Thứ bảy, 20/04/2024 08:03 GMT+7

Đẩy mạnh phối hợp bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen

“Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ đồng hành cùng các nhà khoa học trong từng lĩnh vực bảo tồn nguồn gen để đạt được những thành tựu cụ thể trong thời gian tới. Sớm hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ để tạo hành lang pháp lý tiếp tục triển khai Chương trình trong giai đoạn tiếp theo”.

Ngày 19/4/2024, tại Hà Nội, Bộ KH&CN đã tổ chức Phiên họp Ban Điều hành Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chương trình).
Tham dự Phiên họp có đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ KH&CN; đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công thương; đại diện Ban Điều hành Chương trình; các chuyên gia, nhà khoa học, cùng lãnh đạo một số đơn vị chức năng của Bộ KH&CN.


Ban Điều hành Chương trình Quỹ gen.

Nỗ lực bảo tồn và phát triển nguồn gen
Trong thời gian qua, được sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức KH&CN có liên quan, Chương trình đã hoàn thành được cơ bản các mục tiêu, nội dung đặt ra trong giai đoạn 2016-2025, thu được các kết quả đáng khích lệ. Với đặc thù đối tượng của Chương trình là các nguồn gen sinh vật (các cá thể sống), công tác bảo tồn nguồn gen đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục nên việc xây dựng hành lang pháp lý để tiếp tục triển khai Chương trình trong giai đoạn tiếp theo, không để gián đoạn là vấn đề cấp thiết.
Đặc biệt, nhiệm vụ “Bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý, hiếm” đã được Bộ chính trị khẳng định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Tiếp theo đó, tại Nghị quyết số 189/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ xây dựng Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen giai đoạn 2026-2030, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý I/2025.
Nhằm thực hiện nội dung này, Bộ KH&CN dự kiến sẽ xây dựng Báo cáo sơ kết thực hiện Chương trình trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Chương trình đến năm 2030; tổ chức Hội thảo xin ý kiến các Bộ ngành, địa phương, tổ chức và chuyên gia KH&CN để hoàn thiện hồ sơ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.


Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Phiên họp.

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ KH&CN mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Điều hành, các chuyên gia, nhà khoa học tham dự về việc điều chỉnh thời gian thực hiện Chương trình và các nội dung cần tập trung triển khai giai đoạn 2026-2030 để Bộ KH&CN có thể hoàn thiện kế hoạch tổ chức Hội thảo cũng như xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ngắn gọn, đầy đủ, chất lượng.

Tạo thuận lợi cho nhà khoa học triển khai các nhiệm vụ bảo tồn gen

Tại Phiên họp, Ban Điều hành, các chuyên gia và các nhà quản lý tập trung thảo luận những vướng mắc trong quá trình triển khai vừa qua. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm về công tác bảo tồn, khai thác, chia sẻ nguồn gen và đề xuất phương hướng khắc phục, xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc duy trì lưu trữ nguồn gen không thể ngắt quãng vì nguồn gen quý hiếm. Ông Nguyễn Hữu Ninh nhấn mạnh, cần tiếp tục đầu tư nguồn nhân lực thực hiện thu thập, đánh giá cơ dữ liệu gen trong thời gian tới bởi nếu không tiếp tục lưu giữ nguồn gen sẽ mất đi và không có cơ hội phục hồi.
TS. Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã ban hành đề án khung bảo tồn nguồn gen, giao các đơn vị liên quan triển khai. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc thu thập nguồn gen tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, chịu ảnh hưởng của thổ nhưỡng và vùng trồng cây. Do đó, đầu tư và huy động nguồn lực địa phương là rất quan trọng, cần thiết có các cơ chế, chính sách tài chính để kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Đại diện Bộ Công thương cũng đã nêu lên những kết quả nổi bật từ việc chủ động triển khai khi Viện Thuốc lá của Bộ tự đầu tư nguồn lực cho việc bảo tồn gen; Viện Công nghiệp Thực phẩm đã thực hiện thành công đề tài “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vi sinh vật công nghiệp thực phẩm”.


Toàn cảnh Phiên họp.

Về phía địa phương, ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên cho biết, tới nay địa phương đã chủ động được nguồn kinh phí đạt trên 90% các nhiệm vụ qua các giai đoạn, đặc biệt giai đoạn 2021-2025 đã đạt 100% khối lượng công việc. Một số nguồn gen sau khi bảo tồn, địa phương chủ động phát triển thành những nguồn giống chống sâu bệnh. Ông cũng đề nghị cần duy trì, phát triển kết quả của Chương trình trong giai đoạn từ 2025-2030 và sau 2030.
Đại diện Ban Điều hành Chương trình, GS.TSKH Trần Đình Long đánh giá Chương trình cơ bản đã thực hiện được những mục tiêu chung về thu thập, đánh giá hình thái, đánh giá về đa dạng thị trường, về khai thác sử dụng, xây dựng được ngân hàng gen Quốc gia. Tuy nhiên cần phải đánh giá sâu hơn về hình thái, tính trạng của từng con giống trong ngân hàng gen giai đoạn từ nay tới năm 2030.
Là một đơn vị trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, GS Phạm Văn Toản, Phó Giám Đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng gen là nhiệm vụ thường xuyên của Trung tâm Tài nguyên thực vật, tuy nhiên trình tự thủ tục thực hiện hằng năm đang gây khó khăn cho cán bộ thực hiện khi chỉ có khung 5 năm, vì vậy đề nghị Bộ xem xét tháo gỡ vấn đề này.
Ngoài ra, Phiên họp cũng đã ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia trực tiếp thực hiện Chương trình, đánh giá cao đề cương báo cáo kết quả thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời mong muốn chuẩn hoá cơ sở dữ liệu nguồn gen theo chuẩn quốc tế, ưu tiên hướng tới thống nhất chia sẻ thông tin về nguồn gen ở cấp quốc gia và khu vực.
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Điều hành, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái nhấn mạnh, Bộ KH&CN sẽ đồng hành cùng các nhà khoa học trong từng lĩnh vực bảo tồn gen để đạt những thành tựu cụ thể trong thời gian tới. Các Bộ, ban, ngành cùng nhau chia sẻ, chung tay điều chỉnh những bất cập trong quá trình thực hiện về mục tiêu, khung thực hiện… hướng tới xây dựng mới Chương trình trong giai đoạn tới năm 2030. Thứ trưởng cũng thống nhất quan điểm, cần phải sớm hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ để tạo hành lang pháp lý tiếp tục triển khai Chương trình trong giai đoạn tiếp theo, không để gián đoạn Chương trình.


Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái ghi nhận đóng góp của các nhà khoa học, bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc đồng hành thực hiện Chương trình cùng Bộ KH&CN.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 779

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)