Thứ sáu, 26/08/2022 15:42 GMT+7

Thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm

Áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng (NSCL) sản phẩm hàng hóa là một trong những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Việc khuyến khích, hỗ trợ nâng cao NSCL góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp tăng cơ hội tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL, ứng dụng những giải pháp công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, ngày 21/10/2021, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch số 4835/KH-UBND về hỗ trợ nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025.

Đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển các ngành kinh tế thế mạnh của tỉnh, các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, chủ lực, ưu tiên của tỉnh, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu.

Mục tiêu nhằm đưa NSCL sản phẩm, hàng hóa trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh. Mục tiêu cụ thể là hỗ trợ 100 - 150 doanh nghiệp, HTX áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân của tỉnh trên 7%/năm...
 

Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa là một trong những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ảnh minh họa

Theo Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Phú Thọ, căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, để triển khai thực hiện có hiệu quả, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2022 với các nội dung về hoạt động truyền thông về NSCL; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về NSCL; điều tra, khảo sát thu thập thông tin phục vụ kế hoạch hỗ trợ; hỗ trợ nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa.

Nội dung hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh. Chi cục được Sở giao chủ trì, phối hợp các phòng, đơn vị thuộc Sở và các đơn vị có liên quan tham mưu cho lãnh đạo Sở chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch đảm bảo tiến độ, chất lượng và đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, trong giai đoạn 2014-2020, trên địa bàn tỉnh đã triển khai dự án nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ. Kết quả, đã có trên 30 doanh nghiệp, hợp tác xã được hướng dẫn xây dựng, công bố áp dụng tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, HTX; trên 50 lượt doanh nghiệp được hướng dẫn thực hiện đăng ký, sử dụng mã số mã vạch cho sản phẩm và ghi nhãn hàng hóa trên sản phẩm; 16 sản phẩm nông nghiệp có lợi thế được đăng ký bảo hộ sở hữu và quản lý phát triển thương hiệu bằng các hình thức nhãn hiệu tập thể; hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức để tạo lập 148 văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ...

Chương trình đã tạo động lực, khích lệ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng doanh thu, lợi nhuận, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
 

Công ty Cổ phần thương mại Lương Sơn, xã An Đạo, huyện Phù Ninh chuyên chế biến dăm gỗ được hỗ trợ một phần kinh phí để đổi mới công nghệ, giảm tiếng ồn trong sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng. 

Đơn cử, Công ty TNHH chè Hoài Trung, huyện Thanh Ba đã chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao NSCL, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Bà Bùi Thị Mão - Giám đốc Công ty cho biết: Thông qua các khóa đào tạo, tập huấn về NSCL, Công ty chú trọng các công đoạn, quy trình sản xuất sản phẩm. Công ty có ba dây chuyền sản xuất khép kín với công suất máy trên 40 tấn chè búp tươi/ngày.

Công ty đã được cấp chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý ISO 22000, giúp kiểm soát một cách toàn diện các khía cạnh và quá trình liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh chè. Đây là cơ sở xây dựng niềm tin của khách hàng, người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn của sản phẩm.

Việc triển khai ứng dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL đã giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh cải tiến sản xuất, nâng cao khả năng quản trị, tăng chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu. Các hoạt động ứng dụng đã góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thúc đẩy xuất khẩu.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 2050

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)