Thứ năm, 25/06/2009 09:20 GMT+7

Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng III: "Mô hình mẫu" theo Nghị định 115

Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng III là một trong những đơn vị đầu tiên trong Bộ Khoa học và Công nghệ được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho phép thực hiện Nghị định 10/2002/NĐ-CP (từ năm 2002).

Đây cũng là một trong số các đơn vị thực hiện chuyển đổi và thực hiện thành công mô hình tổ chức khoa học công nghệ tự trang trải theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP đầu năm 2007. Trong khi đến nay, còn không ít đơn vị vẫn đang trong giai đoạn xây dựng đề án, có đơn vị vẫn chưa xác định được mô hình chuyển đổi (theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ) thì đây được coi là một trong những điển hình của quá trình chuyển đổi.

Bốn bước để chuyển đổi

Đại diện Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐCL) III cho rằng, Nghị định 115/NĐ-CP chính là cơ hội để củng cố, kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ. Qua đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trên cơ sở xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân viên năng động, nhạy bén và chuyên nghiệp hơn để đáp ứng với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của một tổ chức khoa học tự trang trải.

Quá trình thực hiện của TĐCL III bao gồm các bước: 1. Phổ biến quán triệt nội dung cơ bản của Nghị định 115 và Thông tư hướng dẫn tới toàn thể cán bộ viên chức trong toàn thể Trung tâm. 2. Xây dựng đề án chuyển đổi và tổ chức hội nghị toàn thể cán bộ viên chức để bỏ phiếu thông qua đề án. 3. Xây dựng dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Trung tâm khi chuyển đổi. 4. Trình duyệt đề án.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã xây dựng, soát xét và ban hành các văn bản điều hành: Quy chế dân chủ; Quy chế chi tiêu nội bộ; Quy định về chi trả lương, chi thu nhập tăng thêm; Các quy định điều hành khác liên quan đến hệ thống quản lý chất lượng của Trung tâm.

Tăng trưởng bình quân 14%/năm

Theo thống kê hoạt động của Trung tâm, mức tăng trưởng bình quân trong hai năm là 14%. Bình quân nộp ngân sách hàng năm khoảng 13,5 tỉ đồng, tăng khoảng 10% so với trước chuyển đổi. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 4,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 15% so với trước khi chuyển đổi.

Do chủ động về kế hoạch và tài chính, Trung tâm đã từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của cán bộ viên chức, mở rộng thêm các dịch vụ kỹ thuật đánh giá sự phù hợp mới về an toàn sản phẩm với hàm lượng kỹ thuật cao. Từ đó, đáp ứng nhu cầu phục vụ quản lý nhà nước và yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trung tâm cũng đã đưa vào áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến liên quan (như ISO 9000; ISO/IEC 17025; OHSAS 18001...) cũng như tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế.

Thêm 4 đơn vị trực thuộc

Sau một thời gian tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, TĐCL III đã hình thành được bốn đơn vị trực thuộc. Đó là:

1. Phòng Giám định An toàn công nghiệp (Phòng nghiệp vụ 9).

2. Chi nhánh tại miền Trung (trên cơ sở Văn phòng đại diện của Trung tâm kỹ thuật 3 miền Trung) hoạt động theo cơ chế tài chính hạch toán báo sổ để mở rộng hoạt động của Trung tâm Kỹ thuật 3 tại miền Trung.

3. Trung tâm Dịch vụ Trang thiết bị thí nghiệm (Trung tâm DVTTB) hoạt động theo cơ chế tài chính hạch toán phụ thuộc nhằm giúp cho đơn vị chủ động trong việc cung cấp các dịch vụ sản xuất kinh doanh chuẩn đo lường, phương tiện đo lường và kiểm nghiệm.

4. Trung tâm Đào tạo và Tư vấn năng suất chất lượng theo cơ chế tài chính hạch toán phụ thuộc để đơn vị được chủ động trong công tác cung ứng các dịch vụ tư vấn và đào tạo về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Theo số liệu thống kê của TĐCL III, do tổng thu sự nghiệp hàng năm đều tăng, Trung tâm đã trích trên 30% để lập quỹ phát triển hoạt động khoa học và công nghệ. Mỗi năm, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị đạt trên 10 tỉ đồng. Năm 2007, đầu tư trang thiết bị tăng 0,9% so với năm 2006. Con số này năm 2008 là 16%.

Tổng tài sản trang thiết bị tính theo nguyên giá đến nay đạt khoảng 182 tỉ đồng, trong đó tỉ lệ từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp chiếm 60%. Trong dự án Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và năng lực kỹ thuật của Trung tâm tại quận II, vốn góp sự nghiệp của Trung tâm chiếm khoảng 20% trên tổng vốn đầu tư 320 tỉ đồng.

Và bài học kinh nghiệm

Theo TĐCL III, bài học đầu tiên là nghiên cứu thật kỹ nội dung các văn bản liên quan đến cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm và phổ biến tới toàn thể cán bộ viên chức của Trung tâm. Thứ hai, lãnh đạo đơn vị phải đưa ra cam kết và quyết tâm thực hiện việc chuyển đổi thông qua trao đổi và thảo luận để thống nhất phương hướng, cách thức tổ chức và cơ cấu tổ chức bộ máy.

Bên cạnh đó, phải có sự nhất trí của tập thể cán bộ viên chức và ban lãnh đạo trong suốt quá trình thực hiện. Một điều quan trọng được TĐCL III đúc kết là phải chủ động báo cáo và đề xuất cấp trên khi gặp khó khăn trong việc giải quyết các chính sách liên quan tới tài chính như thuế, ưu đãi tài chính... và bám sát cho tới khi có kết quả.

* TĐCL III là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ được thành lập theo Quyết định 1275/QĐ ngày 5.11.1994 của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường. Trung tâm được giao quyền tự chủ theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP từ năm 2002 và chuyển đổi hoạt động sang tổ chức khoa học công nghệ tự trang trải năm 2007. Trung tâm thực hiện nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ kỹ thuật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng và đánh giá sự phù hợp phục vụ công tác quản lý nhà nước và yêu cầu của tổ chức/cá nhân.

* Theo TĐCL III, cần có văn bản hướng dẫn chi tiết hơn về việc được hưởng các ưu đãi của các tổ chức khoa học công nghệ tự trang trải kinh phí; Cần có chính sách về nâng lương, quản lý tài sản và khấu hao thiết bị kỹ thuật, tổ chức biên chế... Nghiên cứu và hướng dẫn thí điểm một số đơn vị chuyển đổi sang mô hình cổ phần hoá để nhân rộng; Nên tổ chức kiểm tra và đánh giá hiệu quả hoạt động định kỳ sau chuyển đổi.

Lượt xem: 1141

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)