Thứ tư, 21/07/2021 20:16 GMT+7

Kết nối cung cầu công nghệ, thiết bị trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản năm 2021

Đây là sự kiện do Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng giao Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (ISC) tổ chức vào sáng ngày 20/7/2021 nhằm tiếp tục thực hiện chương trình đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về KH&CN thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025. Ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố chủ trì sự kiện.

Tham dự sự kiện, phía Nhật Bản có: Ông Takiguchi Katsuhisa, Giám đốc Hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản (SMRJ) cùng 12 doanh nghiệp đặt hàng và giới thiệu công nghệ, thiết bị. Phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, cụm công nghiệp và lãnh đạo hơn 50 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng và các tỉnh/thành lân cận.
 


Ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc phiên kết nối.

Phát biểu khai mạc Phiên kết nối, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Quang Tuấn nhấn mạnh: Trong các quốc gia đang có quan hệ hợp tác với Việt Nam thì Nhật Bản là quốc gia có nhiều hoạt động hợp tác với thành phố Hải Phòng. Thời gian gần đây, thành phố cũng ghi nhận đóng góp tích cực, hiệu quả của các nhà đầu tư Nhật Bản vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tham gia sự kiện này, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản sẽ gặp gỡ trực tuyến để nắm bắt xu hướng công nghệ mới, tìm hiểu nhu cầu, trao đổi thông tin, tiến tới thúc đẩy, hợp tác, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào thành phố Hải Phòng nhằm tăng năng suất, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Phía Nhật Bản, ông Takiguchi Katsuhisa, Giám đốc Hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản cũng cho biết: Trong bối cảnh toàn cầu hoá nền kinh tế, rất nhiều các doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng việc kinh doanh ra nước ngoài, trong đó Việt Nam và SMRJ đã hỗ trợ tích cực bằng cách tổ chức một số sự kiện như Hội nghị kinh doanh CEO nước ngoài; trao đổi trực tuyến J-GoodTech. Hiện tại, có hơn 20.000 doanh nghiệp Nhật Bản và hơn 2.000 doanh nghiệp Việt Nam sử dụng hình thức này.

Điểm mới của phiên kết nối lần này là được thực hiện trong một phòng họp trực tuyến gồm 5 đầu cầu: Bên cung, bên cầu, phiên dịch, đại diện tổ chức hỗ trợ Việt Nam và Nhật Bản. Việc triển khai gặp gỡ trực tuyến như vậy vừa đảm bảo công tác phòng dịch vừa đảm bảo nhu cầu kết nối của 2 bên.
 


Quang cảnh phiên kết nối cung cầu công nghệ.

Tại phiên kết nối, các tổ chức, doanh nghiệp thuộc 3 lĩnh vực: Công nghệ, thiết bị gia công cơ khí, tự động hoá; Công nghệ, thiết bị, chế biến sâu nông sản; Công nghệ, thiết bị lĩnh vực khác đến từ Nhật Bản đã giới thiệu và tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương với các doanh nghiệp Việt Nam.
 


Doanh nghiệp Việt Nam kết nối trực tuyến 1-1 với doanh nghiệp Nhật Bản tại Phiên kết nối cung cầu công nghệ.

Sau phiên kết nối trực tuyến giữa các bên, Ban tổ chức tiếp tục hỗ trợ liên kết 1-1, tạo điều kiện để các doanh nghiệp 02 bên đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng; đồng thời hỗ trợ hồ sơ pháp lý sau kết nối nếu các doanh nghiệp có nhu cầu ký kết hợp đồng.

Nguồn: Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng

Lượt xem: 1243

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)