Thứ sáu, 29/09/2017 08:36 GMT+7

Hoạt động của Đoàn giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XI) về phát triển khoa học, công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ tại tỉnh Kon Tum

Trong hai ngày 26-27/9/2017, Đoàn giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31/10/2012 về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Luật KH&CN năm 2013 do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Kon Tum để đánh giá về kết quả phát triển KH&CN gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương.

 

Toàn cảnh buổi làm việc.

Dự buổi làm việc có ông Lê Bá Trình - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí các Hội liên hiệp KH&KT Việt Nam, ông Lại Xuân Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, Đại diện Bộ Khoa KH&CN: ông Trần Văn Quang - Phó Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN Địa phương, ông Đỗ Hồng Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) và Luật KH&CN giai đoạn 2012 - 2017 tỉnh Kon Tum đã phê duyệt và triển khai thực hiện 53 nhiệm vụ KH&CN ở hầu hết các lĩnh vực. Công tác xây dựng nhiệm vụ triển khai thực hiện theo cơ chế đặt hàng, bám sát các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh gắn với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh.

Nhờ việc đầu tư về nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, quản lí, kinh doanh thời gian qua tỉnh Kon Tum đã thu nhận được những kết quả, hình thành và phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương làm gia tăng cả về giá trị, sản lượng. Công tác quản lý, điều hành trong các cơ quan nhà nước khi ứng dụng KH&CN đã tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm kinh phí, thời gian. Nhiều lĩnh vực liên quan đến KH&CN và lĩnh vực xã hội nhân văn đã thu được những kết quả đáng ghi nhận đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Thống kê, năm 2016 toàn Tỉnh có 16.607 ha cà phê, tăng 3.225,4 ha; 74.718 ha cao su, tăng 1.848,5 ha; 326 ha sâm Ngọc Linh; trên 25 dự án đầu tư đăng ký phát triển rau, hoa xứ lạnh tại huyện Kon Plông. Nhiều sản phẩm chủ lực của Tỉnh có các nhà máy chế biến như nhà máy chế biến đường, tinh bột sắn, cà phê, mủ cao su và một nhà máy chế biến các sản phẩm sâm Ngọc Linh do Bộ KH&CN làm chủ đầu tư.

Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin của Tỉnh đã tập trung triển khai ứng dụng công nghệ GIS trong các lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý đô thị; ứng dụng công nghệ GMS/GPRS để điều khiển và giám sát hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên địa bàn TP. Kon Tum; hệ hỗ trợ trực tuyến cảnh báo lũ cho lưu vực sông Đắk Bla, tỉnh Kon Tum; tập trung ứng dụng KH&CN vào sản phẩm chủ lực, nhất là các nhóm ngành, sản phẩm hàng hóa cao giá trị kinh tế cao để khai thác có hiệu quả các lợi thế và đặc thù của địa phương, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu như nhóm ngành kinh tế mũi nhọn như cao su, cà phê, sâm Ngọc Linh...

Đánh giá cao vai trò then chốt của KH&CN trong phát triển kinh tế, đặc biệt là một tỉnh còn nghèo như Kon Tum việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh để tạo nên những sản phẩm chủ lực, hàm chứa nhiều giá trị chất xám cho địa phương là điều rất cần thiết nhưng theo bà Trần Thị Tuyết - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Kon Tum cho rằng ngoài những kết quả đạt được, thì vẫn còn tồn tại hạn chế, đó là một số địa phương cấp ủy Đảng, chính quyền còn thiếu chỉ đạo, đôn đốc, quyết liệt.

Nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ còn ít, mỗi năm Qũy dành cho phát triển KH&CN chỉ khoảng 2 tỷ đồng; môi trường đầu tư chưa thuận lợi nên chưa tạo được động lực cho việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Cán bộ làm trong lĩnh vực khoa học, công nghệ trên địa bàn Tỉnh còn thiếu và yếu.

Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Kon Tum trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) và Luật KH&CN của Tỉnh ủy, UBND và các sở, ngành của tỉnh Kon Tum. Như công tác quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và các văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN trên địa bàn tỉnh Kon Tum làm rất nghiêm túc, bài bản và chủ động. Tỉnh Kon Tum đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương. Qua đó đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương...

Muốn khắc phục được những hạn chế thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TW, thời gian tới, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đề nghị tỉnh Kon Tum cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến về hành động đối với KH&CN của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội; có giải pháp nâng dần tỷ trọng đầu tư ngân sách cho phát triển KH&CN hàng năm (tối thiểu 2% tổng chi ngân sách) theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW; chính sách thu hút nguồn nhân lực, chuyên gia đầu ngành về khoa học và công nghệ để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum.

Nghiên cứu, hình thành đề án ban hành cơ chế, chính sách liên kết giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng của tỉnh với các tổ chức KH&CN ở trung ương trong các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực KH&CN. Thực hiện các nhiệm vụ nghiêu cứu khoa học theo phương thức đặt hàng, chuyển giao tri thức và tiến bộ khoa học kỹ thuật để thu hút nguồn nhân lực, chuyên gia đầu ngành về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

 Tiếp tục phát huy vai trò của Liên Hiệp Hội khoa học và kỹ thuật Tỉnh trong việc tập hợp, phát huy trí tuệ của các nhà trí thức để tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Kon Tum cần coi trọng các nhiệm vụ nghiên cứu hoạch định chính sách giải quyết các vấn đề thực tiễn quản lý đặt ra ở các ngành, các cấp, các địa phương của tỉnh, các nhiệm vụ nghiên cứu bảo đảm và thực thi quyền con người, các nghiên cứu về vấn đề tôn giáo, dân tộc, giới và bình đẳng giới, …; nghiên cứu, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học về các giá trị di sản văn hóa, tạo điều kiện cho các nghiên cứu, điều tra tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa phục vụ công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa và gắn với phát triển du lịch.

Đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ tại địa phương, ví như quỹ phát triển KH&CN; chương trình phát triển tài sản trí tuệ; đề án hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; phương án chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập theo nghị định 54, đây đang là các nội dung rất cần để thúc đẩy hoạt động KH&CN, nhất là khuyến khích các doanh nghiệp tham gia.

Chú trọng  hỗ trợ triển khai áp dụng KH&CN trong nông nghiêp, nhất là toàn bộ các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đảm bào kết nối, truy xuất, xử lý dữ liệu từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến đến tận mạng lưới tiêu thụ….

“Về những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Kon Tum liên quan đến những bất cập cơ chế, chính sách, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh ghi nhận và sẽ có kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, để tháo gỡ vướng mắc, tạo mọi điều kiện tốt nhất để làm sao KH&CN phải là then chốt, khâu đột phá để Kon Tum trở thành trung tâm ứng dụng nhân giống cây trồng, dược liệu của cả nước!”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh. 
 

Đoàn công tác đang tham quan dây chuyền sản xuất, chế biến nước giải khát sâm dây đóng lon tại Công ty TNHH Thái Hòa Kon Tum.

 

Sáng cùng ngày Đoàn công tác đã trực tiếp đi khảo sát, tham quan một số mô hình trồng, nhân giống cũng như dây chuyên sản xuất một số sản phẩm mang tính đặc trưng, ứng dụng công nghệ cao tại TP. Kon Tum (Kon Tum) và thăm Trung ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN Kon Tum). Tại đây Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh ghi nhận những kết quả và đánh giá rất cao sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ đang làm việc trong cơ quan, đơn vị. Ngoài việc cho ra đời các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, đơn vị phải chủ động hỗ trợ, giúp người dân phát triển vùng nguyên liệu để tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. 

“Với tiềm năng thế mạnh về khí hậu thổ nhưỡng, tỉnh Kon Tum và đặc biệt là Trung tâm ứng dụng KH&CN thời gian tới cần chủ động đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm ra thị trường, tăng thu nhập cho cán bộ trong cơ quan”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh lưu ý.

 

Nguồn: Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên

Lượt xem: 3568

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)