Thứ năm, 26/04/2018 17:20 GMT+7

Nghiên cứu giải pháp hạ tầng kỹ thuật thủy lợi nội đồng (cấp, thoát và xử lý nước) phục vụ nuôi tôm vùng ven biển ĐBSCL

Ngành Thủy sản có vị trí chiến lược và quan trọng chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội Việt Nam. ĐBSCL là vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm của cả nước, với diện tích nuôi tôm năm 2012 bằng 90,6% diện tích nuôi tôm của cả nước, đạt trên 595,7 nghìn ha. Tuy nhiên, trong một số năm gần đây sản lượng nuôi tôm vùng ven biển tăng trưởng không nhanh như giai đoạn trước. Năm 2011 diện tích nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh ở khu vực ĐBSCL lên đến 97.691ha, năm 2012 dịch bệnh tiếp tục hoành hành trải dài theo các tỉnh ven biển từ Hải Phòng đến Kiên Giang làm cho hơn 40.000 ha diện tích nuôi tôm bị thiệt hại.

 

Nguyên nhân phát sinh dịch bệnh trong nuôi tôm có nhiều nhưng chủ yếu là do môi trường nước không đảm bảo, cụ thể là giải pháp thủy lợi cấp, thoát xử lý nước, tái sử dụng nước từ nguồn đến mặt ruộng chưa thực sự khoa học, chưa có quy trình vận hành, chưa có các giải pháp kỹ thuật, công nghệ hướng dẫn bố trí, xây dựng v.v.... Chính vì vậy, nhằm đề xuất được các giải pháp hạ tầng kỹ thuật thủy lợi nội đồng cấp và thoát nước chủ  động, xử lý ô nhiễm và suy thoái môi trường nước, tái sử dụng nguồn nước phục vụ nuôi tôm vùng ĐBSCL, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Phú Quỳnh, Viện Khoa học Thủy Lợi Việt Nam đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu giải pháp hạ tầng kỹ thuật thủy lợi nội đồng (cấp, thoát và xử lý nước) phục vụ nuôi tôm vùng ven biển ĐBSCL”. Đề tài này được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt hàng nghiên cứu với sản phẩm tập trung chủ yếu vào việc xây dựng số tay hướng dẫn kỹ thuật kỹ thuật thủy lợi nội đồng (cấp, thoát và xử lý nước) phục vụ cho các mô hình nuôi tôm vùng ven biển ĐBSCL là hết sức cần thiết.

 

Các nội dung nghiên cứu chính của đề tài bao gồm:

1. Đánh giá thực trạng hạ tầng kỹ thuật nuôi tôm vùng ven biển, khoanh vùng các hình thức nuôi tôm đặc trưng.

2. Đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường nước do các hoạt động nuôi tôm vùng ven biển.

3. Thiết kế mô hình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi nội đồng cấp thoát và xử lý nước cho vùng nuôi tôm thâm canh.

4. Thiết kế mô hình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi nội đồng cấp thoát và xử lý nước cho vùng nuôi tôm luân canh tôm - lúa.

5. Thiết kế mô hình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi nội đồng cấp thoát và xử lý nước cho vùng nuôi tôm bán thâm canh và nuôi tôm rừng.

6. Xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ thuật bố trí, vận hành HTTL (Hệ thống thủy lợi) nội đồng phục vụ cấp, thoát và xử lý nước cho nuôi tôm vùng ven biển ĐBSCL và các khuyến nghị cụ thể cho từng vùng đặc trưng.

7. Thăm quan học tập, hội thảo chuyển giao kết quả nghiên cứu.

 

Sau một thời gian triển khai nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả sau:

1) Nghiên cứu này, trước hết là mô tả đầy đủ hơn, vừa định tính, vừa định lượng các khía cạnh đặc trưng nhất trong điều kiện tự nhiên vùng ĐBSCL nói chung và 8 tỉnh ven biển ĐBSCL, trong đó đề cập sâu đến đặc điểm khí tượng, thủy văn, sông ngòi, đặc điểm thủy triều, đặc điểm xâm nhập mặn, chất lượng nước mặt, nước ngầm..., là những yếu tố tác động chính đến hoạt động sản xuất NTTS ven biển. Đánh giá chung đặc điểm kinh tế - xã hội vùng ven biển ĐBSCL, quá trình phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như phân tích hiện trạng phát triển các ngành kinh tế chính liên quan đến hoạt động sản xuất NTTS.

2) Đã nêu và phân tích hiện trạng HTTL phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) vùng ven biển ĐBSCL, trong đó bao gồm hiện trạng hệ thống đê biển, đê cửa sông, đê sông và bờ bao, hiện trạng hệ thống kênh (các cấp), hệ thống cống và trạm bơm. Đề tài cũng đã nêu được hiện trạng HTTL nội đồng, hiện trạng sắp xếp, bố trí các công trình HTKT trong khu nuôi. Trên cơ sở hiện trạng, đề tài phân tích những tồn tại, bất cập của HTTL phục vụ NTTS (đến từng tiểu vùng - từ các dự án ngọt hóa trước đây). Đề tài cũng giới thiệu tóm lược một số nội dung chính về quy hoạch phát triển NTTS ven biển ĐBSCL, nêu quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển thủy sản, quy hoạch phát triển NTTS đến năm 2030 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Đồng thời cũng giới thiệu một số nét chính về quy hoạch thủy lợi phục vụ NTTS ven biển ĐBSCL (do SIWRP lập), các giảipháp thủy lợi thập trung chủ yếu vào phục vụ cấp, thoát nước nguồn (hệ thống),còn các giải pháp thủy lợi nội đồng chưa (hoặc ít) được đề cập.

3) Đề tài nghiên cứu xác định quy mô của HTTL nội đồng phục vụ NTTS ven biển.Đây là một trong những nội dung chính của đề tài, là nền tảng để xây dựng cuốn sổ tay hướng dẫn kỹ thuật thủy lợi nội đồng phục vụ nuôi tôm ven biển ĐBSCL. Vì vậy đề tài đã dành số trang báo cáo đáng kể để phân tích các khía cạnh khác nhau trong nội dung này. Từ những vấn đề cơ bản nhất, như: khái niệm các thuật ngữ, các hình thức nuôi tôm nước lợ phổ biến ở Việt Nam hiện nay, các các tiêu chí kỹ thuật cơ bản, các nguyên tắc chung của HTTL nội đồng cấp thoát và xử lý nước phục vụ nuôi tôm nước lợ. Trên cơ sở HTTL hiện trạng, chế độ thủy văn, thủy lực của dòng chảy ven biển chịu ảnh hưởng của thủy triều, kết hợp dòng chảy từ sông qua hệ thống sông kênh, đề tài đã đưa ra mô hình mặt bằng bố trí HTTL nội đồng nội đồng, từ kênh cấp, thoát nguồn đến khu nuôi, và khẳng định rằng về không gian (mặt bằng bố trí HTTL) tại ĐBSCL không thể tồn tại hệ thống cấp, thoát riêng biệt hoàn toàn (trừ bơm cấp trực tiếp từ biển), mà chỉ có thể cấp thoát riêng đến một cấp kênh nào đó sau đó phải chung. Tuy nhiên phải riêng biệt hoàn toàn theo thời gian (nghĩa là thời gian cấp, thoát phải riêng). Đề tài đã tính toán quy mô HTTL, trong đó phần quan trọng là tính toán xác định hệ số cấp, thoát nước cho nuôi tôm. Kết quả tính cho thấy lượng nước cấp cho nuôi tôm gấp nhiều lần so với cho lúa. Vì vậy, quy hoạch vùng nuôi tôm, điều quan trọng phải xác định đầu tiên là HTTL có thể đáp ứng được hay không. Vì dòng chảy vùng ĐBSCL là dòng không ổn định, khác rất nhiều cả về không gian cũng như thời gian, do đó, trên cơ sở hệ số cấp - thoát, đề tài đã hướng dẫn phương pháp, cách tính quy mô HTTL nội đồng cho vùng nuôi và cho từng loại hình thức nuôi.

4) Đề tài nghiên cứu xác định quy mô HTKT thủy lợi cấp, thoát và xử lý nước trong khu nuôi với từng hình thức nuôi. Đây cũng là một trong những nội dung nghiên cứu chính của đề tài. Để thực hiện được nội dung này, đề tài đã thực hiện nhiều chuyến khảo sát thực địa tại vùng nuôi ĐBSCL, đã thăm quan và học hỏi các mô hình nuôi tiên tiến hiệu quả trong và ngoài nước, đã phối hợp với các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế thực hiện thiết kế các mô hình mẫu. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề tài giới thiệu rất nhiều mô hình và cho tất cả các hình thức nuôi hiện có tại ĐBSCL để bà con nông dân, doanh nghiệp có nhiều phương án lựa chọn. Kết quả nghiên cứu này đã được đánh giá cao, đã "đánh đúng và đánh trúng" những mong mỏi của địa phương, người nuôi tôm. Đặc biệt, đề tài đã giới thiệu mô hình nuôi tôm của tập đoàn CP (tập đoàn NTTS đang chiếm thị phần lớn về NTTS tại Thái Lan, Phi Líp Pin, Ấn Độ v.v...) đang hoạt động sản xuất nuôi tôm hiệu quả tại Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí xây dựng HTKT cũng như cho quá trình nuôi là khá lớn và quy trình kỹ thuật nuôi khắt khe.

5) Đề tài giới thiệu một số công nghệ mới ứng dụng trong việc xây dựng và quản lý HTTL nội đồng, xây dựng HTKT khu nuôi. Nội dung này mang tính giới thiệu nhằm đưa đến cho người đọc (sau này đưa vào sổ tay hướng dẫn kỹ thuật), trong đó đặc biệt là doanh nghiệp, bà con nông dân tiếp cận được với công nghệ mới để có các phương án lựa chọn tốt nhất.

6) Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề tài đã đưa ra một ví dụ tính toán thiết kế HTKT thủy lợi cho một khu nuôi cụ thể tại huyện Cần Giờ, Tp.HCM. Với mô hình nuôi học hỏi từ mô hình CP (tập đoàn CP), kết quả cho thấy, để đầu tư xây dựng mới cho khu nuôi 5 ha chi phí khoảng 24 tỷ đồng (suất đầu tư xấp xỉ 5 tỷ đồng/ha, nếu tính trên diện tích ao nuôi khoảng 3,2 triệu đồng/m² ao nuôi), và với giá tôm khoảng 140.000 đ/kg, lợi nhuận thu được (chưa kể lãi vay và khấu hao thiết bị) khoảng 6,4 tỷ đồng/năm.

7) Đề tài đã được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia khoa học trong lĩnh vực thủy lợi, môi trường sinh thái, các chuyên gia từ địa phương có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, đề tài đã nhận được sự cộng tác nhiệt tình của các chuyên gia nuôi tôm nhiều kinh nghiệm đến từ Thái Lan (hiện đang là điểm sáng của thế giới về sự thành công trong lĩnh vực NTTS nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng). Chính vì thế các nội dung nghiên cứu và kết quả đạt được của đề tài rất phong phú, là những kết quả khoa học có tính mới và sáng tạo, đưa ra được những dạng kết quả và những kết luận chưa từng được công bố như nhu cầu nước rất lớn cho nuôi tôm trong từng thời điểm sinh trưởng, sự cần thiết phải bố trí, sắp xếp một cách khoa học các công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi vùng nuôi từ hệ thống cấp, thoát nguồn đến hệ thống ao trong khu nuôi để đảm bảo tính bền vững.

 

Như vậy, kết quả của đề tài là đóng góp về khoa học để nâng cao sự hiểu biết về tổng hợp nguồn nước, phong phú thêm các dữ liệu về khoa học công nghệ môi trường đồng thời góp phần phát triển hệ phương pháp luận trong nghiên cứu các vấn đề trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật thủy lợi nội đồng trong nuôi tôm ven biển theo hướng: tiếp cận đa mục tiêu, bền vững sinh thái, thích ứng với BĐKH và hiện đại hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới vùng ven biển. Các lĩnh vực khoa học, công nghệ có liên quan như: cấp, thoát và xử lý nước, giao thông nông thôn, kết cấu công trình, công nghệ vật liệu mới trong xây dựng cũng đã được giới thiệu để nghiên cứu lựa chọn vào việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thủy lợi nội đồng phục vụ nuôi tôm thân thiện và bảo vệ môi trường, phát triển, ổn định, bền vững sản xuất nuôi tôm vùng ven biển.  

 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13056-2016) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 4555

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)