Thứ ba, 12/04/2016 16:23 GMT+7

Công bố kết quả sơ bộ nghiên cứu khảo cổ học tại Gia Lai

Ngày 11/4/2016, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội (KHXH) Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố kết quả ban đầu về di tích khảo cổ học sơ kỳ thời đại Đá cũ lần đầu được phát hiện tại Việt Nam. Đây là kết quả ban đầu của Đề tài cấp Viện “Nghiên cứu hệ thống...


Hội thảo thu hút hàng trăm nhà khoa học, các phóng viên báo chí Trung ương và địa phương


GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội (KHXH) Việt Nam cho biết, tháng 6/2014, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam triển khai Đề tài cấp Viện “Nghiên cứu hệ thống di tích khảo cổ học thời đại Đá vùng thượng du sông Ba ở tỉnh Gia Lai”, cán bộ Viện Khảo cổ học đã phát hiện 5 di tích thời đại Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Cuối năm 2014, các di tích được thẩm định và đưa vào Chương trình hợp tác quốc tế Nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam giữa Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga (2015 - 2019).

Tháng 11/2015, di tích Gò Đá được khai quật lần thứ nhất. Tháng 3/2016, di tích Gò Đá được khai quật mở rộng và khai quật mới di tích Rộc Tưng, theo tinh thần giấy phép khai quật tại Quyết định số 694/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ngoài việc khai quật 2 di tích trên, năm 2016, đoàn khảo cổ học Việt – Nga còn tiến hành điều tra phát hiện mới một số di tích thời đại Đá cũ ở An Khê. Việc khai quật vừa kết thúc, các nhà khảo cổ đang tiến hành xử lý và nghiên cứu tư liệu, xây dựng báo cáo khoa học. Theo đánh giá của các nhà khảo cổ học, việc khai quật đã thu được kết quả nổi bật.


Một số mẫu vật được trưng bày tại buổi họp báo


TS. Nguyễn Gia Đối, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, đại diện nhóm khảo cổ cho biết, về tính chất của di tích thì đây là các di tích cư trú và nơi chế tác công cụ đá của người nguyên thủy. Di tồn văn hóa duy nhất còn lại trong tầng văn hóa là công cụ đá do con người chế tác và sử dụng. Di tồn tự nhiên đáng chú ý và có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định niên đại của các di tồn văn hóa ở đây là các mảnh tectit rơi từ ngoài hành tinh vào trái đất. Hiện chưa tìm thấy di cốt người cũng như di tích động thực vật vì các di tích phân bố ở ngoài trời nên các vật chất hữu cơ qua quá trình lâu dài đã bị phân hủy.

Nhóm nghiên cứu cũng có những kết quả bước đầu về kỹ nghệ công cụ đá của di tích, các công cụ đá được làm từ cuội sông, suối có độ mài mòn kém, chất liệu đá quartz, quartzite hoặc tầm tích silic. Đáng chú ý nhất trong bộ sưu tập công cụ đá ở đây là các công cụ ghè hai mặt và đặt biệt là những chiếc rùi tay được gia công với trình độ kỹ thuật và thẩm mỹ cao mang đặc trưng tiêu biểu của rìu tay giai đoạn tối cổ của nhân loại - kiểu rìu tay Acheulean của sơ kỳ thời đại Đá cũ thế giới.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cũng cho biết thêm, hiện tại các chuyên gia nghiên cứu Việt – Nga dựa vào một số cơ sở để xác định niên đại cho phức hợp di tích An Khê. Đã có hơn 20 mẫu tectit ở Việt Nam đã được phân tích niên đại, trong đó mẫu tectit ở thềm cổ sông Ba tại Cheo Reo, cùng thềm với vùng An Khê có tuổi 77 vạn năm. Như vậy tuổi của các chế phẩm bằng đá do con người làm ở ra ở An Khê ít nhất phải tương đương.

Qua đó, các nhà khảo cổ học cho rằng, các phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ ở An Khê là bằng chứng khẳng định, thượng lưu sông Ba, vùng An Khê là địa bàn sinh sống của cộng đồng cư dân cổ cách đây khoảng trên dưới 80 năm. Đây cũng tạm thời được xem như dấu mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam.

Lượt xem: 1836

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)