Thứ sáu, 22/09/2017 22:08 GMT+7

Công nghệ hạt nhân giúp các nước khu vực Đông Nam Á tăng cường sản xuất lúa gạo, ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngày 20/9/2017, Hội nghị “Công nghệ hạt nhân giúp các nước khu vực Đông Nam Á tăng cường sản xuất lúa gạo, ứng phó với biến đổi khí hậu” được tổ chức tại trụ sở Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Viên, Áo. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Sự kiện “Hệ thống sản xuất lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu (CRiPS)” do IAEA phối hợp với Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO) tổ chức bên lề Khóa họp Đại hội đồng IAEA (từ ngày 18-22/9/2017 tại Viên, Áo).

Các đại biểu tham dự Hội nghị gồm có: Ông Aldo Malavasi – Phó Tổng giám đốc IAEA kiêm Vụ trưởng Vụ Khoa học và Ứng dụng hạt nhân của IAEA, Ông Dazhu Yang - Phó Tổng Giám đốc IAEA kiêm Vụ trưởng Vụ Hợp tác kỹ thuật của IAEA, Ông Qu Liang – Trưởng Ban hợp tác IAEA/FAO về Kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp và lương thực, Bà Najat Mokhtar – Trưởng Ban Hợp tác kỹ thuật khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Vụ Hợp tác kỹ thuật của IAEA, đại diện quan chức, Đại sứ các nước khu vực Đông Nam Á, các chuyên gia và khách mời quốc tế. Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị gồm có ông Vũ Việt Anh - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Áo, TS. Hoàng Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, TS. Trần Thị Bích Ngọc – Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, TS. Nguyễn Trọng Khanh - Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

 

Là nơi sản xuất 90% lượng gạo của thế giới tuy nhiên các nước ở khu vực Châu Á trong những năm gần đây đang phải đối mặt với tình trạng biến động sản lượng lương thực do việc tăng nhiệt độ khí quyển đã kéo theo sự gia tăng của bệnh dịch, các loại côn trùng gây hại, các hiện tượng khí hậu cực đoan như lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng và xâm nhập mặn khu vực ven biển,…. Trong hoàn cảnh đó, công nghệ hạt nhân có khả năng giúp người nông dân ứng phó với tác động nhiều mặt của biến đổi khí hậu. Theo Bà Najat Mokhtar, ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân trong chọn tạo giống đột biến, quản lý đất, nước và dinh dưỡng cây trồng là các biện pháp nhằm giải quyết thách thức về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hiệp quốc. Trong những năm qua, IAEA/FAO đã hỗ trợ các nhà khoa học trong việc sử dụng các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị để phát triển các nghiên cứu về nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học tới từ các nước Malaysia, Philippine, Indonesia và Việt Nam đã đưa ra cảnh báo và các bằng chứng chứng tỏ tác động của biến đổi khí hậu sẽ gây ra những khủng hoảng về nước và lương thực đối với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, các chuyên gia tới từ các nước cũng giới thiệu kết quả nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phục vụ phát triển nông nghiệp của nước mình: Tại Philippine, các kỹ thuật đồng vị giúp người nông dân tiết kiệm hơn 4 triệu USD tiền phân bón, tăng 50% sản lượng gạo và giảm 35% lượng nước tưới mỗi mùa vụ; Indonesia với sự hỗ trợ của IAEA/FAO đã cho ra đời 22 giống lúa đột biến, 800.000 nông dân được hưởng lợi và sản xuất lương thực đủ cho 20 triệu người dân.

Theo TS. Nguyễn Trọng Khanh, Việt Nam là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong năm 2016, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng. Với ưu tiên hàng đầu là có khả năng đáp ứng với các mối đe dọa về lương thực và nông nghiệp trong tương lai, các kỹ thuật hạt nhân, kỹ thuật đồng vị đã được ứng dụng trong nông nghiệp và thu được nhiều kết quả. Kể từ năm 2012, thông qua việc áp dụng kỹ thuật đột biến phóng xạ, các nhà khoa học Việt Nam đã tạo ra 7 giống lúa đột biến gien có năng suất cao và chống chịu được các điều kiện khắc nghiệt, trên 300.000 nông dân Việt Nam đang được hưởng lợi từ những giống mới được phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo dự báo của Ông Qu Liang, nhu cầu lương thực toàn cầu sẽ tăng 60% vào năm 2050, trên 2/3 nạn đói của thế giới hiện nay xảy ra ở Châu Á – Thái Bình Dương. Ông Qu Liang cũng nhấn mạnh, các nước cần cam kết để đưa ra một giải pháp tối ưu cho khu vực và trên phạm vi toàn cầu nhằm tăng cường sản lượng lương thực trong hoàn cảnh đối mặt với biến đổi khí hậu.

 

Tại Việt Nam tính đến năm 2013, trên 50 giống cây trồng nông nghiệp bao gồm các giống lúa, đậu tương, bưởi, … được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến. Năm 2014, IAEA đánh giá Việt Nam là quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống. Bên cạnh ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong chọn tạo giống đột biến, kỹ thuật đồng vị sử dụng các đồng vị của Ni-tơ và Ô-xy cũng có tiềm năng rất lớn trong quản lý đất, nước và dinh dưỡng cây trồng, góp phần đáng kể giúp tiết kiệm phân bón và giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.

 

 

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 3021

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)