Thứ tư, 07/11/2018 15:17 GMT+7

Hội thảo quốc tế thuộc Dự án Giống đột biến trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác hạt nhân châu Á - (FNCA)

Từ ngày 29/10/2018-01/11/2018, tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã diễn ra Hội thảo quốc tế thuộc Dự án Giống đột biến trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác hạt nhân Châu Á - (FNCA), nhằm tổng kết và đánh giá các kết quả các dự án tại các nước thành viên, từ đó đề xuất các hướng nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử trong chọn tạo giống cây trồng.

Hội thảo do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp (AGI) và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) tổ chức, với sự tham dự của các đại biểu đến từ các quốc gia: Bangladesh, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam.
 


Đoàn đại biểu tham dự hội thảo

 

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (FAO/IAEA), đến năm 2017 trên thế giới đã có hơn 3.000 giống cây trồng được chọn tạo bằng phương pháp đột biến, đóng góp quan trọng vào sản xuất nông nghiệp. Đột biến tạo giống là phương pháp hiệu quả trong cải tiến năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu với các yếu tố sinh học và phi sinh học của cây trồng. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới về chọn tạo giống cây trồng đột biến. Tính đến 2017, ở Việt Nam đã công nhận và đưa ra sản xuất 67 giống đột biến bao gồm: 46 giống lúa, 10 giống đậu tương, 4 giống hoa, 2 giống ngô, 2 giống táo, 2 giống lạc, 1 giống bạc hà.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Ngọc Toàn, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết: Kể từ khi thành lập đến nay, Diễn đàn Hợp tác hạt nhân Châu Á - (FNCA) đã tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong khu vực và đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực: nông nghiệp, y tế, môi trường và công nghiệp. Đột biến là phương pháp được áp dụng trong chọn tạo giống cây trồng từ những năm 1930, phần lớn các giống đột biến được đưa vào sản xuất là những dạng có thay đổi về kiểu hình, thời gian ra hoa, màu hoa và dạng hoa… Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học, nhiều tác nhân gây đột biến mới như ion beam, electron beam …, các kỹ thuật công nghệ sinh học đã được áp dụng vào chọn tạo giống mới. Hội thảo lần này được tổ chức để trao đổi thông tin, thảo luận về những thành tựu và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chọn tạo giống trong khu vực.

Tại hội thảo, TS. Hideki NAMBA, Cố vấn FNCA của Nhật Bản đã trình bày Tổng quan và tiến độ các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn FNCA giai đoạn 2017-2018; GS. Hirokazu NAKAI, Điều phối viên dự án FNCA về Đột biến tạo giống của Nhật Bản trình bày Sơ lược về dự án giống đột biến của FNCA; Đại diện các nước thành viên đã có các báo cáo hoạt động của các dự án nhánh (Sub-project) về Cao lương, Đậu nành và Chuối.

Trong hội thảo chuyên đề về “Ứng dụng công nghệ bức xạ và đột biến tạo giống vì mục đích phát triển bền vững”, đại diện của các nước báo cáo các kết quả đạt được trong việc áp dụng công nghệ bức xạ (chùm tia ion cabon) để nâng cao  năng suất, chất lượng cho cây trồng nhờ đột biến tạo giống, hiệu ứng kích kháng bệnh của oligochitosan, oligocaraginan trên một số loại cây như lúa, đậu nành, sắn... với định hướng phát triển một nền nông nghiệp an toàn và bền vững. Về phía Việt Nam, các nhà khoa học tới từ Viện Di truyền Nông nghiệp, cơ quan chủ trì thực hiện dự án FNCA về Đột biến tạo giống ở Việt Nam đã có các báo cáo tham luận tại hội thảo. Trong đó, GS. Lê Huy Hàm đã có báo cáo đánh giá vai trò của các giống cây trồng đột biến trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam, TS. Lê Đức Thảo báo cáo về kết quả nghiên cứu chọn tạo giống đậu nành đột biến và TS. Nguyễn Anh Vũ báo cáo về kết quả chọn tạo giống sắn đột biến.

 


Đại diện của Việt Nam báo cáo tại hội thảo

 

Sau khi đại diện các nước thành viên báo cáo các kết quả đạt được, hội nghị đã thảo luận những khó khăn trong việc nghiên cứu và thương mại hóa, phát triển sản phẩm cũng như đánh giá và đề nghị các nội dung nghiên cứu mới cho Dự án trong những năm tiếp theo. Cụ thể, hội nghị đã thảo luận chi tiết các chủ đề như sau: (1) Kế hoạch 5 năm về Giống đột biến đối với các loại cây trồng chủ đạo vì mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, (2) Hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và Hiệp định hợp tác vùng (IAEA/RCA).

 


   Đại diện của Indonesia báo cáo tại hội thảo

 

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã tham quan Viện Di truyền Nông nghiệp, đơn vị đã được FAO/IAEA trao tặng giải thưởng “Thành tựu xuất sắc” về chọn tạo giống đột biến. Tại đây, các đại biểu đã được nghe đại diện của Viện Di truyền Nông nghiệp giới thiệu về các giống lúa, đậu nành đột biến ở Việt Nam./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 3152

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)