Thứ ba, 10/09/2024 14:25 GMT+7

Bộ KH&CN ưu tiên, bố trí nguồn lực để tăng cường hợp tác quốc tế với UNESCO

Đối với hoạt động của Tiểu ban khoa học tự nhiên và các tiểu ban chuyên môn, trong đó có tiểu ban Công viên địa chất toàn cầu, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ưu tiên, bố trí nguồn lực, lồng ghép hỗ trợ hoạt động thông qua các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 để tăng cường hợp tác quốc tế với UNESCO.
Ngày 9/9/2024 tại trụ sở Bộ KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt có buổi tiếp và làm việc với bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên.
Toàn cảnh buổi tiếp.
Tại buổi gặp, Bộ trưởng chào mừng và cảm ơn Bà Lidia Brito và Đoàn đã tới thăm, làm việc với Bộ KH&CN nhân dịp tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng.
Nhân dịp này, Bộ trưởng chia sẻ với Đoàn công tác về tiềm lực và thành tựu nổi bật của KH&CN Việt Nam. Bộ trưởng cho biết, hành lang pháp lý về KH&CN của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trong năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã thông qua một số văn bản rất quan trọng trong đó có Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đến năm 2030, trong đó xác định rõ vai trò then chốt của KH,CN&ĐMST, góp phần quan trọng tạo bước đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
Trong giai đoạn gần đây, với sự hỗ trợ của UNESCO, hoạt động của các Tiểu ban chuyên môn và sự phối hợp công tác giữa các Tiểu ban chuyên môn, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã đạt một số thành tích nổi bật như với 11 Khu dự trữ sinh quyển, 03 Công viên địa chất toàn cầu được chỉ định và 02 Trung tâm dạng 2 về Toán và Vật lý dưới sự bảo trợ của UNESCO được thành lập, góp phần giải quyết các thách thức để phát triển bền vững, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái KH,CN&ĐMST, biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và khẳng định vai trò thành viên tích cực của Việt Nam trong các chương trình khoa học tự nhiên của UNESCO.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam là một trong những quốc gia quan tâm, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động nhằm phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững. Việt Nam đánh giá cao Mạng lưới Công viên địa chất của từng quốc gia và Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu luôn được triển khai với sự hiện diện và hỗ trợ mang tính xây dựng của UNESCO. 
Đối với hoạt động của Tiểu ban khoa học tự nhiên và các tiểu ban chuyên môn, trong đó có tiểu ban Công viên địa chất toàn cầu, Bộ KH&CN đã ưu tiên, bố trí nguồn lực, lồng ghép hỗ trợ hoạt động thông qua các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 để tăng cường hợp tác quốc tế với UNESCO, hưởng ứng và bám sát các chương trình, sáng kiến của UNESCO về khoa học tự nhiên, đồng thời nâng cao năng lực cán bộ, tăng sự hiện diện của Việt Nam tại các hoạt động do UNESCO tổ chức.
Bộ trưởng cảm ơn Bà Lidia Brito cũng như UNESCO đã luôn quan tâm, chia sẻ, ủng hộ và thúc đẩy các hoạt động hợp tác KH,CN&ĐMST với Việt Nam đồng thời mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ và các hướng dẫn từ UNESCO trong công tác quản lý và phát huy các Công viên địa chất toàn cầu.
Bộ KH&CN cam kết sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện và các nguồn lực cho các tiểu ban chuyên môn trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, trong đó có Tiểu ban Công viên Địa chất toàn cầu Việt Nam và các công viên địa chất toàn cầu.
Bà Lidia Brito bày tỏ vui mừng được đến thăm và làm việc với Bộ KH&CN và chúc mừng Việt Nam đã có 4 Công viên địa chất, trong đó Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu ngày 8/9/2024 vừa qua.
Bà Lidia Brito chia sẻ, trong ban khoa học tự nhiên của UNESCO có di sản thủy văn mà ở Việt Nam chưa có di sản này. Đây là di sản chú trọng đến các lĩnh vực như quản lý nguồn nước, thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên để có thể phục hồi các hệ sinh thái như hệ sinh thái ở bờ sông, các hồ, các khu đất ngập mặn để tăng khả năng sử dụng nước sạch, nguồn dự trữ nước sạch,  sự đa dạng sinh học ở các hệ sinh thái cũng như giảm thiểu sự mất cân bằng sinh học… Bên cạnh đó, UNESCO cũng có một chương trình trọng tâm chú trọng sự tham gia của cộng đồng người dân tộc thiểu số, qua đó nhằm nâng cao kiến thức của người bản địa trong các giải pháp cũng như trong các chương trình về biến đổi khí hậu. 
UNESCO sẵn sàng hỗ trợ Bộ KH&CN để thúc đẩy vai trò của KH,CN&ĐMST trong phát triển bền vững, trong các chương trình hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO. Đồng thời mong muốn tăng cường năng lực khoa học không chỉ ở Bộ KH&CN mà ở các bộ/ban/ngành khác nhằm tìm ra sáng kiến để có thể đưa ngoại giao khoa học vào trong các chương trình nghị sự giữa các bên”, bà Lidia Brito nhấn mạnh.
Bà Lidia Brito cho biết thêm, UNESCO sẽ luôn đồng hành cùng với Bộ và các cơ quan hữu quan tại Việt Nam để có thể tận dụng được các di sản của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh bằng một lộ trình với những hành động cụ thể. Theo bà Lidia Brito, thúc đẩy ĐMST tại các khu di sản này sẽ là cơ hội mang lại lợi ích cho người dân địa phương và đây cũng là một trong những nội dung hướng tới cam kết đã được nêu trong biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và UNESCO.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Hợp tác quốc tế

Lượt xem: 996

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)