Thứ hai, 13/11/2023 15:06 GMT+7

Ban hành 3 quy chuẩn về phương tiện đường sắt

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành Thông tư 30/2023/TT-BGTVT về 03 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện giao thông đường sắt, nhằm đảm bảo an toàn, môi trường.
Cụ thể, Thông tư 30 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 21/12/2023; cùng đó bãi bỏ Thông tư số 67/2011 của Bộ GTVT về việc ban hành 03 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện giao thông đường sắt, Thông tư số 30/2018 của Bộ GTVT về việc ban hành 02 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện giao thông đường sắt.  
Ba Quy chuẩn được ban hành bao gồm:
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông đường sắt trong quá trình khai thác sử dụng (Số hiệu: QCVN 15:2023/BGTVT).
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu kỹ thuật và quy định kiểm tra đối với đầu máy diesel, phương tiện chuyên dùng tự hành khi sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu (Số hiệu: QCVN 16:2023/BGTVT).
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm tra toa xe, phương tiện chuyên dùng không tự hành khi sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu (Số hiệu: QCVN 18:2023/BGTVT).
 
03 quy chuẩn về phương tiện đường sắt giúp đảm bảo an toàn giao thông và môi trường được ban hành.
Riêng với quy chuẩn QCVN 15:2023/BGTVT, phạm vi điều chỉnh đối với phương tiện giao thông đường sắt khi kiểm tra định kỳ, hoán cải và nhập khẩu đã qua sử dụng có mã hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08/6/2022 của Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Quy chuẩn này không áp dụng đối với phương tiện đường sắt tốc độ cao, phương tiện giao thông đường sắt của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh và toa xe đường sắt đô thị hoán cải, nhập khẩu đã qua sử dụng.
Theo đó, các thiết bị trên toa xe khách đường sắt quốc gia phải đảm bảo số lượng, an toàn và đảm bảo môi trường. Cụ thể, ghế, giường, giá hành lý lắp ráp chắc chắn; cơ cấu nâng hạ của ghế, giường hoạt động bình thường. Hệ thống cấp, thoát nước và thiết bị sử dụng nước phải phù hợp với báo cáo kiểm tra và hoạt động bình thường.
Đặc biệt, trong buồng vệ sinh phải có tay nắm để đảm bảo an toàn cho hành khách khi sử dụng thiết bị vệ sinh. Buồng vệ sinh phải đảm bảo các yêu cầu sau: Thông thoáng, thoát khí ra ngoài xe; các trang thiết bị trong buồng vệ sinh phải lắp đặt chắc chắn và hoạt động bình thường; chủ phương tiện phải có quy trình sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị vệ sinh tự hoại để nước thải ra môi trường từ thiết bị vệ sinh tự hoại trên các toa xe khách phù hợp với quy định về bảo vệ môi trường.
Toa xe phải có thùng thu gom rác thải bảo đảm vệ sinh công cộng. Thiết bị chữa cháy đủ số lượng và còn thời hạn sử dụng. Thiết bị thoát hiểm đủ số lượng, lắp đặt chắc chắn.
Thiết bị phục vụ người khuyết tật (nếu có) phải đủ số lượng và hoạt động bình thường. Phải có chỗ để tủ thuốc sơ cứu, dụng cụ chèn tàu, vật liệu để sửa chữa đơn giản; có chỗ bố trí bảng niêm yết hoặc phương tiện thông tin khác để thông báo cho hành khách.
Đối với toa xe khách đường sắt đô thị, quy chuẩn yêu cầu buồng hành khách, các đèn phải lắp đặt chắc chắn và hoạt động bình thường. Các biển báo trong buồng khách không được rách, mờ và phải lắp đặt ở vị trí dễ nhìn thấy.
Cửa hành khách đóng, mở cửa ở hai chế độ làm việc: do lái tàu điều khiển thủ công và điều khiển tự động phải linh hoạt và hoạt động bình thường; đóng mở linh hoạt, phải cùng mở hoặc đóng đồng thời và không được tự mở trong khi tàu đang chạy. Thiết bị cảm biến phát hiện vật cản phải có tác dụng và hoạt động bình thường; Tính năng khống chế không cho tàu vận hành khi cửa hành khách chưa đóng hết phải có tác dụng. Tác dụng mở cửa bằng tay trong tình huống khẩn cấp phải hoạt động tốt.
Về thiết bị phục vụ khách, cột đứng, tay vịn, tay nắm phải đủ số lượng và lắp đặt chắc chắn. Ghế ngồi phải chắc chắn, không bị nứt vỡ. Thiết bị phục vụ người khuyết tật (nếu có) phải đủ số lượng và hoạt động bình thường...
 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 975

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)