Thứ năm, 25/08/2022 14:20 GMT+7

Khai mạc Hội nghị Pháp quy hạt nhân toàn quốc lần thứ V

Sáng 24/08/2022, tại thành phố Lạng Sơn tỉnh Lạng Sơn, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lạng Sơn đã chính thức khai mạc Hội nghị Pháp quy hạt nhân toàn quốc lần thứ V.

Toàn cảnh Hội nghị.
 

Tham dự Hội nghị, về phía Bộ KH&CN có: ông Huỳnh Thành Đạt, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Lê Xuân Định, Bí thư Đảng uỷ, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Phạm Gia Chương, Phó Bí thư Đảng uỷ Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN. Về phía tỉnh Lạng Sơn có: ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh  Lạng Sơn; bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn. Khách mời tham dự Hội nghị có: Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Quốc phòng; đại tá Phạm Xuân Hưng, Phó Tư lệnh Binh chủng Hoá học, Bộ Quốc phòng; PGS.TS. Vương Hữu Tấn, Chủ tịch Hội năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Hội nghị có sự tham dự của trên 300 đại biểu đại diện các Bộ, ngành liên quan; đại diện cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân ở Trung ương và địa phương; đại diện các tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ trong cả nước, các tổ chức hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử, các cơ quan, tổ chức có hoạt động hợp tác và hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, hạt nhân.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân trong phạm vi cả nước, tạo diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia kỹ thuật và các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đáp ứng sự cân bằng giữa nhu cầu, lợi ích của các ứng dụng bức xạ và hạt nhân trong các lĩnh vực và các yêu cầu bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh hạt nhân cho phát triển bền vững.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu khai mạc Hội nghị.
 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, nhìn lại hoạt động quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an ninh hạt nhân và phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử trong hai năm vừa qua, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch covid-19, nhưng chúng ta vẫn đạt được một số kết quả đáng khích lệ, trong đó có việc sản xuất và cung cấp dược chất phóng xạ, đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện, cơ sở y tế. Các ứng dụng năng lượng nguyên tử đang đóng góp ngày càng nhiều hơn trong phát triển kinh tế xã hội nói chung. Trên cơ sở Khung Chương trình quốc gia về hợp tác kỹ thuật giữa Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Việt Nam qua các giai đoạn 2011-2016 và 2016-2021, tháng 03/2022 Khung chương trình quốc gia cho giai đoạn 2022-2027 đã được ký kết và làm cơ sở định hướng phát triển ứng dụng bức xạ, kỹ thuật hạt nhân theo kịp với tiến bộ của thế giới. 

Bên cạnh đó, hoạt động quan trắc phóng xạ môi trường nhằm đáp ứng các yêu cầu, triển vọng hoàn thiện cơ sở số liệu về phông phóng xạ, xây dựng hệ thống quan trắc phóng xạ quốc gia cũng được triển khai nghiêm túc, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến nay, cả nước đã có tổng số 55 tỉnh/thành phố được phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh. Công tác tổ chức diễn tập, ứng phó sự cố được chú trọng thực hiện hàng năm tại nhiều tỉnh thành. Kết quả tích cực như vậy có được là nhờ sự phối hợp giữa Bộ KH&CN (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam với Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Hoá học, Viện Hoá học và Môi trường quân sự và Uỷ ban Quốc gia về Ứng phó Sự cố, Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn) trong việc tăng cường năng lực ứng phó sự cố phóng xạ trên đất liền và trên biển.

Bộ trưởng cũng đã chia sẻ, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn nhiều công việc cần tập trung triển khai trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân. Cho đến nay cơ sở hạ tầng về an toàn bức xạ, an ninh hạt nhân, ứng phó sự cố và quan trắc phóng xạ môi trường của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo tiêu chuẩn của IAEA và các yêu cầu được đặt ra trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ trưởng mong muốn, tại Hội nghị này các nhà quản lý, các nhà khoa học và các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử trao đổi, chia sẻ cởi mở về hiện trạng công tác quản lý, kết quả thực hiện các kiến nghị từ Hội nghị pháp quy lần thứ tư và tập trung thảo luận các nội dung: Rà soát và đề xuất giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân, trong đó lưu ý việc sửa Luật Năng lượng nguyên tử trong thời gian tới; thảo luận các giải pháp nhằm hoàn thiện Kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh, bảo đảm thời gian sớm nhất 100% các tỉnh/thành phố được Bộ KH&CN phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh. Đồng thời, thảo luận về công tác tổ chức diễn tập Kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh theo quy định; hoàn thiện hệ thống quan trắc phóng xạ môi trường toàn quốc, trong đó xây dựng mạng lưới quan trắc phóng xạ và số liệu phông phóng xạ quốc gia.
 

Thiếu tướng Pham Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn, Văn phòng Uỷ ban quốc gia ứng phó sự cố phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn phát biểu chào mừng Hội nghị.
 

Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã chia sẻ một số thông tin về công tác tổ chức lực lượng ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân tại Việt Nam. Theo Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, để sẵn sàng lực lượng, phương tiện, chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả các sự cố bức xạ - hạt nhân, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế và môi trường, các Bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã được Chính phủ giao tại các văn bản quy phạm pháp luật.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN trao Bằng khen cho các tập thể xuất sắc.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định trao Bằng khen cho các cá nhân xuất sắc.
 

Ngay tại Lễ khai mạc Hội nghị đã diễn ra Lễ trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho 13 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ và ứng phó sự cố năm 2020-2021.

Hội nghị diễn ra từ ngày 24-26/08. Tại các phiên họp toàn thể theo chuyên đề, các đại biểu cùng thảo luận về các nội dung chính gồm: Công tác quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn bức xạ, hạt nhân; Ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân; Phóng xạ môi trường; Ứng dụng bức xạ./.

Nguồn: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 6191

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)