Thứ ba, 16/05/2017 16:12 GMT+7

Xây dựng Thành phố Hà Nội thành trung tâm KH&CN của cả nước

Ngày 16/5, tại Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Thủ đô. Đây là hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5.

Đến dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Thành phố  Hà Nội; đồng chí Lê Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH&CN Thành phố Hà Nội cùng hàng trăm đại biểu là cán bộ đã và đang công tác trong ngành KH&CN Hà Nội, các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp đến từ nhiều địa phương trong cả nước.

KH&CN gắn bó với lịch sử phát triển Thủ đô

 

Giám đốc Sở KH&CN TP. Hà Nội Lê Ngọc Anh đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm

 

Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH&CN TP. Hà Nội cho biết, cách đây tròn 55 năm, giữa lúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô bắt tay vào công cuộc kiến thiết, nhằm khôi phục và xây dựng lại nước nhà, để triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác khoa học kỹ thuật, trước mắt là tăng cường lãnh đạo phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất công nông nghiệp, ngày 05/03/1962, Thành uỷ Hà Nội có Nghị quyết số 435 NQ/ĐBHN ngày 5/3/1962 về việc thành lập Ban Kỹ thuật Thành phố (tiền thân của Sở KH&CN ngày nay), đặt nền móng cho sự hình thành, xây dựng và phát triển ngành KH&CN Thủ đô.

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải  trao tặng Bằng khen của TP. Hà Nội cho Tập thể cán bộ Sở KH&CN Hà Nội

 

Trong suốt 55 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, vượt lên muôn vàn khó khăn, thử thách, bằng trí tuệ và niềm say mê khoa học cũng như ý thức trách nhiệm cao đối với Thủ đô, các thế hệ lãnh đạo, nhà khoa học, cán bộ quản lý của ngành KH&CN Thủ đô đã đoàn kết, nỗ lực và phát huy cao độ tinh thần lao động sáng tạo, đưa KH&CN Thủ đô từng bước phát triển, bắt kịp những vấn đề của thời đại, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tặng cờ thi đua của Bộ KH&CN cho Sở KH&CN Hà Nội


Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhận định, nhìn lại chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển của Ngành KH&CN Thủ đô, đã có rất nhiều thành tựu vượt bậc, xứng đáng là một trong những địa phương dẫn đầu trong toàn quốc về hoạt động KH&CN. KH&CN Thủ đô đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Giai đoạn hiện nay, cả nước đang ưu tiên, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên sang nền kinh tế chủ yếu dựa vào KH&CN.

Bộ KH&CN đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đưa tinh thần Nghị quyết số 20/NQ-TW về phát triển KH&CN, đặc biệt là việc triển khai các yêu cầu về hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nêu tại các nghị quyết của Chính phủ gần đây như: Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến 2020, Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TW của BCH Trung ương và Nghị quyết 24/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020.

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Thành phố  Hà Nội cũng cho rằng, trong thời gian qua, nhận thức về tầm quan trọng và vai trò động lực then chốt của KH&CN đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội được nâng lên rõ rệt trong các cấp lãnh đạo, trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như trong xã hội. Nhiều cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KH&CN được ban hành. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã gắn kết hơn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có hàm lượng chất xám cao đã được chuyển giao và ứng dụng vào thực tiễn đem lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh trạnh trên các lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, …

Công tác quản lý nhà nước về KH&CN của Thành phố đã có chuyển biến tích cực, chất lượng và hiệu quả về các mặt: công tác tham mưu, tư vấn, triển khai xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch KH&CN kết hợp chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao hiệu quả đầu tư cho KH&CN; Hoạt động quản lý nhà nước về Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, về Sở hữu trí tuệ, An toàn bức xạ và hạt nhân tiếp tục được đầu tư và đạt được những kết quả tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Tiềm lực KH&CN ngày càng được tăng cường, đội ngũ cán bộ KH&CN trên địa bàn không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng…

Có thể nói, hoạt động KH&CN luôn bám sát Nghị quyết, Chương trình của các kỳ Đại hội Đảng bộ Thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, bước đầu tạo sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và sản xuất, kinh doanh.

Bộ KH&CN luôn đồng hành cùng KH&CN Hà Nội

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, TP.Hà Nội được xác định là trung tâm chính trị kinh tế -  xã hội, trung tâm KH&CN của cả nước nói chung và của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng. Bên cạnh các yêu cầu chung về phát triển KH&CN, Hà Nội còn đóng vai trò dẫn dắt và làm cầu nối trong việc kết nối chung các kết quả hoạt động KH&CN.

 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Lễ kỷ niệm


Bộ trưởng Chu Ngọc Anh mong muốn TP. Hà Nội cần tập trung một số vấn đề như : Thứ nhất, với việc cho phép có thể có được các cơ chế đặc thù theo Luật Thủ đô, Hà Nội sẽ đi đầu trong nghiên cứu xây dựng và thực hiện những cơ chế đổi mới có khả năng tạo đột phá cho hoạt động KH&CN để từ đó là bài học kinh nghiệm áp dụng rộng rãi trong cả nước.

 Thứ hai, TP. Hà Nội sẽ luôn là một trong những địa phương đi đầu tạo ra kết quả thực tiễn trong việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với các quyết sách đột phá của Thành phố về chủ trương, cơ chế chính sách để các doanh nghiệp phát triển kết nối đồng bộ về thông tin và điều hành ở quy mô rộng lớn; tập trung đầu tư để triển khai có hiệu quả cao việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh trong các lĩnh vực của sản xuất và đời sống, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo và nông nghiệp sạch.

          Thứ ba, Hà Nội sớm triển khai Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố nhằm tạo lập môi trường để thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp mới có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên việc khai thác tối ưu hóa tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Trong đó, ưu tiên việc hình thành Khu dịch vụ của Thủ đô về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, thu hút được đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, các tầng lớp sinh viên tham gia để Hà Nội xứng đáng là nơi khởi nguồn các hoạt động khởi nghiệp và là đầu tàu đổi mới sáng tạo của cả nước.

 Bộ KH&CN sẽ đồng hành với Hà Nội trong hoạt động KH&CN nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, góp phần thực hiện tốt lời Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại Lễ kỷ niệm


Đồng quan điểm với Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo, để phát huy lợi thế về nguồn lực chất xám và cơ sở hạ tầng, đưa KH&CN Thủ đô phát triển với tốc độ nhanh, vững chắc, đạt trình độ quốc tế, ông Ngô Văn Quý cũng đề nghị các cấp, các ngành Thành phố và Sở KH&CN Hà Nội thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cách thức quản lý, điều hành và đề xuất các giải pháp để từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KH&CN. Gắn hoạt động KH&CN với yêu cầu thực tiễn, nâng cao tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh; tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc của thành phố như: an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, quản lý đô thị, úng lụt, xử lý rác thải, nước thải…; ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, quy hoạch, xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển văn hoá và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, v.v…

Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm đổi mới việc xây dựng, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; đổi mới tài chính trong hoạt động KH&CN; phát triển tiềm lực KH&CN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KH&CN,…

Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại; hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, mua thiết kế, thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài thuộc các lĩnh vực ưu tiên; hỗ trợ doanh nghiệp mua công nghệ từ các tập đoàn công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước... góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, đưa TP. Hà Nội thành trung tâm KH&CN của cả nước nói chung và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3470

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)