Thứ năm, 28/07/2022 21:57 GMT+7

Hợp tác thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam - Pháp

Các chủ chương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước gần đây, vẫn luôn nhấn mạnh vai trò của khai thác, tìm kiếm, chuyển giao và làm chủ các công nghệ tiên tiến, như là một trụ cột trong phát triển một nền kinh tế sáng tạo, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa KH&CN với các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thông qua nâng cao năng lực, trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đã nhấn mạnh: “Chú trọng khai thác, chuyển giao công nghệ từ các địa bàn có công nghệ nguồn để rút ngắn khoảng cách, nâng cao trình độ, năng lực khoa học và công nghệ trong nước. Khuyến khích các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam hoặc thành lập các cơ sở nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam”. Trên cơ sở đó, đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 138/QĐ-TTg 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực, ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực tế trong thời gian vừa qua cho thấy, hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN) tại Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng và góp phần nâng cao năng lực sản xuất, năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp, mang lại nhiều hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam chưa thực sự đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cao, đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế[1]. Sự liên kết, tương tác giữa khu vực đầu tư nước ngoài với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan toả về năng suất và công nghệ chưa cao, tỉ lệ nội địa hoá còn thấp[2].

Bên cạnh đó, cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, từ đầu năm 2019, một loạt các hiệp định được Việt Nam ký kết bắt đầu có hiệu lực, cụ thể như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) được ký kết ngày 08/3/2018 và chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/01/2019; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA) được ký kết ngày 30/6/2019 và chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 1/8/2020. Việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do FTA giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng tiếp cận vào các thị trường thế giới nhưng đi kèm với đó là việc đảm bảo thực hiện các cam kết về sở hữu trí tuệ và hàng rào kỹ thuật trong thương mại trong các hiệp định được ký kết.

Chính vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao đổi, làm việc với Bpifrance, một tổ chức tài chính hàng đầu của Pháp về hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, quốc tế hóa, tạo ra sự đột phá và chuyển đổi của các doanh nghiệp, để tăng cường khả năng hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp hai nước trao đổi, tìm kiếm thông tin, thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ từ nước ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ.
 


Bộ Khoa học và Công nghệ và Bpifrance trao đổi tại buổi làm việc

Ngày 8 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở của Bpifrance, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Cục) và tổ chức Bpifrance đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong đó tập trung vào các nội dung hợp tác chính như sau:

- Trao đổi thông tin: hội thảo, diễn đàn kinh doanh và các sự kiện; Tổ chức hội thảo, hội nghị trực tuyến về lĩnh vực mà hai bên quan tâm.

- Đối tác công nghệ: hỗ trợ các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam hợp tác song phương (thông qua các cuộc gọi đề xuất chung) hoặc đa phương (kết nối và tham gia với mạng lưới EUREKA) về công nghệ.

- Tạo điều kiện tương tác cho doanh nghiệp: Thúc đẩy hợp tác để xây dựng dự án chung, thông qua tham vấn, hội nghị doanh nghiệp chung, đào tạo/tập huấn.

- Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam tiếp cận và tham gia nền tảng EuroQuity.

- Hỗ trợ xuất khẩu thiết bị công nghệ, đầu tư cho các doanh nghiệp Pháp sang Việt Nam.

- Hỗ trợ kỹ thuật: Cung cấp chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; các khóa đào tạo về quản lý đổi mới, tư vấn tài chính và công nghệ.
 


Lãnh đạo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Bpifrance đã ký kết thành công dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt

Trước mắt, trong năm 2022 và 2023, hai bên sẽ tập trung vào một số hoạt động cụ thể như tổ chức các hội thảo, hội nghị trực tuyến về lĩnh vực mà doanh nghiệp hai bên quan tâm, tổ chức kết nối online cho các doanh nghiệp có nhu cầu, hỗ trợ doanh nghiệp Pháp có nhu cầu đầu tư dự án FDI, hợp tác R&D và xuất khẩu thiết bị vào Việt Nam, tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu hợp tác sang làm việc với các doanh nghiệp Pháp (dự kiến trong khoảng tháng 10/2022 - 5/2023) kết hợp với các khóa đào tạo, cùng phối hợp xây dựng chương trình hỗ trợ việc hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp 2 bên.

THÔNG TIN ĐỐI TÁC

Tổ chức Bpifrance – Pháp là Công ty cổ phần do Nhà nước Pháp thành lập theo Luật số 2012-1559 ngày 31 tháng 12 năm 2012 của Pháp hỗ trợ chính sách đổi mới và khởi nghiệp tại châu Âu cũng như các đối tác quốc tế khác nhằm tạo ra giá trị chung vì lợi ích cho doanh nghiệp. Bipfrance hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng mạng lưới đối tác quốc tế với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng quốc tế của doanh nghiệp (doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ) thông qua tăng cường năng lực và hiệu quả đổi mới nhờ quan hệ đối tác mới với doanh nghiệp tại Pháp và nước ngoài.



[1] Việc thực hiện CGCN theo hình thức mua công nghệ kèm theo máy móc, thiết bị là kênh phổ biến, được thực hiện tại hầu hết các doanh nghiệp với quy mô khác nhau. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam lại là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (chiếm khoảng 96%), số vốn đầu tư cho hoạt động ứng dụng và đổi mới công nghệ ở mức thấp (chỉ khoảng 1,5% doanh thu, trong khi ở các nước tiên tiến trong khu vực là 5-10%). Thậm chí, với kinh nghiệm hạn chế và thiếu thông tin mà doanh nghiệp phải nhập công nghệ lạc hậu với giá cao. Vì vậy, năng lực sản xuất và công nghệ ứng dụng tại các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

[2] Theo kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, chỉ có khoảng 17% số doanh nghiệp tư nhân có khách hàng là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình hơn là các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thấp và có xu hướng sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước ít hơn, theo thống kê của VCCI thì chỉ 37% đầu vào của FDI được mua tại Việt Nam, trong đó một tỷ lệ đáng kể lại mua từ chính các doanh nghiệp FDI khác. Mặt khác, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp FDI cũng không cao, có tới 80% doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình và chỉ 6% có công nghệ cao. Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành dệt may, da giày khoảng 40% - 45%; ngành lắp ráp ô-tô khoảng 7% - 10%; ngành công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử viễn thông khoảng 15% (VCCI)

 

Nguồn: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Lượt xem: 2566

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)