Thứ năm, 29/11/2018 23:40 GMT+7

Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển

Chiều ngày 29/11/2018, tại Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”. Tại Diễn đàn, Thủ tướng đã khẳng định, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cùng tham dự Diễn đàn có đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và Môi trường Quốc hội; đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,…; các chuyên gia quốc tế trong và ngoài nước, thanh niên khởi nghiệp, nhà đầu tư và doanh nghiệp.
 

Toàn cảnh Diễn đàn.

 

Làn sóng khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho rằng, hiện nay, được sự quan tâm của Chính phủ và các cơ quan chức năng, khởi nghiệp sáng tạo đang trở thành làn sóng mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển đất nước. Sau hơn 2 năm kể từ lễ phát động chương trình thanh niên khởi nghiệp, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả khích lệ bước đầu về mặt tiếp cận cơ chế chính sách, truyền thông. Chương trình “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệptrở thành 1 trong 3 chương trình lớn đồng hành của thanh niên trong giai đoạn 2017-2022 và những năm tiếp theo.

“Từ những chủ trương đó đã hình thành được nhiều thiết chế như Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp quốc gia, không gian làm việc chung… cùng với đó, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ KH&CN và Trung ương Đoàn đã ký kết chương trình phối hợp tăng cường hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp khoa học, công nghệ, thông qua việc hình thành các trung tâm hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp nhằm kết nối vốn, quỹ đầu tư, đào tạo, tập huấn, trợ giúp pháp lý…”, đồng chí Lê Quốc Phong cho biết.

Diễn đàn đã dành thời lượng lớn tập trung thảo luận, nhìn nhận thực trạng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam trong những năm qua, đánh giá từ cơ chế, chính sách tới diễn biến thực tiễn; so sánh với hướng đi, cách làm của những quốc gia được mệnh danh là khởi nghiệp thành công để tìm những giải pháp tạo sức bật thật sự cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Đồng thời, thảo luận về vai trò từng chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách cần thiết để tạo sự đột phá.

Bà Thạch Lê Anh, người sáng lập, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley (VSV) khẳng định Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Từ năm 2012 khái niệm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam ít người biết đến, nay vươn lên thứ ba trong các nước Asean, chỉ sau Singapore cả về tốc độ phát triển doanh nghiệp cũng như hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Tuy nhiên, theo bà Thạch Lê Anh, có nhiều khó khăn về vốn, đầu tư. Hiện chưa có chính sách ưu đãi thuế và các chính sách đầu tư tài chính để các nhà đầu tư thiên thần (người bỏ vốn mồi đầu tiên) sẵn sàng bỏ vốn. Trong khi giai đoạn vốn mồi rất quan trọng với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Kiến nghị về các giải pháp, ông Đàm Quang Thắng, Trưởng làng Nông nghiệp đề nghị Thủ tướng tạo một không gian ứng dụng để các startup có cơ hội ứng dụng thử sản phẩm để người dùng đánh giá trước khi bán ra thị trường. Nếu họ có cơ chế bán sản phẩm trong vòng 2- 3 năm để đo sức hút thị trường thì chắc chắn các startup sẽ phát huy được hết năng lực và nhiệt huyết làm ra sản phẩm mới.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 đã thể hiện rất sâu sắc sắc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ, đến nay đã hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, có 6 yếu tố quan trọng đối với thành công của startup gồm hạ tầng, thể chế chính sách, tài chính, nguồn vốn đầu tư, thị trường và văn hóa. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian qua Bộ KH&CN đã tăng cường các hoạt động đổi mới sáng tạo. Ngày 28/11 mới đây, Bộ KH&CN và Tập đoàn Xinova đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với mong muốn thành lập, quản lý và vận hành Trung tâm Đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ KH&CN tại Hà Nội. Trung tâm này sẽ kết nối các nhu cầu đổi mới sáng tạo của các tập đoàn, công ty trong nước với mạng lưới hơn 12 nghìn nhà khoa học, nhà sáng tạo toàn cầu, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, các kỹ sư Việt Nam tham gia mạng lưới, cũng như đào tạo đội ngũ cán bộ làm quản lý công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp cận với những phương thức thúc đẩy đổi mới sáng tạo mới của thế giới. 
 


Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại Diễn đàn.

 

Chia sẻ với ý kiến của nhiều startup, nhà đầu tư tại Diễn đàn, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, vấn đề khó khăn hiện tại đó là chính sách đầu tư, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thoái vốn, cho vay, vốn đầu tư mạo hiểm,… Chính sách về vốn đầu tư mạo hiểm đã được Bộ KH&CN đưa vào Luật Công nghệ cao năm 2008 và mới đây là Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi, nghị định hướng dẫn Luật. Nhờ đó, đã tạo ra hành lang pháp lý đầu tiên cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, để tập trung tháo gỡ các nút thắt về cơ chế tài chính hiện tại, cần có sự vào cuộc của một số bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,…

Đam mê, khát vọng, dám nghĩ dám làm, không sợ thất bại

Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, ghi nhận những ý kiến xác đáng của những người bước đầu khởi nghiệp, có ý tưởng khởi nghiệp, các nhà quản lý… và cho rằng “đây là những kinh nghiệm rất tốt”.

Thủ tướng cho biết, so với cách đây hai năm, khi dự lễ khởi xướng “Năm quốc gia khởi nghiệp” (năm 2016), đến nay có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. “Sự háo hức, sáng kiến, kiến nghị của các bạn hôm nay nói lên khát vọng thành công”. Theo Thủ tướng, từ trước đến nay, chưa bao giờ khởi nghiệp ở nước ta phát triển mạnh mẽ như thời gian qua.
 


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn


Thủ tướng đặt một niềm tin rất lớn vào thế hệ trẻ. Trong những câu chuyện thành công về khởi nghiệp ở Việt Nam cũng như ở các quốc gia khác, Thủ tướng nhận thấy có một số điểm chung để khởi nghiệp thành công: Đó là đam mê, khát vọng, dám nghĩ dám làm và đặc biệt không sợ thất bại. Không có đam mê và khát vọng thì không thể “dốc hết trái tim, trí tuệ và nhiệt huyết của mình” cho mục tiêu hướng đến. Không dám nghĩ, dám làm thì không thể đi đến cùng với thách thức. Điều đó cũng có nghĩa là có tầm nhìn mà không có hành động cụ thể. “Thất bại là mẹ thành công. Nếu sợ thất bại thì chắc chắn bạn sẽ không thể thành công”. Dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám chấp nhận thất bại để thành công là tinh thần để mạnh dạn khởi nghiệp sáng tạo.

Thủ tướng cam kết Chính phủ sẽ quyết tâm, tạo mọi điều kiện để hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam lớn mạnh và hoàn thiện hơn nữa trong những năm tới đây. Thị trường Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, “là điều kiện tốt để có thể đón nhận những sản phẩm của các bạn sáng tạo ra”. “Chúng ta đang có một nền kinh tế đa dạng và đầy đủ nguồn lực để giúp các bạn thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình, dù đó là vốn đầu tư, công nghệ hỗ trợ, nguyên liệu hay các yếu tố để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp”.

Coi đổi mới sáng tạo là giải pháp đột phá

Thủ tướng cho rằng những tiến bộ kể trên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu mong muốn, chưa tạo được môi trường khởi nghiệp thực sự thuận lợi và hiệu quả. Đồng thời khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm và đặt khởi nghiệp sáng tạo là một trong những giải pháp đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng.

Ghi nhận các ý kiến tại diễn đàn như cần có khung pháp lý để có giải pháp thiết thực hơn cho khởi nghiệp sáng tạo, cũng như cần có cơ chế vốn, tài chính, thủ tục hành chính thuận lợi hơn, cần có sàn chứng khoán cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hay việc đem ý tưởng thế chấp ngân hàng để vay vốn, Thủ tướng nhấn mạnh, phải đổi mới chính sách mạnh mẽ, tạo sân chơi cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam.

Theo đó, phải đẩy mạnh hoạt động tư vấn, cố vấn. Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Bộ KH&CN trong thời gian vừa qua đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đã hỗ trợ khởi nghiệp trên khắp các tỉnh thành và đã có hàng nghìn doanh nghiệp mới khởi nghiệp thành công. Đồng thời cho rằng, thời gian tới cần triển khai mạnh mẽ Đề án 844 về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.

Về vấn đề vốn cho khởi nghiệp sáng tạo và các cơ chế tài chính, tạo lập quỹ đầu tư khởi nghiệp và huy động nguồn vốn từ cộng đồng, từ các doanh nghiệp lớn trong nước, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cụ thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 này. Chính phủ sẽ yêu cầu các bộ nghiên cứu để có định hướng rõ nét về từng lĩnh vực cụ thể, từng vướng mắc từ hạ tầng, khung pháp lý, về thị trường, dựa trên đánh giá về thị trường của khu vực và quốc tế... nhằm đồng hành với doanh nghiệp./.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN; Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN

Lượt xem: 7892

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)