Thứ sáu, 08/01/2021 14:30 GMT+7

Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Tú Lệ” cho sản phẩm gạo nếp

Ngày 29/12/2020, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 4926/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00100 cho sản phẩm gạo nếp “Tú Lệ” nổi tiếng. Ủy ban nhân dân huyện Văn Chấn là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Tú Lệ là một xã nằm ở thung lũng rộng gần 3.000 ha dưới ba dãy núi Khau Phạ, Khau Song và Khau Thán. Nơi đây được biết đến với cảnh sắc Tây Bắc quyến rũ, đặc sản nếp dẻo thơm, suối nước nóng tự nhiên và những tập tục thiêng liêng của động bào dân tộc người Thái.

Ông Hoàng Văn Túi, một cao niên thôn Phạ Dưới, xã Tú Lệ thuộc huyện Văn Chấn kể lại, xưa kia con người chỉ biết làm nương rẫy, khi bị hạn hán, sâu bệnh hoành hành cây lúa không lên nổi, mất mùa, người dân phải vào rừng, kiếm củ rừng về ăn. Tết năm ấy, một người con hiếu thảo không biết lấy gì cúng cha mẹ, anh ta chỉ biết ngửa mặt lên trời mà than. Thương người con hiếu thảo “Then” (người trời) mới hiện ra bảo anh ta hãy lên Khau Phạ - Cổng trời, “Tiên” sẽ ban cho giống lúa tốt về trồng, đủ ăn quanh năm. Tin lời, chàng trai đi ngược dòng suối lên Khau Phạ, đến chiều thì gặp một khóm lúa dại mọc bên bờ suối, chuột và chim đa ăn gần hết, chỉ còn sót vài hạt. Anh ta mang giống lúa ấy đi gieo khắp vùng Tây Bắc, nhưng không nơi nào có được kết quả như lời “Tiên” dặn, nơi thì thóc không nảy mầm, nơi thì lúa  còi cọc bông lép. Khi đi tới chân đèo Khau Phạ, anh ta dừng chân bên con suối Nậm Lùng uống nước, thấy dòng nước mát, ngọt lịm, ngẩng mặt lên là thung lũng tươi tốt, anh ta quyết định ở lại vỡ ruộng trồng lúa, quả nhiên thóc “Tiên” gieo xuống đã nhanh nảy mầm và tươi tốt lạ thường, khi bông trổ tỏa ra một hương thơm tinh khiết. Lúa chín, đem xay được những hạt gạo to tròn, trắng trong, có hương thơm quyến rũ. Từ đó, giống nếp được đặt tên là “Nếp tan lả” (Khẩu Tan Chạu).

Giữ gìn nét văn hóa và phong tục tập quán cha ông truyền lại, người dân Tú Lệ coi hạt lúa “Nếp tan lả” như hạt ngọc được ông trời ban tặng. Cứ vào khoảng tháng 10, những người dân Thái ở Tú Lệ lại tổ chức lễ cúng Cơm mới để cảm tạ tấm lòng “Tiên” ông ban tặng giống thóc quý.



Cánh đồng Tú Lệ

 

Nằm trong  số bốn thung lũng lớn nổi tiếng vì phong cảnh đẹp và khí hậu trong lành ở vùng Tây Bắc Việt Nam, cánh đồng Mường Lò được xếp thứ hai sau Mường Thanh tỉnh Điện Biên, đứng trên Mường Than tỉnh Lai Châu và Mường Tấc tỉnh  Sơn La, cánh đồng Tú Lệ thuộc vùng Mường Lò được nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp xác định là một trong những vùng sản xuất lúa đặc sản chất lượng cao của Việt Nam. Cánh đồng Tú Lệ nằm trong vùng đất cổ, có địa hình dốc thoải, được bao bọc bởi 3 dãy núi Khau Phạ, Khau Song và Khau Thán, độ cao từ 630 m đến 900 m so với mực nước biển. Nơi đây có nhiệt độ trung bình năm 21,9 oC, biên độ nhiệt ngày đêm vào thời điểm lúa trổ bông từ 8 oC đến 8,3 oC, số giờ nắng trung bình tháng vào thời điểm lúa trổ bông đến khi lúa chín là 420 giờ, độ ẩm trung bình năm là 84%. Khu vực địa lý có nguồn nước tưới từ suối Ngòi Hút, Nậm Lung và các chi lưu Huổi Lại, Huổi Sán, Bản Mạ, Huổi Tông, Nậm Ban do đó nguồn nước tưới đã cung cấp một lượng phù sa giàu dinh dưỡng, và nhiệt độ của nguồn nước tưới mát hơn so với nước bình thường.



Ngã ba suối Ngòi Hút và Nậm Lung thuộc cánh đồng nếp Tú Lệ

 

Thổ nhưỡng của khu vực địa lý gồm đất phù sa ngòi suối, đất dốc tụ và đất đỏ vàng biến đổi, độ dày tầng đất mịn và hàm lượng dinh dưỡng khá cao. Hàm lượng pHKCL từ 3,98% đến 5,08%, hàm lượng N tổng số từ 0,07% đến 0,2%, hàm lượng chất hữu cơ (OM) từ 0,94% đến 3,42%, hàm lượng P2O5 tổng số từ 0,08% đến 0,30%, hàm lượng K2O tổng số từ 0,52% đến 1,81%, hàm lượng P2O5 dễ tiêu từ 6,50 mg/100g đến 126,00 mg/100g, hàm lượng K2O dễ tiêu từ 8,72 mg/100g đến 27,83 mg/100g. So với các vùng khác, đất trồng lúa ở Tú Lệ có các chỉ số K2O dễ tiêu, P2O5 dễ tiêu cao. Nhờ đó, chất lượng của gạo nếp ở Tú Lệ cũng khác so với các vùng khác.

Gạo nếp Tú Lệ là sản phẩm nông nghiệp của đồng bào Thái, là kết tinh của đất trời và người dân nơi này. Gạo nếp Tú Lệ màu trắng sữa, hơi bóng, hạt gạo thon tròn, hạt chắc, đều, ít vỡ, gãy. Gạo có mùi thơm đậm, nhiệt độ hóa hồ từ 70,0 oC đến 74,0 oC, hàm lượng Amylose của gạo nếp Tú Lệ thuộc loại cao, từ 1,30% đến 2,71%, hàm lượng Protein từ 6,94%  đến 7,61%, hàm lượng tinh bột từ 72,95% đến 74,37%.
 



Gạo nếp ở Tú Lệ khi nấu thành xôi có mùi thơm đậm, vị ngọt đậm, bùi. Xôi rất dẻo, mềm nhưng không dính khi nắm tay. Nhờ những đặc thù như vậy, nếp thơm Tú Lệ trở thành đặc sản trời ban mà không ở vùng cao nào có được và trở thành niềm tự hào của người dân Tú Lệ, danh tiếng ngày một lan rộng, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Khu vực địa lý: Xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái./.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1944

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)