bồi dưỡng cán bộ ngắn ngày có hiệu quả mà đỡ tốn ngoại tệ.

- Thời kỳ này có những bất đồng về quan điểm trong phong trào Cộng sản Quốc tế, Uỷ ban đã thực hiện đúng đường lối chính sách đối ngoại của Đảng và duy trì được quan hệ hợp tác tốt về khoa học và kỹ thuật với các nước Xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, sự hợp tác về khoa học xã hội thì có dè dặt.

6. Uỷ ban coi trọng công tác quản lý kỹ thuật ngay từ đầu, nhưng phải trải qua một thời gian hoạt động, tìm hiểu, mới nhận rõ dần nội dung và phạm vi trách nhiệm, nên triển khai công tác này có phần chậm trễ. Uỷ ban đã cùng các ngành nghiên cứu, đề nghị HĐCP ban hành "Điều lệ tạm thời về nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt, ban hành và quản lý các tiêu chuẩn kỹ thuật của các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp" theo Nghị định 123-CP ngày 24 tháng 8 năm 1963, "Điều lệ tạm thời về nghiên cứu xây dựng, xét duyệt, ban hành và quản lý các quy phạm, quy trình kỹ thuật trong công nghiệp" theo Nghị định 124-CP ngày 24 tháng 8 năm 1963 và "Bảng đơn vị đo lường hợp pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà" theo Nghị định 186-CP ngày 26 tháng 12 năm 1964. Khi mới thành lập, Viện Đo lường - Tiêu chuẩn đã tổ chức biên soạn một số tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật để các ngành áp dụng tạm thời. Sau khi Chính phủ đã ban hành các điều lệ kể trên, Viện đã tổ chức xây dựng và hướng dẫn xây dựng được 185 tiêu chuẩn Nhà nước, 53 tiêu chuẩn ngành, 350 tiêu chuẩn xí nghiệp và một số quy phạm, quy trình kỹ thuật . Được Công hoà Dân chủ Đức giúp đỡ, trang bị của các Phòng thí nghiệm đo lường của Viện đã được nâng cấp và phát tín hiệu thời gian chính xác trên đài tiếng nói Việt nam. Đã giúp các Bộ Nội thương, ngoại thương, các Thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Tỉnh Nam Hà xây dựng công tác đo lường. Công tác quản lý kỹ thuật của Uỷ ban tiến bộ dần nhưng còn lung túng vì thiếu cán bộ, thiếu cơ sở vật chất, kỹ thuật; chưa tổ chức được công tác kiểm tra chất lượng đồng thời với các công tác tiêu chuẩn hoá và quản lý đo lường.

7. Uỷ ban cũng rất coi trọng công tác thông tin - tư liệu KHKT nhằm phục vụ các công tác quản lý, nghiên cứu, giảng dạy và phổ biến KHKT.

Thời kỳ này, mạng lưới thông tin, thư viện chưa hình thành.Thư viện Khoa học TW và Phòng thông tin khoa học vừa làm vừa học, hoạt động nghiệp vụ đi dần vào nề nếp. Hàng năm, phòng thông tin khoa học và thư ký vụ Ban khoa học nông nghiệp đã tổ chức biên soạn và xuất bản đều đặn 16 tập thông tin KHKT chuyên ngành: Mỏ, xây dựng, cơ khí, luyện kim, điện, vô tuyến điện, công nghiệp nhẹ, kỹ thuật nhiệt đới, sinh vật, vật lý, hoá học, nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thú y, y dược. Cán bộ thông tin chịu khó đi về các cơ sở để tìm hiểu yêu cầu thực tế và đưa sản phẩm thông tin đến phục vụ. Thư viện Khoa học TW đã cố gắng phát triển nhanh vốn tư liệu bằng nhiều biện pháp (đặt mua, trao đổi, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức khoa học nước ngoài), đã cung cấp nhiều thông tin tư liệu quý cho công tác điều tra, nghiên cứu của các Viện, Trường, cho đấu tranh thống nhất nước nhà.

Các nhà xuất bản khoa học, văn học, sử học đã hoàn thành kế hoạch xuất bản sách hàng năm, đã xuất bản đều đặn các tạp chí của Uỷ ban và của các Viện, các Ban:

Tạp chí tin tức hoạt động khoa học nhằm phổ biến các đường lối, chủ trương phát triển KHKT của Đảng và Nhà nước, phản ánh các hoạt động KHKT của Uỷ ban và của các ngành, các cấp.

Các tạp chí Nghiên cứu văn học, nghiên cứu sử học, nghiên cứu kinh tế, những vấn đề Triết học, toán lý, sinh vật - địa học, KHKT nhằm thông báo các hoạt động và các kết quả điều tra, nghiên cứu của các ngành khoa học - kỹ thuật đó.

Việc dùng tiếng Việt để trình bày diễn giải rõ ràng, chính xác mọi vấn đề KHKT có ý nghĩa rất lớn về Chính trị và thực tiễn, nên Uỷ ban đã tích cực triển khai việc xây dựng thống nhất các thuật ngữ KHKT, Thư ký vụ các Ban khoa học và Phòng thuật ngữ KHKT đã tập hợp đông đảo cán bộ KHKT của các ngành, biên soạn được hàng chục vạn thuật ngữ KHKT theo những nguyên tắc thống nhất.

8. Năm 1965, Đế quốc Mỹ đem quân trực tiếp xâm lược miền Nam, ném bom đánh phá miền Bắc, dưới ánh sáng của Nghị quyết, Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 11, ngày 27 tháng 4 năm 1965, Uỷ ban đã họp bàn với các ngành về chủ trương duy trì và chuyển hướng công tác KHKT trước tình hình và nhiệm vụ mới, nhằm tập trung phục vụ quốc phòng, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, phục vụ sản xuất và đời sống ở các vùng, các địa phương. Trong cuộc họp này các Bộ nhất trí đề nghị Uỷ ban làm đầu mối liên hệ với Bộ Quốc phòng để nhận và phân phối các nhiệm vụ phục vụ quốc phòng cho các ngành, các cơ quan. Uỷ ban cũng đã chuẩn bị nội dung cho Hội nghị KHKT địa phương mà Uỷ ban sẽ triệu tập vào đầu năm 1966.

Trong tháng 5/1965, Uỷ ban đã trao đổi ý kiến thêm trong tập thể lãnh đạo Uỷ ban về đề nghị tách UBKHNN thành 2 cơ quan. Tổ chức và hoạt động của UBKHNN đã phát triển, sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội đang đòi hỏi phát triển mạnh các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, ai cũng thấy cần và có thể tách UBKHNN thành 2 cơ quan. Nhưng tách như thế nào thì có 2 phương án khác nhau :

a) Thành lập Uỷ ban kỹ thuật Nhà nước (chức năng quản lý kỹ thuật và nghiên cứu đề xuất các đường lối, chủ trương về cách mạng kỹ thuật) và Viện Khoa học Việt Nam (chức năng nghiên cứu về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và kỹ thuật cơ bản).

b) Thành lập Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước (chức năng quản lý và nghiên cứu về KHTN và KHKT) và Viện khoa học xã hội Việt nam (chức năng nghiên cứu về khoa học xã hội).

Các thành viên Uỷ ban phần nhiều thấy nên tách theo phương án thứ hai vì cơ sở nghiên cứu KHTN và KHKT còn ít, công tác quản lý kỹ thuật mới bắt đầu xây dựng, vả lại về KHTN và KHKT nên thống nhất quản lý từ nghiên cứu đến áp dụng vào sản xuất cho thuận tiện.

Uỷ ban khoa học Nhà nước là mô hình tổ chức quản lý khoa học kỹ thuật khá độc đáo, không rập khuôn theo các nước XHCN anh em. Chức năng, nhiệm vụ được giao thì rộng, phức tạp, nhưng nội dung cụ thể chưa rõ, nghiệp vụ chưa tường, cán bộ lúc đầu mới có dăm người.

Thời kỳ này là thời kỳ Uỷ ban vừa làm vừa xây dựng tổ chức, vừa chuẩn bị cán bộ, vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Tuy có nhiều khó khăn lúng túng, nhưng được Đảng và Chính phủ quan tâm lãnh đạo, được các ngành, các địa phương, các cán bộ khoa học và kỹ thuật ủng hộ nên hoạt động của Uỷ ban cũng có thuận lợi và đạt được một số kết quả bước đầu kể trên, qua thực tế công tác, Uỷ ban đã nhận thức rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và nội dung công tác của Uỷ ban. Từ khi mới thành lập, Uỷ ban đã bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, đề nghị những phương châm, nhiệm vụ khoa học phù hợp với tình hình nước ta lúc đó, vào việc tổ chức, quản lý công tác kế hoạch hoá khoa học và kỹ thuật, tổ chức, lãnh đạo công tác phổ biến khoa học và kỹ thuật và phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất. Uỷ ban coi trọng việc tập hợp lực lượng khoa học và kỹ thuật, tập hợp trí tuệ của cán bộ khoa học và kỹ thuật qua tổ chức và hoạt động của các Ban khoa học, các Hội khoa học, qua các hội nghị khoa học và kỹ thuật quan trọng. Uỷ ban quan tâm và cố gắng nhiều trong việc xây dựng và phát triển công tác quản lý kỹ thuật, trong việc xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và kỹ thuật như xây dựng những cơ sở nghiên cứu khoa học trực thuộc chuẩn bị cho Viện Khoa học Việt Nam sau này, bồi dưỡng đào tạo cán bộ khoa học và kỹ thuật, phát triển công tác hợp tác khoa học và kỹ thuật với nước ngoài, và công tác thông tin - tư liệu khoa học và kỹ thuật. Nói chung Uỷ ban đã thiết lập được quan hệ hợp tác tốt đã giành được tín nhiệm và có tác dụng hướng dẫn, thúc đẩy, điều hoà phối hợp công tác khoa học và kỹ thuật của các ngành, các địa phương. Tuy nhiên Uỷ ban còn phải đồng thời xây dựng và phát triển các cơ quan nghiên cứu trực thuộc nên các cơ quan quản lý khoa học và kỹ thuật của Uỷ ban chưa được tăng cường thích đáng, do đó việc hướng dẫn, giúp đỡ các ngành, các địa phương còn hạn chế, công tác quản lý KHKT của Uỷ ban còn nhiều lĩnh vực chưa được thể chế hoá, nhất là quản lý kế hoạch KHKT, và nói chung chưa đáp ứng kịp yêu cầu của nhiệm vụ và của đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật số lượng ngày càng đông, trình độ ngày càng cao.