Thứ hai, 09/09/2019 15:30 GMT+7

Ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Để giúp các doanh nghiệp chủ động trong hoạch định chiến lược, tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 cũng như giảm thiểu các thách thức, ngày 06/9/2019, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức Hội thảo “Ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ 4", tại Hà Nội.

 

Toàn cảnh Hội thảo.


Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng đại diện các Vụ Công nghệ cao (Bộ KH&CN), Vụ KH&CN và Vụ Công nghiệp (Bộ Công Thương); đại diện Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Công đoàn Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Da giày Việt Nam, Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam và lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may. Chủ trì và điều hành Hội thảo gồm: TS. Trần Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV, ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex, ông Cao Hữu Hiếu - Giám đốc điều hành Vinatex.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc CMCN lần thứ 4 đối với ngành dệt may Việt Nam nhằm đề xuất định hướng chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển trong giai đoạn 2019-2030" do Bộ KH&CN giao cho Vinatex thực hiện. Sau khoảng 10 tháng triển khai, nhóm thực hiện đề tài gồm 4 đơn vị: Vinatex, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Viện Nghiên cứu Dệt May, Viện Kinh tế và Quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã thực hiện khảo sát trên 100 doanh nghiệp gồm: doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần  có vốn Nhà nước… và tham quan, tìm hiểu tại các quốc gia hàng đầu về công nghệ trong ngành dệt may của thế giới như Đức, Thụy Sỹ, Trung Quốc.

Với 4 chuyên đề: Sự ra đời của CMCN lần thứ 4 và mức độ ảnh hưởng tới các ngành sản xuất công nghiệp; Định hướng phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ 4; CMCN lần thứ 4 và những vấn đề về lao động, xã hội; Những thành tự nổi bật của khoa học công nghệ trong ngành dệt may thế giới - hiện tại và tương lai. Đề tài đã đánh giá được thực trạng của các doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh CMCN 4.0; nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích của CMCN lần thứ 4; trình độ nhân lực, mức độ hệ thống quản lý, năng lực đội ngũ lao động và công tác triển khai R&D tại doanh nghiệp; mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ 4.0; những tác động của CMCN lần thứ 4 tới xu thế phát triển ngành (năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nhu cầu đầu tư, lực lượng lao động, chuỗi cung ứng, yếu tố phát triển bền vững...).

Từ những nghiên cứu, đánh giá, đề tài cũng đã đưa ra những định hướng và giải pháp quan trọng cho phát triển ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2019-2030 trong bối cảnh CMCN lần thứ 4 đồng thời đề xuất chính sách vĩ mô cho việc thúc đẩy ngành ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN này.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex cho rằng, với quy mô trên 40 tỷ USD, ngành dệt may Việt Nam cần có những bước chuẩn bị rất dài để thích ứng với cuộc CMCN 4.0, nếu không sẽ xảy ra những rủi ro lớn, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh. Nhằm hỗ trợ ngành dệt may, Bộ KH&CN đã giao Tập đoàn Dệt May Việt Nam thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước để đánh giá và nhìn nhận lại sự ảnh hưởng của CMCN 4.0 tới ngành dệt may trong nước.

Đánh giá cao những công việc của nhóm thực hiện đề tài đã làm được, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, đây là lần đầu tiên có một đề tài nghiên cứu nghiêm túc, sâu sát và đúng trọng tâm về những ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 tới ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, nhóm cần bổ sung thêm một số ý về vị trí việc làm, cách tính năng suất lao động, giá trị sản phẩm, thị trường, đầu tư, liên kết với doanh nghiệp cơ khí, tự động hóa trong nước…

Tuy khẳng định những cơ hội mà cuộc CMCN lần thứ 4 mang đến, Thứ trưởng Bùi Thế Duy vẫn nêu ra những thách thức không nhỏ đối với ngành dệt may. “Nếu chỉ đơn thuần mua sắm thiết bị thì chúng ta chỉ thuần túy là nơi đặt thiết bị của các hãng lớn trên thế giới và trả đầu ra cho họ, chịu hậu quả về môi trường. Chúng ta chỉ có để tận dụng lợi thế của cuộc Các mạng lần thứ 4 nếu chúng ta có đội ngũ nhân lực cao đủ mạnh, liên tục cải tiến để có hướng đi riêng cho mình”.

Chia sẻ ý kiến của mình, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV cho rằng, với việc áp dụng tự động hóa, giảm số lượng lao động trực tiếp, liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất, ngành dệt may sẽ có cơ hội sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu tồn kho… Đặc biệt, năng suất lao động cao sẽ tạo cơ hội cho người lao động có thu nhập cao hơn, giúp ngành dệt may Việt Nam bứt phá, thoát ra khỏi tình trạng dùng nhiều lao động nhưng lương không cao, lao động không ổn định.

Ông Hoàng Xuân Hiệp đến từ Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cũng cho rằng, hiện nay Việt Nam đang duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, tiến hành công nghiệp - hóa hiện đại hóa, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu trong những ngành thâm dụng lao động có kỹ năng thấp. Ông Hiệp cũng khẳng định những cơ hội về việc làm mà cuộc CMCN 4.0 mang đến, do đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và nhân lực vận hành cần được đào tạo nhiều hơn; phương thức đào tạo cũng như chiến lược trong việc phát triển đội ngũ nhân lực cũng cần thay đổi.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng nhận định, cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra thách thức cho ngành dệt may. Đó là việc người máy (robot), trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế sức lao động của con người; hoạt động sản xuất, chế tạo trong tương lai sẽ tập trung tại các nước công nghiệp phát triển. Trong CMCN 4.0, chi phí nhân công và các công đoạn gia công, lắp ráp ngày càng ít quan trọng và dần được thay thế hoàn toàn bởi người máy với chi phí thấp hơn./.

 

Nguồn: Vụ Công nghệ cao

Lượt xem: 3743

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)