Thứ tư, 03/05/2017 10:59 GMT+7

Triển vọng trong công tác bảo tồn và phục tráng một số cây ăn quả đặc sản địa phương

Nổi tiếng là địa phương có nhiều sản phẩm đặc sản, có giá trị kinh tế, đặc biệt là các loại cây ăn quả được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, như: cam Trưng Vương, Quýt, Lê, Mận, Bưởi, hạt dẻ… Tuy nhiên, do trong quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch, nhiều bà con nông dân chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, mặt khác do thời gian trồng lâu năm nên các loại cây ăn quả bắt đầu thoái hóa, sâu bệnh hại phát triển đã làm giảm đáng kể chất lượng và năng suất của các loại cây ăn quả, diện tích trồng các loại cây ăn quả này tại một số địa phương đang dần bị thu hẹp.


 

Nhằm giải quyết vấn đề này, trong những năm gần đây, từ nguồn kinh phí sự nghiệp Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Sở KH&CN tỉnh Cao Bằng đã ký hợp đồng nghiên cứu với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh thực hiện nghiên cứu khoa học để bảo tồn và phục tráng một số loại cây ăn quả đặc sản của Tỉnh, từ đó đưa ra những giải pháp khoa học mới nhằm nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế cho cây ăn quả trên địa bàn Tỉnh.

Từ năm 2010 đến nay, Sở KH&CN tỉnh Cao Bằng đã tham mưu, trình UBND Tỉnh cho triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN để phục tráng bảo tồn và phát triển một số cây ăn quả tại địa phương, như đề tài: Ứng dụng công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng để phục tráng và phát triển giống cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, Hòa An, Cao Bằng; Ứng dụng công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng để phục tráng bản tồn và phát triển giống Quýt đặc sản Trà Lĩnh; Khai thác và phát triển nguồn gen lê Đông Khê, lê Nguyên Bình và lê Bảo Lạc; Nghiên cứu, phục tráng và phát triển giống mận đặc sản tại Cao Bằng; Ứng dụng công nghệ để phục tráng và phát triển sản xuất cam, quýt theo hướng sản xuất hàng hoá,...

Tất cả các đề tài nghiên cứu KH&CN được triển khai đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn do các ngành, địa phương đề xuất và đều hướng đến mục tiêu phục tráng, bảo tồn và phát triển các giống cây ăn quả đặc sản, sản xuất được giống sạch bệnh, xây dựng các mô hình trồng thâm canh, phòng và trị dịch hại trên cây ăn quả… Từ những kết quả nghiên cứu, triển khai thực hiện cho thấy, bà con nhân dân vùng triển khai dự án đều phấn khởi và tin tưởng chính quyền địa phương trong việc chuyển giao giống, quy trình khoa học kỹ thuật mới cho bà con, hiệu quả mang lại rất khả quan. Tuy nhiên, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lại chưa được người dân quan tâm đúng mức.

Chia sẻ về những kết quả đã đạt được trong phục tráng và phát triển các loại cây ăn quả, ông Hoàng Giang, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Cao Bằng cho biết “Trong thời gian qua, Sở KH&CN đã phối hợp với các ngành, địa phương, viện, trường ở Trung ương và địa phương nghiên cứu phát huy lợi thế của địa phương, trong đó phát triển một số loại cây ăn quả có múi và một số cây ăn quả đặc sản của địa phương, như: đã tiến hành phục tráng được giống bưởi Phục Hòa, cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, quýt Trà Lĩnh, Lê Đông Khê, mận chín sớm, mận chín muộn của tỉnh bằng công nghệ tiên tiến như công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng cho cây ăn quả có múi, bước đầu đã đem lại hiệu quả trong việc bảo tồn và phục tráng cây ăn quả; đặc biệt, việc phát triển cây ăn quả gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm đã được Ngành quan tâm triển khai thực hiện, Sở đã phối hợp với UBND huyện Trà Lĩnh xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể Quýt Trà Lĩnh,… việc phát triển các loại cây có lợi thế của địa phương đã và đang góp phần quan trọng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Tỉnh”.

Tại địa bàn huyện Hoà An, đã nghiên cứu và phục tráng thành công giống cam Trưng Vương, quýt Hà Trì từ đề tài: “Ứng dụng công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng để phục tráng và phát triển giống cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, Hòa An, Cao Bằng” do Viện nghiên cứu rau quả Trung ương chủ trì thực hiện. Đề tài đã tiến hành điều tra hiện trạng trồng và chăm sóc cây cam Trưng Vương và quýt Hà Trì; phân tích hiện trạng đất trồng; điều tra thành phần sâu bệnh hại chính trên 2 loại cây này. Tuyển chọn 2 cây ưu tú, lấy mắt ghép và vi ghép đỉnh sinh trưởng tạo cây mẹ đầu dòng sạch bệnh để lấy mắt ghép sản xuất cây giống. Tạo được 2 cây mẹ cam Trưng Vương đầu dòng, 2 cây mẹ quýt Hà Trì đầu dòng và 20 cây cung cấp mắt ghép sạch bệnh để khai thác mắt ghép sản xuất giống cây sạch bệnh. Tiến hành trồng 0,5 ha cam và 0,5 ha quýt từ nguồn giống cây sạch bệnh sử dụng mắt ghép của cây ưu tú khởi đầu được tuyển chọn tại địa phương; Xây dựng mô hình trồng cây mới, đồng thời cải tạo các vườn cam, quýt kém hiệu quả, áp dụng các biện pháp thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng… Kết quả nghiên cứu của đề tài đã giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm của địa phương.

Dự án “Ứng dụng công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng để phục tráng bảo tồn và phát triển giống quýt đặc sản Trà Lĩnh”, đã chọn được 04 cây mẹ đầu dòng và tiến hành vi ghép đỉnh sinh trưởng, tạo 50 cây quýt cung cấp mắt ghép S1 sạch bệnh; Xây dựng được 3 mô hình trồng mới, thâm canh và quản lý dịch hại, với quy mô 0,5ha/ 01 mô hình; Khôi phục vườn sản xuất quýt Trà Lĩnh kém hiệu quả, với diện tích 0,5 ha, hiệu quả kinh tế tăng 22% so với ban đầu; Tập huấn chuyển giao công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng cho 5 cán bộ kỹ thuật; tập huấn kỹ thuật trồng, thâm canh quản lý dịch hại cho gần 200 lượt người dân.

Cùng với việc bảo tồn và phục tráng thành công cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, quýt Trà Lĩnh, hiện nay, Sở KH&CN đang quản lý thực hiện 03 đề tài về phục tráng và phát triển sản xuất cam, quýt theo hướng sản xuất hàng hoá; khai thác và phát triển nguồn gen lê; phục tráng và phát triển giống mận đặc sản, với kinh phí hỗ trợ từ nguồn sự nghiệp KH&CN gần 5 tỷ đồng. Đến nay, các đề tài đã triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả bước đầu: Đã điều tra, đánh giá và bình tuyển được 20 cây mận ưu tú trên địa bàn các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Thạch An, Trà Lĩnh; bình tuyển được 15 cây lê vàng ưu tú của huyện Thạch An, Bảo Lạc, Nguyên Bình và 10 cây quýt ưu tú tại xã Hoa Thám huyện Nguyên Bình và xã Trọng Con huyện Thạch An; Đây là những cây trồng đáp ứng các tiêu chuẩn để làm cây vật liệu khởi đầu cho công tác bảo tồn nguồn gen và nhân giống, phát triển diện tích các loại cây trồng đặc sản.

Trao đổi về công tác bình tuyển cây ưu tú, ông Nguyễn Văn Nghiêm, Chủ nhiệm đề tài Khai thác và phát triển nguồn gen lê Đông Khê, lê Nguyên Bình và lê Bảo Lạc, Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm Hà Nội cho biết “do tập quán canh tác, cây lê trở nên già cỗi, sâu bệnh, năng suất, chất lượng của cây chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, vì vậy, trong quá trình nghiên cứu bảo tồn, phục tráng và phát triển các cây ăn quả, cần tổ chức bình tuyển các cây ưu tú phục vụ cho nhu cầu sản xuất, trồng mới và cải tạo vườn tạp. Trong khuôn khổ đề tài này, đơn vị chủ trì thực hiện đã lựa chọn được 15 cây lê vàng ưu tú để làm vật liệu khởi đầu cho sản xuất và mở rộng diện tích sản xuất, đây là các cây ưu tú đáp ứng các tiêu chuẩn bình tuyển như: giống cây lê vàng bản địa, có ít nhất 3 năm ra quả liên tục; năng suất cây cao hơn năng suất khu vực ít nhất 30%; quả to, khối lượng quả trung bình trên 300g (trên cây quả 300g chiếm tỷ lệ 70% trở lên), tỉ lệ sâu bệnh dưới 5%; quả có mã đẹp, đặc trưng, hương thơm tự nhiên; các chỉ tiêu sinh hóa như axit tổng số, đường tổng số, vitamin C, đường khử, … dưới tiêu chuẩn phân tích sinh hóa tốt nhất”.

Chia sẻ về những định hướng của ngành KH&CN trong việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp ông Hoàng Giang, Giám đốc Sở khoa KH&CN Tỉnh cho biết “trong thời gian tới, các chương trình phát triển KH&CN từ nay đến năm 2020 và trong giai đoạn tiếp theo sẽ chú trọng vào sản xuất nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương. Trong đó, Ngành KH&CN xác định các nhiệm vụ KH&CN sẽ tập trung ứng dụng tiến bộ KH&CN tiến tiến vào phục tráng, phát triển các loại cây ăn qủa, lúa đặc sản và một số cây dược liệu.. để nâng cao năng suất, chất lượng và tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao của địa phương, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển”.

Kết quả nghiên cứu của các đề tài sẽ bảo tồn, lưu giữ nguồn gen các loại cây ăn quả đặc sản của địa phương, việc nghiên cứu, phục tráng bảo tồn và phát triển được nguồn giống cây sạch bệnh, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, bảo đảm về năng suất và chất lượng sẽ góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng của địa phương. Tuy nhiên, để kết quả nghiên cứu của đề tài được ứng dụng vào thực tiễn, ngoài sự nỗ lực của ngành KH&CN, rất cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh, đặc biệt là các địa phương có các cá thể cây ưu tú cần được bảo tồn, để phát triển các loại quả đặc sản của địa phương thành hàng hoá có giá trị kinh tế cao trên thị trường trong và ngoài Tỉnh.

 

Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng

Lượt xem: 5243

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)