Thứ bảy, 26/09/2020 10:30 GMT+7

Nghiên cứu giai đoạn sớm của cá Thơm (Plecoglossus altivelis) ở sông Tiên Yên, bắc Việt Nam

Từ năm 2015 đến năm 2018, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội do ông Trần Đức Hậu làm chủ nhiệm, đã thực hiện: “Nghiên cứu giai đoạn sớm của cá Thơm (Plecoglossus altivelis) ở sông Tiên Yên, bắc Việt Nam”.

Mục tiêu của đề tài là: Xác định được đặc điểm sự phát triển hình thái giai đoạn sớm, sự phân bố, đặc điểm di cư và tập tính sinh sản của loài cá Thơm, từ đó đề xuất các biện pháp bảo tồn loài sinh vật này ở sông Tiên Yên, bắc Việt Nam.

Một số kết quả của đề tài nghiên cứu:

Về phân loại học, đặc điểm hình thái ấu trùng, cá con, cá trưởng thành, đặc điểm phân bố (Nguyễn Thị Thủy và cs, 2015)

- Nghiên cứu này đã hoàn thiện các dấu hiệu hình thái cá Thơm trưởng thành ở Việt Nam, so sánh với 2 phân loài ở Nhật Bản cũng như 1 phân loài ở Trung Quốc. Các đặc điểm hình thái có sự đan xen với các phân loài này. Đó là các kết quả quan trọng, khẳng định sự tồn tại của cá Thơm ở sông Tiên Yên sau công trình của Trần Đức Hậu và cs (2012) khi dựa trên phân tích 1 cá thể. Sự khác nhau đặc điểm hình thái với các nghiên cứu trước chứng tỏ, phân loại học của cá Thơm ở Việt Nam cần được nghiên cứu tiếp dựa vào phân tử.

- Đặc biệt, nghiên cứu này lần đầu ghi nhận cá con của loài ở Việt Nam và khoanh vùng đặc điểm phân bố cá trưởng thành. Đây là thông tin quan trọng trong định hướng kế hoạch cũng như thiết kế cho các nghiên cứu sau.

- Đặc điểm hình thái ấu trùng cá Thơm ở sông Tiên Yên cũng được mô tả và so sánh với sông Kalong thì ít có sự khác biệt. Nội dung này được trình bày chi tiết trong luận văn thạc sỹ của Trần Thị Thu Huyền.

Về đặc điểm di cư xuôi dòng, thời gian, địa điểm sinh sản (Tran et al. 2017)

- Nghiên cứu này đã lần đầu xác định đặc điểm di cư xuôi dòng của cá Thơm ở lục địa. Với lượng lớn ấu trùng mới nở thu được tại 5 địa điểm thiết kế dọc theo sông Tiên Yên có thể khẳng định cá Thơm có thể sinh sản ở khu vực này. Từ số liệu đó, chúng tôi dự đoán thời gian sinh sản cá Thơm ở sông Tiên Yên từ giữa tháng 12 đến cuối tháng 1, tương tự như ở sông Kalong (Tran et al. 2012). Quan trọng, thời gian thu được ấu trùng di cư xuôi dòng điều kiện nhiệt độ nước đều dưới 20 độ C, riêng đợt thực địa vào tháng 1 năm 2016, chúng tôi không thu được mẫu ấu trùng nào mặc dù đây là thời điểm ấu trùng di cư nhiều nhất, tại địa điểm thu nhiều nhất.

- Cá Thơm di cư xuôi dòng chủ yếu về thời gian ban đêm, tuy nhiên vẫn có một số mẫu vật thu được các thời gian trong ngày.

- Dựa vào kích thước ấu trùng mới nở và kích thước noãn hoàng tại các điểm thu mẫu chúng tôi có thể khẳng định cá Thơm có nhiều bãi đẻ khác nhau ở sông Tiên Yên.

- Ngoài ra, ở nhánh sông Bình Liêu, nơi có công trình thủy điện Khe Soong, chúng tôi không thu được ấu trùng di cư xuôi dòng nào. Điều đó cho thấy công trình thủy điện này có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài cá này ở khu vực.

- Các thông tin trên đều có tính mới cho khoa học, có tính lý thuyết và ứng dụng cao. Cùng với các công bố khác về loài này ở sông Tiên Yên, số liệu này thực sự có ý nghĩa định hướng cho công tác bảo tồn, hay các nghiên cứu sau này.

Về đặc điểm phân bố ấu trùng, cá con ở khu vực cửa sông (Tran et al. 2018b)

- Công trình này đã cung cấp dẫn liệu về điều kiện nước ở 2 cửa sông thuộc tỉnh Quảng Ninh. Đáng chú ý, điều kiện nhiệt độ nước ở đây rất thấp vào mùa đông, từ 16-17 độ C. Đây là những dẫn liệu quan trọng trong đánh giá, nhận xét đặc điểm phân bố ấu trùng cá Thơm ở khu vực.

- Thời gian thu được ấu trùng cá Thơm ở cửa sông Tiên Yên từ tháng 12 đến tháng 2. Địa điểm thu mẫu có xu hướng cách xa biển. Đặc điểm này tương tự như sông Kalong của Tran et al (2012) và một số cửa sông ở Nhật Bản. Lý giải điều này là do tốc độ dòng chảy sông Tiên Yên chậm, có nhiều vũng, làm giảm sự di cư xuôi dòng của ấu trùng mới nở. Hoặc do sự chênh lệch về nhiệt độ giữa các vùng cửa sông. Đây là thông tin quan trọng, có tính chất định hướng cho thiết kế các nghiên cứu tiếp.

- Mặc dù đây là số liệu mới về ấu trùng cá Thơm ở cửa sông Tiên Yên, so với các nghiên cứu trước năm 2014, số lượng ấu trùng thu được ở vùng nước giữa dòng và ven bờ của cửa sông Tiên Yên rất ít. Đây là thông tin có giá trị về bảo tồn cũng như định hướng nghiên cứu tiếp theo.

Về đặc điểm sinh sản cá Thơm ở sông Tiên Yên (Tran et al. 2018a)

- Lần đầu tiên cung cấp đặc điểm sinh sản cá Thơm trưởng thành ở rìa phía nam của vùng phân bố. Những dẫn liệu bước đầu cho thấy sức sinh sản cá Thơm ở sông Tiên Yên cao và kích thước trứng lớn. Điều này khác với quy luật chung của phân loài ở Nhật Bản. Thông tin có ý nghĩa lý thuyết cao, có thể giải thích cho những thay đổi thích nghi với môi trường khắc nghiệt ở vùng nhiệt đới.

- Dựa vào số lượng, kích thước trứng trong từng cá thể, chúng tôi có thể nhận định cá Thơm ở sông Tiên Yên có thể sinh sản trên 1 lần trong mùa sinh sản. Mùa sinh sản dựa vào kích thước, hình thái trứng, tinh sào tương tự như nghiên cứu ấu trùng di cư xuôi dòng.

- Với số lượng mẫu thu được ít, ấu trùng thu ở cửa sông Tiên Yên thấp, nhánh sông Bình Liêu không có sự tồn tại của loài cá này cho chúng ta biết hiện trạng quần thể cá Thơm ở khu vực này đang nguy cấp. Đây là những thông tin cho thấy cần có biện pháp kịp thời trong bảo vệ môi trường sống, đặc biệt ở giai đoạn sớm của cá, đó là chìa khóa cho bảo tồn loài cá này nói riêng và các loài cá di cư nói chung ở khu vực.


* Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14895/2017) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 1884

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)