Thứ sáu, 29/07/2022 22:30 GMT+7

Cục Sở hữu trí tuệ: 40 năm xây dựng và phát triển

Ngày 29/7/2022, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (29/7/1982 – 29/7/2022).

Tham dự sự kiện có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt; các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ KH&CN; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, các Sở KH&CN, các trường đại học, viên nghiên cứu; doanh nghiệp.

Đầu mối giúp Chính phủ, Bộ KH&CN thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về SHTT

Điểm lại hoạt động SHTT trong 40 năm xây dựng và phát triển, Cục trưởng Cục Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Đinh Hữu Phí cho biết, ngày 29 tháng 7 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 125/HĐBT về việc tổ chức lại bộ máy của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, trong đó quy định Cục Sáng chế là một đơn vị trực thuộc Ủy ban. Kể từ đó, ngày 29 tháng 7 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của SHTT.

Trong những năm qua, Cục SHTT đã thể hiện rõ vai trò là đầu mối giúp Chính phủ và Bộ KH&CN thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về SHTT và trực tiếp quản lý nhà nước về SHCN, từ việc chủ trì trong xây dựng chính sách, pháp luật SHTT đến tổ chức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống SHTT Việt Nam, đã tích cực thực hiện việc chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động SHTT.

Trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật về SHTT, từ những điều lệ ban đầu của Hội đồng Bộ trưởng, Cục đã đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực SHTT với 04 Luật và hơn 20 Nghị định và 23 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật phục vụ cho công tác QLNN về SHTT. Đặc biệt, tháng 6/2022, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT với nhiều điểm mới tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thúc đẩy hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ, tạo động lực mới cho hoạt động phát triển SHTT ở nước ta hiện nay.

Xác lập quyền SHCN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục từ ngày đầu thành lập và ngày càng quan trọng bởi số lượng đơn đăng ký SHCN tăng nhanh, đòi hỏi việc xử lý đơn vừa phải đẩy mạnh được, vừa phải đảm bảo chất lượng ngày một cao do sự gia tăng tình trạng tranh chấp, khiếu nại. Tính đến hết tháng 6/2022, Cục đã tiếp nhận gần 1 triệu đơn đăng ký SHCN và cấp gần 600.000văn bằng bảo hộ SHCN các loại. Chất lượng xử lý đơn và cấp văn bằng bảo hộ đối tượng SHCN được Cục chú trọng cải thiện thông qua giải pháp đổi mới, cải tiến về quản lý, tổ chức công việc, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng CNTT, v.v., đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội trong hoạt động bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ phục vụ sản xuất và kinh doanh của xã hội.

Cùng với việc xây dựng thể chế và xác lập quyền, công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về SHTT được Cục triển khai thường xuyên, có hệ thống, đa dạng về hình thức và dành cho các nhóm đối tượng khác nhau. Cục cũng tích cực xây dựng, phổ biến và đào tạo sử dụng, khai thác các nguồn thông tin SHCN để phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST của công chúng.

Bên cạnh đó, công tác phát triển TSTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội luôn được Cục SHTT quan tâm, triển khai. Năm 2005, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 04/4/2005 với mục tiêu nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho các chủ thể quyền. Sau hơn 15 năm triển khai trên phạm vi toàn quốc, Chương trình đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho nhiều hoạt động của các cơ quan trong hệ thống sở hữu trí tuệ…
 

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT: “Cục SHTT đã thể hiện rõ vai trò là đầu mối giúp Chính phủ và Bộ KH&CN thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về SHTT và trực tiếp quản lý nhà nước về SHCN”
 

Vai trò và vị thế của Cục Sở hữu trí tuệ trong hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng được khẳng định ở cả phương diện song phương và đa phương. Bên cạnh việc tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương như WTO, APEC, ASEAN, Cục đã có quan hệ hợp tác tốt đẹp và hiệu quả với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cơ quan SHTT của các nước ASEAN. Cục đã ký các Thỏa thuận hợp tác về SHTT với các Cơ quan SHTT của cả 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, cũng như Nhóm 5 Cơ quan SHTT lớn nhất thế giới, cũng như các nước đối tác truyền thống và các nước trong khu vực như Lào, Singapore, Thái Lan, v.v..

“Trụ cột của ngành khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước”.

Giám đốc Sở KH&CN Sơn La Lưu Bình Khiêm khẳng định, trong suốt chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, Cục Sở SHTT với vai trò là trung tâm của hệ thống SHTT quốc gia đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của ngành KH&CN; đồng thời hỗ trợ đắc lực cho các địa phương các nội dung về SHTT, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương. Bên cạnh đó các sản phẩm địa phương cũng được bảo hộ qua chương trình phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68). Theo đó các sản phẩm lụa (Quảng Nam), tiêu (Quảng Trị), điều (Bình Phước)... đã được bảo hộ. Thanh long Bình Thuận, vải thiều Lục Ngạn và cà phê Buôn Mê Thuột đã đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Các sản phẩm đạt tiêu chí về chất lượng, đặc tính, nguồn gốc được chỉ dẫn địa lý, giúp các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng định vị được sản phẩm mang tính đại diện của Việt Nam.

Ông Lưu Bình Khiêm cho rằng, với Sơn La, sở hữu trí tuệ đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu để quy hoạch và phát triển các sản phẩm chủ lực, là trung tâm, cầu nối gắn kết và khẳng định vai trò của KH&CN với đời sống văn hóa kinh tế xã hội của tỉnh. Để đạt được những kết quả này, Sơn La luôn nhận được sự quan tâm và đồng hành của Cục SHTT từ việc xây dựng và triển khai cơ chế chính sách phát triển tài sản trí tuệ, cho tới công tác hỗ trợ tư vấn chuyên môn.

Chúc mừng Cục SHTT 40 năm thành lập, bà Thitapha Wattanapruttipaisan - Trưởng Văn phòng đại diện của WIPO tại Singapore (WIPO Singapore) cho biết, WIPO rất tự hào là đối tác của Việt Nam trong việc xây dựng một hệ sinh thái sở hữu trí tuệ quốc gia hiệu quả được Cục Sở hữu trí tuệ dẫn dắt rất thành công.

Trên khía cạnh toàn cầu, Việt Nam hiện là thành viên của 14 điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý cũng như từng đảm nhận vai trò Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018-2019. Còn ở khía cạnh quốc gia, hiện nay Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và xử lý đơn nhanh chóng hơn, triển khai các hoạt động đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức mạnh mẽ hơn, dành sự quan tâm và tôn trọng lớn hơn cho quyền sở hữu trí tuệ, xử lý các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn.

Quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và WIPO đã đóng vai trò quan trọng đằng sau những thành tựu ấn tượng này cũng như sự hội nhập chủ động vào hệ thống sở hữu trí tuệ và thương mại toàn cầu của Việt Nam, bà Thitapha Wattanapruttipaisan cho biết thêm.

“Cục SHTT đã trở thành trung tâm đào tạo các chuyên gia SHTT đầu ngành, hiện đang làm việc tại nhiều cơ quan, tổ chức và công ty luật, đại diện SHTT trên cả nước. Đặc biệt, những năm gần đây, tốc độ xử lý đơn tại Cục SHTT đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, nổi bật là tốc độ xử lý đơn sáng chế. Mặc dù có các khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, số lượng đơn SHCN nộp vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng và chiếm vị trí cao trong so sánh với số lượng tương ứng của các nước trong khu vực ASEAN”, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc nhấn mạnh.

Đại diện các anh chị em đồng nghiệp công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Nam Hải đã gửi tới các đồng chí Lãnh đạo và toàn thể công chức, viên chức, người lao động Cục SHTT những lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. Ông Nguyễn Nam Hải khẳng định, hoạt động SHTT là một trong những hoạt động quan trọng để giúp cho công tác của ngành KH&CN gần hơn với thực tiễn hoạt động SXKD của doanh nghiệp, qua đó góp phần trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Ghi nhận những thành tựu Cục SHTT đạt được trong 40 năm xây dựng và phát triển, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định, Cục SHTT đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngày càng thể hiện vai trò trụ cột của ngành khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước.

Thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ trưởng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các thế hệ công chức, viên chức, người lao động của Cục SHTT và những thành tích xuất sắc mà Cục Sở hữu trí tuệ đã đạt được trong suốt chặng đường lịch sử vừa qua.

Theo Bộ trưởng, từ những ngày đầu thành lập, nền tảng pháp lý cho hoạt động SHTT luôn được tập trung xây dựng và không ngừng được hoàn thiện. Trên cơ sở hệ thống pháp luật vững chắc, công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong những năm vừa qua đã có nhiều thành tựu đáng kể. Mới đây nhất Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi được Quốc hội thông qua, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do.Cùng với đó, hoạt động bảo hộ tài sản trí tuệ gặt hái được nhiều kết quả, đóng góp vào sự thành công của hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp tại Việt Nam.
 

Bộ trưởng Bộ KH&Cn Huỳnh Thành Đạt: “hoạt động bảo hộ tài sản trí tuệ gặt hái được nhiều kết quả, đóng góp vào sự thành công của hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp tại Việt Nam”
 

Thay mặt Bộ KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế; sự đồng hành của các các bộ, ngành, địa phương; sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với hoạt động SHTT nói riêng và hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nói chung, là động lực quan trọng để Cục SHTT và Bộ KH&CN không ngừng nỗ lực hoàn thành các chức năng, nhiệm vụ do Chính phủ phân công.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3884

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)