Thứ sáu, 20/07/2018 06:55 GMT+7

Liên bang Nga và Trung Quốc sử dụng điện hạt nhân để gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu như thế nào?

Chuyện bắt đầu kể từ khi các công ty điện hạt nhân nhà nước của Liên bang Nga và Trung Quốc thắng các đối thủ cạnh tranh phương Tây trong các cuộc đấu thầu.

Liên bang Nga và Trung Quốc đang tận dụng các dự án điện hạt nhân nhằm thiết lập phạm vi ảnh hưởng về mảng năng lượng, trong khi Hoa Kỳ không kịp có động thái phản ứng nào.

Tháng 4 năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ khởi công nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng nhà máy sẽ giúp giải quyết nhu cầu điện năng đang ngày càng tăng nhanh của nước này và tăng tính độc lập về năng lượng. Nhưng trên thực tế, chính dự án này có thể càng khiến cho Ankara phụ thuộc vào Điện Kremlin hơn, do dự án này Liên bang Nga sở hữu, xây dựng, và vận hành.

Lò phản ứng Akkuyu là minh chứng cho thấy Nga, và giờ là cả Trung Quốc, đang sử dụng chính sách xuất khẩu năng lượng để nâng tầm ảnh hưởng của họ ở nước ngoài. Nga đấu thầu các dự án như vậy thông qua Công ty hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước Rosatom, theo phương thức đầu tư tài chính vào các công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân, cung cấp nhân lực chuyên môn để vận hành nhà máy, và cho quốc gia khách hàng thuê lại nhà máy điện. Các khoản trợ cấp của Chính phủ Liên bang Nga cho phép Rosatom đấu thầu ở mức giá thấp hơn 20 đến 50% so với đối thủ, trong khi các khoản nợ liên chính phủ với Nga có thể trở thành công cụ trợ giúp đầy thuyết phục đối với các quốc gia gặp khó khăn trong việc thanh toán cho các dự án đó. Điều này giúp Liên bang Nga giành được 60% thị phần bán lò phản ứng hạt nhân toàn cầu: Rosatom hiện có 35 lò phản ứng ở 11 quốc gia trên thế giới, tính cả các lò đang xây dựng và lò mới ký kết hợp đồng.
 

Mô hình nhà máy điện hạt nhân Akkuyu của Thổ Nhĩ Kỳ

 

Mặc dù mô hình kinh doanh của Rosatom làm giảm chi phí cho khách hàng, nhưng mô hình này khiến cho tầm ảnh hưởng của Nga vượt xa khỏi lĩnh vực năng lượng. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Liên bang Nga đang hợp tác với Chính phủ nước này soạn thảo các quy định về hạt nhân để áp dụng với chính các dự án của họ. Điều này có thể gây ra nguy cơ “vô hiệu hóa pháp lý do lợi ích nhóm*” (vô hiệu hóa cơ quan pháp quy nước này do lợi ích nhóm) nhằm đem lại lợi ích cho chính Liên bang Nga. Ở Hungary, mối quan hệ giữa chính phủ của Thủ tướng Victor Orban và Điện Kremlin đã ấm lại kể từ khi Moscow vào cuộc đầu tư tài chính để mở rộng một nhà máy điện hạt nhân sẽ cung cấp tới 40% lượng điện của Hungary. Việc kiểm soát phần lớn nguồn cung điện, cùng với sự hiện diện của đội ngũ an ninh và kỹ thuật Liên bang Nga tại các dự án hạt nhân đóng vai trò đòn bẩy giúp Moscow gia tăng tầm ảnh hưởng của họ trong các quyết định về chính sách đối ngoại và an ninh của nước khác.

Và giờ đây Trung Quốc cũng đang học theo cách của Liên bang Nga. Chính phủ Trung Quốc nhận thấy điện hạt nhân có thể là một yếu tố có sức mạnh tiềm ẩn rất lớn trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (Belt and Road Initiative (BRI)) của họ, vốn nhằm mục đích hợp nhất Trung Quốc với châu Âu, châu Phi và phần còn lại của châu Á về kinh tế và chính trị, thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm, chẳng hạn như phát triển điện hạt nhân ở các quốc gia đang phụ thuộc về năng lượng.

Các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Romania, Pakistan, Vương quốc Anh, và sắp tới là Argentina và Iran – danh sách các dự án có thể còn kéo dài đáng kể. Chủ tịch Tập đoàn Hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC), một trong số các doanh nghiệp đó, đã xác định 41 quốc gia dọc theo Vành đai và Con đường có tiềm năng phát triển các dự án điện hạt nhân. Trung Quốc cũng nhắm tới kế hoạch ký các hợp đồng dài hạn để xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân, thâu tóm các thị trường mới bằng cách tài trợ các chi phí ban đầu và cung cấp dịch vụ, công nghệ và xây dựng nhà máy. Bắc Kinh đã đầu tư tới 82% tổng chi phí lò phản ứng ở Pakistan và 33% chi phí cho dự án Hinkley Point của Vương quốc Anh.

Giá trị của việc đầu tư vào những dự án nêu trên không thể tính được bằng tiền. Trung Quốc vốn có lịch sử sử dụng các công cụ cho vay nặng lãi để thu lại những lợi ích chiến lược. Năm ngoái, khi Sri Lanka không đủ khả năng trả các khoản vay của các công ty Trung Quốc cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, họ đã bị ép phải ký văn bản nhượng lại quyền kiểm soát bến cảng chính của Sri Lanka là Hambantota cho Bắc Kinh. Trung Quốc hoàn toàn có thể tiếp tục sách lược này nhằm thu được lợi ích về chính trị hoặc lãnh thổ ở những khu vực trọng yếu trên thế giới bằng cách tận dụng các khoản nợ của các quốc gia khi thực hiện các dự án điện hạt nhân với Trung Quốc.

Trong lúc này, các công ty điện hạt nhân Hoa Kỳ hầu như bất lực khi cạnh tranh với các đối thủ được các chính phủ hậu thuẫn và được thúc đẩy bởi các mục tiêu chính trị hơn là lợi nhuận. Các công ty hạt nhân nhà nước của Trung Quốc và Liên bang Nga được các nhà lãnh đạo cấp cao trực tiếp vận động hành lang – Tổng thống Putin đã tích cực xúc tiến những cuộc đấu thầu của Rosatom ở nước ngoài, bao gồm các dự án ở Trung Đông và Nam Mỹ. Nga cũng sử dụng các hình thức quyền lực mềm khác để thúc đẩy sự hiện diện của các công ty hạt nhân của mình ở nước ngoài, bao gồm việc tài trợ cho các cuộc thi dành cho thanh niên ở châu Phi và xây dựng một trung tâm nghiên cứu ở Bolivia. Các công ty của Mỹ không hề nhận được sự ủng hộ như vậy từ phía Chính phủ Mỹ, và đó là điểm bất lợi của họ khi cố gắng chào bán sản phẩm của mình ra nước ngoài.

Hơn nữa, xuất khẩu công nghệ hạt nhân của Hoa Kỳ bị kìm kẹp nghiêm trọng bởi tính hạn chế của luật xuất khẩu và một quy trình kiểm soát xuất khẩu phức tạp, không hiệu quả. Trong khi việc duy trì các tiêu chuẩn không phổ biến vũ khí hạt nhân là cực kỳ quan trọng trong công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới thì những điều kiện nghiêm ngặt của các thỏa thuận và kiểm soát xuất khẩu này khiến cho công nghệ hạt nhân Hoa Kỳ kém hấp dẫn đối với các nước khác so với công nghệ của Nga hoặc Trung Quốc, những nơi mà công nghệ ít bị ràng buộc bởi các điều kiện kèm theo. Việc tạo rào cản cho xuất khẩu công nghệ hạt nhân của Hoa Kỳ sẽ không ngăn cản các nước có quan tâm chấp nhận công nghệ hạt nhân, nhưng nó sẽ loại bỏ vai trò của Hoa Kỳ trong việc định hướng phát triển điện hạt nhân và giám sát những mối quan ngại về phổ biến vũ khí hạt nhân.

Bất chấp những rào cản phải đối mặt, ngành công nghiệp hạt nhân của Hoa Kỳ vẫn được xem là đi đầu về công nghệ điện hạt nhân, và hoàn toàn có thể cạnh tranh ở một sân chơi công bằng. Chính phủ của Tổng thống Trump đã cam kết vực dậy ngành công nghiệp điện hạt nhân của Hoa Kỳ, và để làm được điều đó, họ phải định hướng cho các doanh nghiệp bằng cách hợp thức hóa và làm rõ quy trình xuất khẩu và bằng cách ủng hộ cho ngành công nghiệp điện hạt nhân trên trường quốc tế.

Các bước đi của Trung Quốc và Liên bang Nga nhằm thống trị ngành công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu có thể khiến cho Hoa Kỳ phải đối mặt với nguy cơ tổn thương nặng nề về an ninh quốc gia và đặt ra một mối đe dọa đối với trật tự thế giới. Điện hạt nhân có thể là một yếu tố đầy sức mạnh trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, nhưng nếu Chính phủ nước này vẫn tiếp tục chọn cách đứng ngoài đấu trường này có nghĩa là Washington đang trao một công cụ chính sách đối ngoại mạnh mẽ vào tay các đối thủ của mình.

Tác giả Madison Freeman

(Người dịch: Nguyễn Mai Trinh, Ban Hợp tác quốc tế )

(Nguồn: https://www.defenseone.com/ideas/2018/07/china-and-russia-look-dominate-global-nuclear-power/149642/)

Về tác giả:

Madison Freeman hiện là Nghiên cứu viên của Chương trình Khí hậu, An ninh và Năng lượng, Hội đồng Đối ngoại Hoa Kỳ, một cơ quan độc lập có chức năng phổ biến kiến thức về thế giới và chính sách đối ngoại của các quốc gia, chủ yếu là Hoa Kỳ. Freeman tập trung vào các nghiên cứu về công nghệ năng lượng tái tạo, chính sách năng lượng của các nước, và vấn đề về biến đổi khí hậu.

Giải thích thuật ngữ:

*“Vô hiệu hóa pháp lý do lợi ích nhóm” - Regulatory capture- là một hình thức thất bại của chính phủ, xảy ra khi một cơ quan quản lý vốn được lập ra để phục vụ lợi ích công chúng, thay vào đó lại thúc đẩy các mối quan tâm thương mại hoặc chính trị của các nhóm lợi ích đặc biệt chi phối ngành hoặc lĩnh vực đó. Khi việc “vô hiệu hóa pháp lý” xảy ra, lợi ích của các công ty hoặc các nhóm chính trị (“lợi ích nhóm”) được ưu tiên hơn lợi ích của công chúng, dẫn đến tổn thất ròng cho xã hội. Các cơ quan chính phủ bị qua mặt về pháp lý như vậy được gọi là “cơ quan bị vô hiệu hóa về pháp lý”.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 2444

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)