Quy trình, thủ tục thẩm định hồ sơ công nghệ cho công ty tại Việt Nam

Ngày cập nhật: 01/11/2021

Hỏi :(Ngô Hải Đoàn - ngodoan93@gmail.com)

Hiện tại công ty chúng tôi đang có nhu cầu thẩm định công nghệ đốt rác phát điện tại Việt Nam ( công ty nước ngoài, đã triển khai rất nhiều dự án đốt rác phát điện ở nước ngoài), xin hỏi quy trình, thủ tục cụ thể thế nào và liên hệ phòng/ ban nào của Bộ để xúc tiến công việc này

Trả lời :

Kính gửi độc giả Ngô Hải Đoàn,

BBT Cổng TTĐT Bộ KH&CN xin gửi tới độc giả ý kiến phản hồi của đơn vị chuyên môn như sau:

Theo quy định của pháp luật, hoạt động thẩm định công nghệ có nhiều hình thức, trong các giai đoạn khác nhau và được phân cấp thực hiện khác nhau. Việc thẩm định công nghệ đốt rác phát điện tại Việt Nam mà quý độc giả đề cập đến, có thể  là một trong hai trường hợp sau: thẩm định công nghệ dự án đầu tư hoặc thẩm định công nghệ mới được nghiên cứu và/ hoặc áp dụng lần đầu tiên ở Việt Nam.

1. Đối với trường hợp thẩm định công nghệ dự án đầu tư :

Công nghệ đốt rác phát điện là công nghệ có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Do đó, theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ 2017, dự án đầu tư có sử dụng công nghệ này phải được thẩm định bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể:

- Trong giai đoạn xem xét quyết định chủ trương đầu tư:

Theo quy định của điểm b khoản 2 Điều 13 Luật Chuyển giao công nghệ: “Dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường có sử dụng công nghệ”.

- Trong giai đoạn quyết định đầu tư:

Theo quy định của điểm a khoản 3 Điều 13 Luật Chuyển giao công nghệ:  “... dự án đầu tư xây dựng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường có sử dụng công nghệ phải được thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ theo quy định của Luật này”.

Về thẩm quyền thẩm định:

- Trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Chuyển giao công nghệ: “Thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ đối với dự án quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 của Luật này được thực hiện như sau:

a) Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định công nghệ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội;

b) Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan, tổ chức liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;

c) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án thuộc trường hợp phải quyết định chủ trương đầu tư và không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này”.

- Trong giai đoạn quyết định đầu tư:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Chuyển giao công nghệ: “Thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ của dự án quy định tại điểm a khoản 3 Điều 13 của Luật này được thực hiện như sau:

a) Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định về công nghệ đối với dự án quan trọng quốc gia;

b) Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực cùng cấp thẩm định về công nghệ đối với dự án nhóm A, B, C sử dụng vốn ngân sách nhà nước;

c) Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ đối với dự án nhóm A, B, C sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách và vốn khác”.

Trình tự, thủ tục thực hiện thẩm định công nghệ  thực hiện theo quy định tại Điều 18, nội dung thẩm định thực hiện theo quy định tại Điều 19 Luật Chuyển giao công nghệ.

2. Đối với Công nghệ mới được nghiên cứu và/ hoặc áp dụng lần đầu tiên ở Việt Nam:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu quy định: “Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới được nghiên cứu và áp dụng lần đầu ở Việt Nam”.

Tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định tại Điều 20 của Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP. Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang hoàn thiện Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các Thông tư hướng dẫn mới.

Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, độc giải cần xác định rõ “nhu cầu thẩm định công nghệ” cụ thể của Quý Công ty. Từ đó, sẽ xác định được trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định để lập hồ sơ thẩm định gửi cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết đúng quy định.

Trân trọng./.