Thứ ba, 02/06/2020 23:22 GMT+7

Nghiên cứu công nghệ tạo chất phủ bề mặt ván nhân tạo

Ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam trong những năm vừa qua không ngừng phát triển. Tổng kim ngạch xuất khẩu của đồ gỗ Việt Nam trong năm 2014 đạt 6,2 tỷ USD, năm 2015 đạt khoảng 6,9 tỷ USD, giá trị này sẽ tiếp tục được tăng lên trong những năm tiếp theo.


Cấu tạo hiển vi bề mặt ván MDF

 

Có thể thấy rất ít hoặc gần như không có một sản phẩm đồ gỗ nào hoàn thiện mà không được sơn hoặc phủ lên bề mặt nó một lớp chất phủ hoặc màng phủ, đối với đồ gỗ xuất khẩu thì sơn phủ được coi là một khâu then chốt cho việc đánh giá chất lượng của sản phẩm. Sơn hoặc phủ lên bề mặt gỗ ngoài việc làm tăng tính thẩm mỹ cho gỗ ra thì nó còn giúp cho sản phẩm gỗ tránh được những ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường như độ ẩm, ánh sáng, nấm mốc... Chính vì vậy sơn hoặc phủ lên bề mặt gỗ, ván nhân tạo được coi là một khâu bắt buộc với hầu hết các sản phẩm từ gỗ hoặc từ ván nhân tạo.

Thị trường Việt Nam hiện nay có rất nhiều các loại sơn phủ dùng trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, như Sơn gốc PE, sơn gốc PU, sơn gốc U-F, sơn U-M-F, sơn gốc M-F, chất phủ gốc amine, sơn polyester, sơn acrylic, sơn silicone... những loại sơn này được dùng chủ yếu cho các sản phẩm từ gỗ nguyên, nhưng rất ít loại sơn chuyên dùng cho ván nhân tạo.

Nếu các doanh nghiệp trong nước khi đã có được công nghệ và kỹ thuật trong tay, biết tận dụng vào những thiết bị có sẵn như bồn pha trộn, bồn nấu keo, máy khuấy, máng đựng hóa chất... đồng thời dựa vào những hóa chất, nguyên liệu sẵn có ở trong nước thì hoàn toàn có thể tạo ra được những loại sơn phủ phù hợp với tiêu chuẩn cho đồ gỗ xuất khẩu; và đương nhiên với sự tận dụng về thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất như vậy thì giá thành sẽ có được sự cạnh tranh đáng kể so với sản phẩm nhập khẩu. Đồng thời nếu tự sản xuất, cũng sẽ đề xuất được những quy trình công nghệ tạo ra những sản phẩm sơn phủ tương tự nhau khi chỉ cần thay đổi những thông số công nghệ.

Từ những lý do trên cho thất rất cần thiết có nghiên cứu công nghệ tạo chất phủ bề mặt cho sản phẩm ván nhân tạo. Nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Trường Đại học Lâm Nghiệp cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài PGS.TS Cao Quốc An cùng thực hiện nhằm mục đích Nghiên cứu tạo chất phủ bề mặt sản phẩm ván nhân tạo để sản xuất đồ mộc, chất lượng phù hợp với TCVN, đáp ứng đƣợc yêu cầu đồ mộc xuất khẩu, giá thành thấp.

Qua quá trình nghiên cứu, đề tài đã tạo được sản phẩm sơn Alkyde QA18 và sơn PU QA19 với tỷ lệ thành phần nguyên liệu chính, phụ gia, chất độn và quy trình sử dụng chúng trong trang sức sản phẩm gỗ sản xuất từ ván ghép thanh; kết quả cho thấy chất lượng màng trang sức đáp ứng được các tiêu chuẩn trong nước và nước ngoài về tính chất hóa học, vật lý, hóa học. Qua đó góp phần tạo nguồn nguyên liệu phụ trợ trong nước, giảm mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu.

Sản phẩm sơn Alkyde QA18 và sơn PU QA19 có hàm lượng các chất hữu cơ tự do dễ bay hơi (VOC) trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn châu Âu.  Về giá thành sản phẩm sơn, thông qua một số chi phí chủ yếu, giá thành sơn Alkyde QA18 là 43.200 đồng/kg sơn lớp phủ và 38.395 đồng/kg sơn lớp lót.Giá thành sản xuất sơ bộ sơn PU QA19 là: 52.946 đồng/kg sơn lớp phủ và 50.155 đồng/kg sơn lớp lót.

Thông qua quá trình tạo sơn Alkyde QA18 và sơn PU QA19, so sánh với thực tế sản xuất hiện nay, kết quả cho thấy giá thành sản xuất giảm xuống 7-10% so với quy trình tạo sản phẩm cùng loại hiện nay đang áp dụng tại một số doan nghiệp khảo nghiệm. Kỹ thuật sơn phủ sơn Alkyde QA18 và sơn PU QA19 ngoài có tính ưu việt về chất lượng, giá thành sản phẩm gỗ sản xuất từ ván ghép thanh và MDF được trang sức từ 02 loại sơn này có giá thành khâu sơn giảm 8-10% so với thực tế hiện nay.

 
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 14061/2016) tại Cục Thông tin KHCNQG.
 

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2633

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)