Thứ sáu, 16/12/2016 15:36 GMT+7

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ: Bài học từ các mô hình quốc tế

Ngày 13/12/2016 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế (VISTIP) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ: Bài học từ các mô hình quốc tế”. Hội thảo là cơ hội để các đại biểu thảo luận, chia sẻ thông tin về kiến thức và các kinh nghiệm áp dụng các mô hình quốc tế trong việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ ở Việt Nam, góp phần thực hiện thành công các chương trình và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương; ông Trịnh Minh Tâm, Phó Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ; ông Nguyễn Hữu Xuyên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ cùng đại diện từ các doanh nghiệp, các trường, các viện nghiên cứu trong và ngoài Bộ KH&CN…
 


Bà Bùi Thị Huy Hợp – Phó Giám đốc VISTIP phát biểu khai mạc Hội thảo


Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo về hoạt động chuyển giao công nghệ của một số nước châu Á như Nhật Bản, Thái Lan và rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, trao đổi thảo luận về một số mô hình hỗ trợ chuyển giao công nghệ trên thế giới như mô hình trung tâm chuyển giao công nghệ (TTO), mô hình văn phòng liên kết công nghiệp (ILO), văn phòng cấp phép công nghệ (TLO – điển hình thành công là tại Nhật Bản), văn phòng chuyển giao tri thức (KTO)…

Theo ông Nguyễn Hữu Xuyên, năng lực chuyển giao công nghệ của các nước trên thế giới có thể chia làm 5 giai đoạn. Giai đoạn không (0) là giai đoạn sản xuất độc canh, nông nghiệp tự cung tự cấp, phụ thuộc viện trợ như ở một số nước Châu Phi. Giai đoạn một (1) là giai đoạn sản xuất đơn giản dưới sự hướng dẫn của nước ngoài. Giai đoạn hai (2) là giai đoạn phát triển công nghiệp hỗ trợ, vẫn dưới sự hướng dẫn của nước ngoài (Malaysia, Thái Lan…). Giai đoạn ba (3) là giai đoạn đã có thể quản lý và làm chủ được công nghệ, có thể sản xuất các sản phẩm chất lượng cao (Hàn Quốc, Đài Loan…). Giai đoạn bốn (4) là giai đoạn đủ năng lực đổi mới và thiết kế sản phẩm như một đơn vị dẫn đầu (Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu). Như vậy, nếu tính theo cách phân chia trên thì Việt Nam đang ở giai đoạn một.
 


Ông Nguyễn Hữu Xuyên trình bày tại Hội thảo


Cũng trong chương trình Hội thảo, các đại biểu cũng nghe báo cáo về một số vấn đề trong chuyển giao công nghệ ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và các biện pháp, chính sách hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) cũng đã chia sẻ một số thông tin về hoạt động chuyển giao công nghệ tại các địa phương trên toàn quốc.
 


TS. Bùi Tiến Dũng, Trường Quản lý KH&CN trình bày tại Hội thảo


Các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi cùng trao đổi thảo luận và nhận định đây là một chủ đề quan trọng và Hội thảo đã đáp ứng được phần nào nhu cầu thông tin, trao đổi của các nhà quản lý, các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà doanh nghiệp. 

Kết thúc hội thảo, bà Bùi Thị Huy Hợp, Phó Giám đốc VISTIP hy vọng trong thời gian tới, VISTIP cùng các đại biểu sẽ có thêm nhiều cơ hội để trao đổi thông tin, hợp tác, hỗ trợ trong hoạt động chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN.

Nguồn: VISTIP

Lượt xem: 3802

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)