Thứ tư, 02/08/2023 09:15 GMT+7

Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ sinh viên về năng suất chất lượng tại các trường đại học, cao đẳng

Ngày 25/7, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức buổi làm việc về Chương trình hỗ trợ cho sinh viên về hoạt động năng suất năm 2023-2024.

Tham dự chương trình có ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục, ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Tổng cục, Đoàn công tác về Năng suất của Pakistan cùng đại diện Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đoàn Thanh niên Tổng cục, Tổ Năng suất Tổng cục và một số trường Đại học, Cao đẳng của 3 miền Bắc, Trung, Nam dự theo hình thức trực tuyến.
 

Ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Trình bày về kế hoạch và nội dung Chương trình hỗ trợ cho sinh viên về hoạt động năng suất năm 2023-2024, đại diện Tổ Năng suất Tổng cục cho biết, để năng suất chất lượng được nhận thức và triển khai hiệu quả hơn nữa trong thực tế, việc nâng cao nhận thức của các sinh viên - những người sẽ làm năng suất trong tương lai là hết sức cần thiết. Vì vậy, trong tháng 4 và 5 vừa qua, Tổng cục đã phối hợp các trường đại học, cao đẳng tại 3 miền Bắc, Trung, Nam tổ chức thành công 15 toạ đàm “Tổng quan về Năng suất chất lượng và áp dụng năng suất trong các trường đại học, cao đẳng” với sự tham gia của hơn 3000 sinh viên. Hiện nay có thêm sự tham gia của 2 đơn vị đó là Tỉnh Đoàn Yên Bái và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Về kế hoạch tiếp theo của hoạt động năng suất, Tổng cục đã có Công văn số 1663/TĐC-VP gửi các trường đại học cao đẳng để lấy ý kiến góp ý dự thảo kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ cho sinh viên về hoạt động năng suất năm 2023 – 2024, qua đó, Tổng cục đã nhận được 12 phản hồi từ phía các trường.

Tổng cục cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các trường về kế hoạch thành lập CLB năng suất. Căn cứ kết quả khảo sát, Tổng cục đã hoàn thiện kế hoạch và nội dung Chương trình hỗ trợ cho sinh viên về hoạt động năng suất năm 2023 - 2024. Cụ thể, năm 2023, 10 chương trình phổ biến kiến thức năng suất sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến vào 17h00 thứ 6 hàng tuần bắt đầu từ ngày 08/9/2023 và dự kiến kết thúc vào ngày 10/11/2023.
 


Đại diện các trường tham dự buổi làm việc.

Năm 2024 sẽ có 4 hoạt động đào tạo lớn đó là: Lớp hướng dẫn chuyên gia năng suất được tổ chức đào tạo trực tiếp vào quý I năm 2024 với 5 nội dung về 5S, Layout, 7 lãng phí, Kaizen và MFCA; Các chương trình đào tạo của Tổ chức năng suất Châu Á (APO) sẽ được gửi hàng tháng; Hướng dẫn áp dụng cải tiến năng suất với hình thức đào tạo trực tuyến và trực tiếp được tổ chức tại các trường hoặc tại một số doanh nghiệp điển hình; Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Năng suất dự kiến vào quý 4 năm 2023.

Chia sẻ về việc xây dựng chương trình đào tạo năng suất và chất lượng trong khối ngành kinh tế và quản trị kinh doanh, đại diện Trường Đại học Ngoại Thương - PGS.TS Nguyễn Thị Thùy Vinh, Trưởng ban Phát triển & Đào tạo chương trình, Phòng QLĐT cho hay, năng suất là yếu tố quyết định tới sự phát triển của các quốc gia, các ngành và doanh nghiệp. Môi trường cạnh tranh quyết liệt đòi hỏi muốn tăng doanh thu, cải thiện kết quả kinh doanh cần đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của khách hàng, tức là cải tiến chất lượng; Các hệ thống quản trị, mô hình quản lý, công cụ về năng suất, chất lượng đã và đang được triển khai ở hầu hết quốc gia trên thế giới theo cách tiếp cận quản lý năng suất và chất lượng tổng thể.

Cũng theo vị này, trên thế giới, các học phần về năng suất và chất lượng khá phong phú, đặc biệt là học phần liên quan đến chất lượng. Các học phần thường được giảng dạy trong chương trình đào tạo về nhóm ngành quản trị (management) nhiều hơn là nhóm ngành kinh tế. Có nhiều trường đào tạo tích hợp cả năng suất và chất lượng trong một khoá học (Mỹ, Canada, Mexico,…); Nội dung đào tạo với các học phần trong nhóm ngành quản trị thường sử dụng cách tiếp cận hiện đại, Quản lý chất lượng tổng thể (Total Quality Management).

Tại Việt Nam, trong nhiều học phần của các ngành đào tạo về kinh tế và quản trị kinh doanh, năng suất và chất lượng đã được đề cập một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; Chủ yếu học phần đào tạo về quản trị chất lượng, rất ít học phần có liên quan đến năng suất; Học phần về quản trị chất lượng từ 2-3 tín chỉ là học phần bắt buộc hoặc tự chọn ngành hoặc chuyên ngành đối với các chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực quản trị, có rất ít trường đưa học phần này vào nhóm cơ sở ngành;

Tên các học phần sử dụng chủ yếu là Quản trị chất lượng sống cũng được cụ thể hoá theo lĩnh vực chuyên môn của trường hay chuyên ngành đào tạo: Quản trị chất lượng dịch vụ bưu chính viễn thông, Quản trị chất lượng dịch vụ vận tải, Quản trị chất lượng giáo dục,... Nội dung đào tạo về chất lượng tập trung chủ yếu vào các mô hình và công cụ để quản trị chất lượng, rất ít thấy nội dung quản trị chất lượng được đặt trong mối quan hệ với năng suất; Nội dung đào tạo về năng suất cũng được xem xét tách biệt, chưa đặt trong mối quan hệ với quản trị chất lượng tập trung chủ yếu vào việc đo lường và các công cụ để giảm giá thành, chi phí trong sản xuất.

Nguồn nhân lực hiểu rõ ý nghĩa, có kiến thức và kỹ năng tốt về cải tiến năng suất chất lượng là yếu tố then chốt, cốt lõi để thúc đẩy gia tăng mức sống của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, cần quá trình đào tạo từ rất sớm để hình thành tư duy và văn hoá về năng suất, chất lượng.

Chia sẻ thêm về học phần, đại diện trường Đại học Ngoại thương cho biết, học phần Quản lý năng suất và chất lượng được thiết kế để cung cấp kiến thức và kĩ năng cho sinh viên trình độ đại học khối ngành kinh tế và quản trị kinh doanh về quản lý năng suất chất lượng tích hợp được tiếp cận theo chu trình PDCA: lập kế hoạch, triển khai, đánh giá và cải tiến; giúp sinh viên nâng cao nhận thức về cải tiến chất lượng nhằm nâng cao năng suất cũng như sử dụng được một số công cụ quản lý để cải tiến năng suất và chất lượng trong doanh nghiệp.

Với mục tiêu trang bị cho người học khái niệm, vai trò và nội dung quản lý năng suất chất lượng trong một tổ chức thông qua chu trình PDCA: lập kế hoạch, triển khai, đánh giá và cải tiến; Giúp người học có thể phân tích được thực trạng quản lý năng suất và chất lượng từ đó vận dụng các công cụ để quản lý năng suất và chất lượng tích hợp; Giúp người học hiểu được vai trò và nội dung quản lý nhà nước về năng suất và chất lượng nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
 

Đại diện các đơn vị tham dự buổi làm việc.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, đại diện trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền - ThS. Thái Hồng Đức, Phó Trưởng Ban cố vấn của CLB Năng suất đã có những trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm thành lập CLB cùng sứ mệnh, mục tiêu phát triển thế mạnh của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong nền tảng về tư duy, nền tảng về hành động, nền tảng về truyền thông và nền tảng về nhân sự.

Vị này cũng chia sẻ về những kết quả bước đầu trong việc xây dựng Đề án thành lập và quy chế của CLB, cùng với đó là các hoạt động về đào tạo, tuyên truyền về năng suất được diễn ra thường xuyên đã mang lại hiệu ứng tích cực cho các bạn sinh viên tham gia CLB.

Phía Đoàn Thanh niên Tổng cục đã có những chia sẻ về sổ tay năng suất. Theo đó, Đoàn Thanh niên Tổng cục thực hiện biên dịch cuốn sổ tay năng suất của Tổ chức Năng suất châu Á sang Tiếng Việt với mục đích phục vụ các đoàn viên, thanh niên, sinh viên tham khảo, sử dụng trong quá trình học tập và nghiên cứu về năng suất.

Kết luận buổi làm việc, TS. Hà Minh Hiệp - Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục nhấn mạnh việc năng cao nhận thức của sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trường nghề… về năng suất chất lượng thông qua hình thức đào tạo là rất cần thiết. Các trường cũng nên đẩy mạnh việc lập kế hoạch thành lập CLB về năng suất trong thời gian tới./.

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1186

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)