Thứ sáu, 12/08/2022 15:12 GMT+7

Hoạt động hưởng ứng Nghị quyết của Liên Hợp Quốc “Kỷ niệm năm 2022 là năm quốc tế Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững”

Ngày 11/8/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB), Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất toàn cầu Việt Nam (Geopark Việt Nam) và Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo "Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững - chia sẻ kinh nghiệm của các khu dự trữ sinh quyển thế giới và công viên địa chất toàn cầu của Việt Nam".


Đoàn Chủ tịch của Hội thảo (từ trái qua phải: GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí, GS.TS. Võ Đại Hải và TS. Lê Yên Dung)

 

Tham dự Hội thảo có GS.TS. Võ Đại Hải, Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Thành viên Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Bộ KH&CN; Đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí- Chủ tịch Uỷ ban Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam, Chương trình Công viên địa chất toàn cầu; Đại diện các Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Công viên địa chất toàn cầu của Việt Nam và đông đảo các nhà khoa học, các đại biểu quan tâm.

Năm 2022 được Liên Hợp Quốc chọn là năm Khoa học cơ bản với chủ đề là "Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững" nhằm nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của khoa học cơ bản đối với phát triển bền vững của toàn xã hội. Để thiết thực hưởng ứng Nghị quyết của Liên Hợp Quốc, Hội thảo được tổ chức với mục đích đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày các báo cáo tham luận về: (1) Xây dựng bộ tiêu chí và chỉ số đánh giá hiệu quả quản lý phục vụ phát triển bền vững Khu Dự trữ Sinh quyển tại Việt Nam, (2) Bài học kinh nghiệm xây dựng mô hình bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng xã ở Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, (3) Sử dụng công nghệ 3D để xác định sinh khối và trữ lượng cacbon ở các chuỗi diễn thế khác nhau tại Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai, (4) Giới thiệu tri thức địa phương về di sản địa chất ở một số công viên địa chất Việt Nam và (5) Phát triển bền vững ở các Khu Dự trữ Sinh quyển trên thế giới và Việt Nam.



Các Đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo

 

Các chủ đề thảo luận này liên quan các vấn đề: phát triển bền vững và sinh kế người dân địa phương (hoạt động dán nhãn sinh quyển, nhãn sinh thái, bảo tồn cấp làng xã; kinh nghiệm từ Chương trình chi trả dịch vụ bảo vệ rừng tại Khu Dự trữ Sinh quyển Langbiang; nghiên cứu vùng chỉ dẫn địa lý và vùng dự trữ sinh quyển gắn với các mục tiêu phát triển bền vững của địa phương dựa trên mối quan hệ gắn kết với các sự vật, hiện tượng, quy luật tự nhiên của địa phương và các chủ đề liên quan đến nghiên cứu sinh khối, tính toán lượng cacbon trong Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai,...

Các đại biểu tham gia đánh giá cao các kết quả nghiên cứu được triển khai tại các khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất toàn cầu của Việt Nam; việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện chất lượng đời sống của cộng đồng dân cư địa phương. Các chuyên gia đã thảo luận hướng tới việc phổ biến các kiến thức từ khoa học đến thực tiễn tại nước ta về khoa học cơ bản trong bảo vệ môi trường tại các khu dự trữ sinh quyển và công viên địa chất toàn cầu của Việt Nam.



Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tiếp



Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến

Nguồn: Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên

Lượt xem: 1341

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)