Thứ ba, 27/08/2019 19:10 GMT+7

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: EVFTA tạo điều kiện cho doanh nghiệp xác lập, bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh khẳng định, những cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam khi tham gia Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và là động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp Việt Nam không nhận thức rõ nguy cơ, sẽ phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt khi rơi vào tranh chấp, kiện tụng.

Sáng 27/8/2019 tại Hà Nội, Bộ KH&CN và Bộ Công Thương đã phối hợp với tổ chức Hội nghị “Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) - Các cam kết quan trọng về sở hữu trí tuệ và những điều cần lưu ý”.

Với chương trình được thiết kế khoa học, chuyên sâu, và đặc biệt, với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng đội ngũ chuyên gia là các cán bộ đàm phán, quản lý trực tiếp lĩnh vực này, Hội nghị đã thu hút đông đảo đại diện các Sở, ban, ngành tại thành phố Hà Nội và các tỉnh thành lân cận, cũng như đại diện các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.



Toàn cảnh Hội nghị

 

Nằm trong chuỗi sự kiện phổ biến và lấy ý kiến rộng rãi về Hiệp định EVFTA trước khi Hiệp định được Chính phủ phê chuẩn theo luật định, Hội nghị đã cung cấp các thông tin và kiến thức hữu ích cho các cơ quan quản lý địa phương, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, từ đó giúp các cơ quan quản lý tiếp thu các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan, chuẩn bị cho quá trình phê chuẩn và thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA trong thời gian sắp tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, ngày 30/6/2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU đã được ký kết tại Hà Nội sau hơn 7 năm đàm phán. Trong quá trình đàm phán này, Bộ KH&CN tham gia nội dung về sở hữu trí tuệ và hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, trong Hiệp định EVFTA, cam kết của EU với Việt Nam cao hơn cam kết của EU trong WTO, tương đương với mức cao nhất của EU trong các cam kết thuộc các hiệp định tự do gần đây mà tổ chức này tham gia. Đồng thời, cam kết của Việt Nam với EU cũng cao hơn cam kết của Việt Nam trong WTO, ít nhất là ngang bằng với độ mở tối đa mà Việt Nam thỏa thuận với các đối tác hiệp định tự do khác.

"Riêng về sở hữu trí tuệ với một chương, 63 điều và 2 phụ lục, những cam kết cụ thể mức độ bảo hộ trong Hiệp định EVFTA cùng với nguyên tắc tối huệ quốc nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp hai bên được hưởng sự bảo hộ cao nhất mà mỗi bên dành cho bên thứ ba được cho là đã đặt ra một tiêu chuẩn mới trong việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng về bảo hộ của chủ thể quyền, đồng thời vẫn đảm bảo độ linh hoạt nhất định để một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể hưởng lợi được từ bảo hộ sở hữu trí tuệ”.

Bộ trưởng khẳng định “điều này chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp hai bên và là động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghệ chế biến, sản xuất hàng nông sản, thực phẩm, công nghiệp năng lượng, dược phẩm, chế tạo máy móc thiết bị… và nhiều lĩnh vực khác từ EU vào Việt Nam”.



Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị

 

Cũng theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Hiệp định EVFTA không chỉ bảo đảm quyền đối với các chỉ dẫn địa lý cho nông sản của Việt Nam vốn đã có mặt tại thị trường EU từ lâu như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường này cho các đặc sản khác như trà Mộc Châu, trà Tân Cương, vải Thanh Hà, vải Lục Ngạn.

Tuy nhiên, các cam kết về sở hữu trí tuệ cũng mang lại những thách thức nhất định cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tại Việt Nam. Việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ nghiêm minh hơn, chế độ thực thi quyền sở hữu trí tuệ sẽ chặt chẽ hơn. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp Việt Nam - đặc biệt khi chưa nhận thức đầy đủ về các nội dung quy định, có thể gặp khó khăn đối với một số thủ tục, ví dụ như sự kiểm soát ở biên giới khi xảy ra tranh chấp hoặc kiện tụng. Vì vậy, thời gian qua, Bộ KH&CN đã chủ động triển khai các nhiệm vụ nhằm thực thi đầy đủ và các cam kết của Việt Nam sau khi tham gia EVFTA về sở hữu trí tuệ, về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

Về các cam kết liên quan lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã hoàn thiện đề nghị xây dựng hồ sơ Luật sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ dự kiến trình Chính phủ trong tháng 10 tới, hoàn thiện các thủ tục cần thiết cho việc gia nhập thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp - một trong những cam kết của Việt Nam thực hiện trong vòng 2 năm ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Bộ trưởng cũng cho biết, Chiến lược Sở hữu trí tuệ đã được Chính phủ thông qua với nhiều giải pháp nhằm đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ vào năm 2030.

Bộ KH&CN cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương để trình và được Quốc hội thông qua ngày 14/6 Luật sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thực thi một số cam kết bắt đầu có hiệu lực của Hiệp định CPTPP. Đây cũng là bước chuẩn bị đầu tiên để Việt Nam hướng tới thi hành nghiêm túc các cam kết của sở hữu trí tuệ theo tinh thần EVFTA.

Về các cam kết đối với hàng rào kỹ thuật trong thương mại, Bộ trưởng cho biết, qua rà soát sơ bộ, cơ bản pháp luật của Việt Nam hiện nay đã phù hợp với các cam kết về hàng rào kỹ thuật thương mại thể hiện trong EVFTA.

Hiện nay, Bộ KH&CN cũng đang hoàn thiện Đề án về tăng cường hệ thống hàng rào kỹ thuật trong thương mại cho sản phẩm hàng hóa công nghiệp đến năm 2025, nhằm tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ thống  hỏi - đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại nói chung và thực thi cam kết về hàng rào kỹ thuật thương mại theo EVFTA nói riêng. “Chúng tôi dự kiến trình Chính phủ trong quý IV/2019", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam là nước thứ hai trong ASEAN và là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký kết FTA với EU. Đây là kết quả của chặng đường dài, thể hiện các bước tiến lớn để đưa nước ta từ một nước đi sau, lần đầu tiên vươn lên thuộc nhóm nước đi đầu trong khu vực trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, EVFTA là một hiệp định dự kiến có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam.

Hiệp định EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác nhau trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ. Đây là một nội dung mới chỉ xuất hiện trong một số ít FTA mà Việt Nam tham gia. Vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu.

Điều này giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, tạo môi trường cũng như hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao.

Với mức độ cam kết khá cao về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, dự kiến Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ về sửa đổi pháp luật trong nước. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhận thức chung về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn thấp trong khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng nên việc tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức của công chúng và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định EVFTA trong lĩnh vực này là điều hết sức cần thiết.



Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị

 

Sau phần trình bày của các chuyên gia đến từ Bộ Công Thương, Bộ KH&CN và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện các bộ, ngành và VCCI đã có phần đối thoại trực tiếp với các đại biểu tham dự Hội nghị về các nội dung cam kết, giúp tháo gỡ được nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu về EVFTA. Đây cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thể hiện góc nhìn của mình, xác định những thách thức, trở ngại trước ngưỡng cửa hội nhập rộng mở mà Hiệp định EVFTA mang lại, để từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực, hiệu quả, đồng thời định hướng giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu thách thức mà Hiệp định mang lại./.


Một số hình ảnh tại Hội nghị:



Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị



Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN phát biểu tại Hội nghị



Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương giới thiệu công tác thực thi Hiệp định EVFTA và phòng chống hàng giả



Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Ban Pháp chế, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội nghị



Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên; Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ và các đại biểu tham dự Phiên thảo luận “Làm gì để thực thi hiệu quả các cam kết về SHTT trong EVFTA”

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3174

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)