Thứ sáu, 21/09/2018 17:12 GMT+7

Một số sự kiện đáng chú ý về chủ đề y tế bên lề Khóa họp Đại hội đồng lần thứ 62 của IAEA

Trong khuôn khổ Khóa họp Đại hội đồng lần thứ 62 của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) diễn ra từ ngày 17-21/9/2018 tại Vienna, Cộng hòa Áo, đã có 02 sự kiện về chủ đề y tế được tổ chức ngày 19/9/2018 với nội dung “Vai trò của y học hạt nhân trong cuộc chiến chống ung thư ở nữ giới” và “Chẩn đoán, điều trị các bệnh lây nhiễm bằng kỹ thuật hạt nhân”.

Ông Aldo Malavasi, Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban Khoa học và ứng dụng hạt nhân của IAEA và Bà May Abdel-Wahab, Giám đốc Phòng Sức khỏe con người của IAEA, chủ trì các sự kiện này. TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, đại diện cho Việt Nam tham dự 02 sự kiện.

 


Ông Aldo Malavasi và Bà May Abdel-Wahab chủ trì sự kiện “Vai trò của y học hạt nhân trong cuộc chiến chống ung thư ở nữ giới” và “Chẩn đoán, điều trị các bệnh lây nhiễm bằng kỹ thuật hạt nhân” ngày 19/9/2018.


Vai trò của y học bức xạ trong cuộc chiến chống ung thư ở nữ giới
Hầu hết các loại ung thư có cơ hội điều trị thành công lớn nếu được phát hiện  sớm. Tuy nhiên, ở các nước thu nhập thấp và trung bình, ung thư ở nữ giới thường được phát hiện quá muộn do hạn chế trong việc tiếp cận với công nghệ chẩn đoán, điều trị hiện đại và các kỹ thuật chuyên môn có liên quan, gây ra nhiều khó khăn cho công tác điều trị.
Phát biểu tại Sự kiện, Bà Abdel-Wahab nhấn mạnh: "Ung thư ở nữ giới không chỉ là vấn đề y tế mà còn là vấn đề bình đẳng giới và kinh tế - xã hội. Triển vọng phòng ngừa ung thư cổ tử cung thông qua chương trình tiêm chủng HPV cũng như sự ra đời của các phương pháp xạ trị tinh vi phục vụ điều trị đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đối với ung thư vú, có thể thấy rõ các tiến bộ trong sàng lọc, phát hiện sớm, lập kế hoạch điều trị, các kỹ thuật xạ trị tiên tiến cũng như những hiểu biết mới về cơ chế và di truyền cơ bản cho phép điều trị nhắm mục tiêu chính xác hơn."
Theo Bà Elena Fidarova, Giám đốc kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới hiện nay, 92% các quốc gia có thu nhập cao có khả năng triển khai các dịch vụ tiên tiến về điều trị ung thư so với tỷ lệ chỉ khoảng 25% các nước thu nhập thấp và trung bình. Các dịch vụ về chăm sóc giảm nhẹ hầu như không tồn tại ở các nước thu nhập thấp và trung bình và khoảng 60% các nước này mới chỉ triển khai được các chương trình sàng lọc nhưng chưa thực hiện được các chương trình điều trị tương ứng.
Tại Sự kiện “Vai trò của y học hạt nhân trong cuộc chiến chống ung thư ở nữ giới”, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung liên quan đến vai trò của dược chất phóng xạ trong chẩn đoán, điều trị ung thư cổ tử cung và ung thư vú, những kỹ thuật xạ trị tiên tiến gần đây với cải thiện an toàn cao hơn trong điều trị và cơ hội chữa trị thành công lớn hơn. Công nghệ hạt nhân cho phép kiểm soát sự phát triển của khối u thông qua xạ trị kết hợp với hóa trị liệu để điều trị ung thư cổ tử cung, dẫn đến tỷ lệ sống sót cao hơn trên toàn thế giới.
Năm 2016, 07 cơ quan của Liên hiệp quốc trong đó có IAEA, đã thành lập Chương trình toàn cầu về phòng chống ung thư cổ tử cung của Liên hiệp quốc nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong ở các phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung (là ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ - theo WHO) xuống mức 25% vào năm 2025 tại 6 nước thí điểm. Tháng 5/2018, Hội nghị Y tế thế giới cũng đã thông qua một chiến lược hướng đến việc loại bỏ hoàn toàn ung thư cổ tử cung trên toàn cầu vào năm 2070. IAEA sẽ đóng vai trò hỗ trợ việc sử dụng các kỹ thuật hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị và tăng cường hợp tác quốc tế về y học bức xạ, đồng thời hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình có được thiết bị phù hợp, đào tạo chuyên gia y tế.


Chẩn đoán, điều trị các bệnh lây nhiễm bằng kỹ thuật hạt nhân
 Hàng năm, trên thế giới có khoảng 13 triệu người chết vì các bệnh truyền nhiễm như lao, sốt rét và HIV/AIDS. Phần lớn các trường hợp tử vong này ở các nước đang phát triển và phát hiện sớm là chìa khóa để giảm thiểu sự lây lan và bùng nổ của dịch bệnh.
Theo Bà May Abdel-Wahab, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm tuy đã giảm đáng kể nhưng lại đang nổi lên như một mối đe dọa đáng kể trên toàn thế giới, do xu hướng kháng lại phác đồ điều trị của các bệnh này. Ngoài ra, thiếu hụt dinh dưỡng cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh của người dân. Kỹ thuật hạt nhân có thể được sử dụng để cải thiện độ chính xác trong chẩn đoán và cung cấp các giải pháp cho những vấn đề này. Các vấn đề về gia tăng tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh, du lịch quốc tế, tăng dân số đô thị hiện đang gây ra những thách thức mới đối với công tác quản lý các bệnh truyền nhiễm của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, nhiều nước hiện không có đủ dược chất phóng xạ cần thiết cho chẩn đoán sớm và chính xác việc lây nhiễm bệnh. Sự phát triển và xuất hiện của các chủng lao kháng thuốc, sự tái xuất hiện bệnh lao ở các quốc gia đã khống chế thành công bệnh này cũng như thực tế lây lan nhanh chóng bệnh lao ở các đô thị đông đúc của châu Á đặt ra yêu cầu về hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đối với sức khỏe cộng đồng.
Tại Sự kiện “Chẩn đoán, điều trị các bệnh lây nhiễm bằng kỹ thuật hạt nhân”, các đại biểu đã xem xét vai trò của y học hạt nhân trong chẩn đoán bệnh truyền nhiễm và cách thức để IAEA có thể hỗ trợ các nước thành viên trong việc xây dựng năng lực chẩn đoán các bệnh này. Theo các chuyên gia, phương pháp sàng lọc thông thường có thể không phân biệt rõ ràng một số bệnh lây nhiễm ở giai đoạn sớm, thậm chí có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác, bao gồm cả bệnh ung thư. Tuy nhiên, công nghệ hạt nhân có khả năng phát hiện bệnh trước khi xuất hiện các triệu chứng ở bệnh nhân, làm tăng cơ hội kiểm soát sự lây lan của bệnh. Đặc biệt, kỹ thuật hình ảnh hạt nhân có vai trò không thể thay thế trong việc phát hiện những thay đổi liên quan đến lây nhiễm. Theo Ông Juliano Cerci, Chủ tịch Hiệp hội Y học hạt nhân Braxin, phương pháp hình ảnh hạt nhân in-vivo (trong cơ thể) và phương pháp in-vitro là một phần của bộ công cụ y học hạt nhân có khả năng chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm. Phương pháp hình ảnh hạt nhân in-vivo được sử dụng trong chẩn đoán và theo dõi nhiều loại bệnh khác nhau, như nhiễm trùng xương, sốt không rõ nguyên nhân, viêm nhiễm thành mạch máu. Trong khi đó, phương pháp in-vitro giúp xác định một số loại nhiễm trùng khác và xác minh kháng thuốc.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng của người dân trên toàn thế giới và vai trò của các kỹ thuật đồng vị bền trong nghiên cứu mối liên hệ giữa dinh dưỡng và các bệnh truyền nhiễm. Suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh và những bệnh lây nhiễm này lại góp phần gây ratình trạng suy dinh dưỡng, ví dụ như bệnh HIV/AIDS và bệnh lao có liên quan đến thiếu máu. Kỹ thuật đồng vị bền ngày càng được sử dụng rộng rãi để xác định và giám sát các biện pháp can thiệp về dinh dưỡng. Kỹ thuật này cho phép đánh giá chính xác các cấu phần cơ thể, theo dõi các thay đổi trao đổi chất liên quan đến bệnh truyền nhiễm và đáp ứng của cơ thể với các liệu pháp dinh dưỡng. Bản chất tự nhiên của các đồng vị bền không xâm nhập vào cơ thể nên chúng có thể được sử dụng đối với tất cả mọi người, kể cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo một nghiên cứu về tăng trưởng và tình trạng dinh dưỡng của trẻ em ở Botswana, cho thấy tỷ lệ trẻ em thiếu máutại vùng dễ bị sốt rét ở mức 47%, cao hơn nhiểu so với tỷ lệ 19% ở vùng nguy cơ sốt rét thấp. Trong bối cảnh hiện nay, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng can thiệp dinh dưỡng nên luôn là một phần của công tác phòng chống và điều trị, vì bệnh lây nhiễm thường làm tăng các yêu cầu về dinh dưỡng.
Tại Việt Nam, sự ra đời của Chiến lược phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình (Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03/01/2006) và các Quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ trong các ngành kinh tế - kỹ thuật đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong y tế, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ được mở rộng trên cả 3 lĩnh vực điện quang, y học hạt nhân, xạ trị và chẩn đoán hình ảnh. Lĩnh vực điện quang đã phát triển rộng khắp trên cả nước với các thiết bị chẩn đoán hiện đại. Lĩnh vực y học hạt nhân cũng đã phát triển mạnh ở các thành phố lớn và các bệnh viện tuyến trung ương với các thiết bị xạ hình hiện đại như SPECT, SPECT/CT, PET/CT… Lượng dược chất phóng xạ sản xuất tại lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu Đà Lạt và các trung tâm cyclotron đã đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của cả nước. Nhiều kỹ thuật xạ trị, xạ phẫu hiện đại, ngang tầm một số nước trong khu vực và trên thế giới đã được thực hiện thành công ở Việt Nam, góp phần quan trọng trong công tác khám, chữa nhiều loại bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch, thần kinh. Ngoài ra, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển và mở rộng khả năng đóng góp trong công tác chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam. Trong tháng 11/2018, Cục Năng lượng nguyên tử sẽ chủ trì, phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia lần thứ III về ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong y tế sẽ là một nội dung quan trọng của Hội thảo./.

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 3403

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)