Thứ bảy, 23/01/2016 14:38 GMT+7

Hội thảo về hệ điều khiển (I&C) nhà máy điện hạt nhân công nghệ AP1000 tại Đà Lạt

Ngày 15/01/2016, tại Hội trường của Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN), đã diễn ra Hội thảo về Hệ điều khiển nhà máy điện hạt nhân công nghệ AP1000 do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) phối hợp với Công ty Westinghouse (WEC) của Hoa Kỳ tổ chức.


Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Khoa học và Công nghệ, Lãnh đạo Viện và Lãnh đạo các Ban của Viện NLNTVN, và hơn 40 đại biểu đến từ Cục Năng lượng nguyên tử, Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội, Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Trung tâm đánh giá không phá huỷ, Trung tâm hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh, Viện NCHN và các chuyên gia trong lĩnh vực điện hạt nhân của WEC.



Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Gary T. Urquhart - Phó Chủ tịch, Bộ phận kinh doanh phát triển Châu Á, Trưởng Văn phòng đại diện WEC tại Hà Nội nhấn mạnh đến vấn đề an toàn, an ninh hạt nhân và cho rằng đây là khâu quan trọng nhất, là mấu chốt trong thiết kế, xây dựng các Nhà máy điện hạt nhân. Ông hy vọng diễn đàn này là cơ hội để giúp các nhà quản lý và khoa học Việt Nam có cái nhìn toàn diện và hiểu sâu hơn về các hệ thống đo đạc, điều khiển và bảo vệ nhà máy ĐHN sử dụng công nghệ AP1000 do WEC thiết kế.

Tiếp đó, chuyên gia của WEC trình bày tổng quan về các hệ thống đo đạc, điều khiển và bảo vệ nhà máy gồm: Các hệ thống bảo vệ, kiểm tra, điều khiển và thông tin của nhà máy dựa trên máy tính, Các hệ thống khởi phát kỹ thuật, Các hệ thống an toàn chủ động và bị động, nguyên tắc bảo vệ theo chiều sâu nhằm đảm bảo tối đa an toàn hạt nhân, ngăn ngừa sự thất thoát phóng xạ ra môi trường, bảo vệ công chúng và nhân viên vận hành khỏi sự chiếu xạ. Các nội dung liên quan đến phân loại các hệ thống/thiết bị theo cấp độ liên quan trực tiếp và không liên quan đến an toàn hạt nhân, phòng điều khiển nhà máy dựa trên máy tính, hệ mô phỏng toàn diện nhà máy dùng để đào tạo vận hành, ... cũng được trình bày.



Sau phần trình bày tổng quan, các chuyên gia của WEC đã dành nhiều thời gian trình bày chi tiết hơn về hệ thống bảo vệ và kiểm soát an toàn nhà máy; những cải tiến về công nghệ/kỹ thuật cũng như sự kết hợp giữa các hệ thống bảo vệ chủ động và thụ động nhằm đảm bảo nguyên tắc an toàn hạt nhân khi xảy ra sự cố, đó là: dập lò an toàn, làm mát khẩn cấp vùng hoạt lò phản ứng và giam giữ chất phóng xạ không cho phát tán ra môi trường. Bên cạnh các hệ thống trên, các hệ thống phụ trợ và đảm bảo kỹ thuật giúp cho việc vận hành an toàn nhà máy cũng được các chuyên gia WEC giới thiệu. Các hệ thống này tuy không liên quan trực tiếp đến an toàn hạt nhân nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành, đảm bảo cho nhà máy hoạt động liên tục và ổn định với hiệu quả kinh tế cao. Ngoài những hệ thống trên, chuyên gia còn đề cập đến yếu tố con người trong việc đảm bảo vận hành an toàn nhà máy.



Trong phần cuối của Hội thảo, phía WEC đã dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận và trả lời những câu hỏi liên quan đến khả năng nâng cấp, hiện đại hóa hệ điều khiển và bảo vệ lò phản ứng, về yếu tố con người trong việc đảm bảo vận hành an toàn nhà máy ĐHN, vấn đề đáp ứng của hệ thống điều khiển trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm của Việt Nam. Đặc điểm tâm sinh lý của con người Việt Nam để tối ưu hóa việc bố trí thiết bị/hệ thống cũng như ngôn ngữ thể hiện trên các màn hình tại phòng điều khiển cũng được đề cập và trao đổi.

Tuy hội thảo chưa đi sâu vào những vấn đề kỹ thuật và công nghệ nhưng đã tạo cơ hội để các nhà chuyên môn trao đổi, học tập kinh nghiệm về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong quản lý, vận hành và bảo dưỡng các hệ thống/thiết bị của nhà máy ĐHN, đồng thời góp phần vào việc lựa chọn công nghệ cho nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 mà Việt Nam đang hướng tới./.

Lượt xem: 1687

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)