Thứ năm, 20/04/2017 15:35 GMT+7

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Công nghệ thông tin cần bước phát triển đột phá

Để tận dụng thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có rất nhiều việc nhưng một điều chắc chắn rằng chúng ta phải có bước phát triển mạnh mẽ, đột phá hơn rất nhiều 15 năm hay 20 năm trước đây về công nghệ thông tin (CNTT). Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Lễ công bố và trao Danh hiệu Sao Khuê năm 2017 và kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), diễn ra vào ngày 15/4, tại Hà Nội.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiện

 

Quá trình 15 năm xây dựng và phát triển với 4 kỳ Đại hội diễn ra năm 2002, 2005, 2010 và mới đây nhất là Đại hội lần IV năm 2016, VINASA đã trở thành một trong những tổ chức xã hội – nghề nghiệp có uy tín lớn nhất trong ngành CNTT với trên 350 doanh nghiệp hội viên, đa số là những doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam, chiếm tới trên 60% nhân lực và 70% doanh thu toàn ngành. Sự nỗ lực và những đóng góp của VINASA cho ngành công nghiệp CNTT và đất nước trong suốt 15 năm qua đã được ghi nhận xứng đáng: Bằng khen của Bộ Bưu chính Viễn thông năm 2005, 2006, 2016; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007, 2012; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2010; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2016. 

Một trong những hoạt động quan trọng nhất của VINASA trong suốt 15 năm qua là Chương trình Bình chọn Danh hiệu Sao Khuê. Giải thưởng Sao Khuê ra đời từ năm 2003, đến năm 2011 chuyển thành Danh hiệu Sao Khuê là một công cụ hỗ trợ rất hiệu quả cho các doanh nghiệp khẳng định chất lượng, thương hiệu của sản phẩm, dịch vụ. Từ đó đem lại niềm tin cho người sử dụng, góp phần quan trọng thúc đẩy người Việt Nam sử dụng sản phẩm, phần mềm CNTT của Việt Nam. Qua 14 năm triển khai, Sao Khuê đã trở thành thương hiệu của chất lượng và niềm tin cho người sử dụng. Sao Khuê đã được trao cho 669 sản phẩm và dịch vụ CNTT tiêu biểu của Việt Nam.

Danh hiệu Sao Khuê năm 2017 được chính thức phát động từ tháng 1/2017, qua 3 tháng triển khai, với 3 vòng đánh giá, thẩm định khắt khe, Ban tổ chức đã quyết định lựa chọn và trao cho 64 sản phẩm và dịch vụ xuất sắc, trong đó có 44 sản phẩm và 20 dịch vụ. Đặc biệt, danh hiệu TOP 10 Sao Khuê 2017 – Biểu tượng cao nhất về uy tín, chất lượng, quy mô – đã được trao cho 7 sản phẩm, 3 dịch vụ xuất sắc nhất. Các sản phẩm, dịch vụ TOP 10 Sao Khuê có quy mô lớn về doanh thu, số lượng người sử dụng, hiệu quả vượt trội trong giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội trong các lĩnh vực giáo dục, giao thông, thương mại điện tử; đem lại hiệu quả kinh tế cao; giúp xây dựng thương hiệu quốc gia của Việt Nam, làm thay đổi vị trí của Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới. Tổng doanh thu của TOP 10 Sao Khuê 2017 là 12.129 tỷ đồng, tương đương 539 triệu USD, cao hơn tổng doanh thu của toàn ngành năm 2008, chiếm trên 30% tổng doanh thu của toàn ngành phần mềm, nội dung số năm 2016; sử dụng nguồn nhân lực lên đến trên 16.700 người.
 


Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA phát biểu


Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho biết, con đường 15 năm qua của VINASA đầy khó khăn và thách thức. Chúng ta từ một ngành công nghiệp rất bé nhỏ và với muôn vàn nỗ lực và ý chí đã vươn lên xây dựng thành một kinh tế có độ tăng trưởng nhanh trong cả nước và chúng ta đã tăng được doanh thu lên 60 lần trong 15 năm qua và nguồn nhân lực tăng 30 lần, đạt trên 200.000 các kỹ sư CNTT. Việt Nam đã đứng thứ 8 trong danh sách các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm và dịch vụ CNTT. Hà Nội và Hồ Chí Minh đã đứng trong top 10 thành phố năng động nhất trên thế giới. Vai trò của ngành CNTT cũng như phần mềm được đánh giá rất cao như là hạ tầng của hạ tầng, phương thức phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hay Việt Nam mạnh về CNTT và mạnh bằng CNTT.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt Chính phủ, ghi nhận và biểu dương những đóng góp của VINASA, các doanh nghiệp hội viên cho sự phát triển của ngành CNTT và kinh tế đất nước trong suốt 15 năm qua. Phó Thủ tướng cũng chúc mừng các doanh nghiệp có các sản phẩm, dịch vụ được công nhận Danh hiệu Sao Khuê 2017, đồng thời kỳ vọng Danh hiệu Sao Khuê sẽ tiếp tục là nguồn khích lệ to lớn để tất cả các cá nhân, doanh nghiệp cùng tâm huyết và sáng tạo để phát triển CNTT, đưa ra được thật nhiều sản phẩm được ứng dụng rộng rãi trong xã hội, nền kinh tế và vươn ra thị trường quốc tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, toàn xã hội, những người làm CNTT và đặc biệt đại diện các đơn vị có nhiều sáng tạo và thành tích phát triển CNTT trong thời gian qua, chúng ta đứng trước một sứ mệnh rất vẻ vang nhưng cũng đầy thách thức. Trong những năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao về phát triển kinh tế xã hội trong đó có một phần rất quan trọng mang tính mở đường của CNTT mà trước hết thời gian đầu là ngành viễn thông. Giờ đây chúng ta đứng trước một thách thức, một mặt phát triển bền vững nhưng một mặt chúng ta phải đi nhanh hơn thì mới có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Để làm được việc này buộc phải khai thác bằng được những gì chúng ta tự nhận thấy và cũng được thế giới đánh giá là chúng ta có lợi thế. Một trong những lợi thế đấy là trí lực của người Việt Nam, liên quan đến và trực tiếp trong lĩnh vực CNTT.
 

Danh hiệu Sao Khuê 2017 được trao cho 64 sản phẩm, dịch vụ

 

 

 



 

Chính phủ đã bàn rất nhiều lần và gần đây nhất là bàn những việc cần phải làm để phát huy, tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chính phủ thống nhất rằng, một mặt chúng ta tuyên truyền để toàn xã hội biết về những thời cơ, thách thức của cuộc cách mạng này nhưng mặt khác quan trọng hơn là bằng những hành động rất thiết thực, cụ thể để tận dụng thời cơ, không nên chỉ nói về cuộc cách mạng này như một chủ đề khoa học hay là có tính thời sự quốc tế. Để làm được điều đó có rất nhiều việc nhưng một điều chắc chắn rằng chúng ta phải có bước phát triển mạnh mẽ, đột phá hơn rất nhiều 15 năm hay là 20 năm trước đây về CNTT.

Theo Phó Thủ tướng, về hạ tầng nhất thiết chúng ta phải phát triển mạnh mẽ hạ tầng thông tin băng rộng đến tất cả mọi ngõ ngách, tương tự như 20 năm trước đây chúng ta quyết liệt tiên phong đi đầu đề đưa thông tin di dộng về vùng núi, vùng nông thôn. Những hình ảnh xúc động ban đầu của những người nông dân đi bên cạnh con trâu mà cầm điện thoại di động, thì nay phải nâng lên, thông tin băng rộng phải về từng ngõ ngách, từ vùng núi, hải đảo, nông thôn đến mọi nơi. Các doanh nghiệp viễn thông đã có cam kết rất cụ thể với chính phủ về việc này, bằng việc ngay trong đầu năm nay, Việt Nam sẽ có một mạng thông tin 4G tầm cỡ, quy mô lớn trên thế giới. Chương trình quỹ viễn thông công ích sẽ tiếp tục được phát huy với mục tiêu đó, công ích trước đây chỉ là điện thoại, bây giờ phải là thông tin băng rộng.

Đối với lĩnh vực ứng dụng CNTT, nhất thiết tất cả các dịch vụ, trước hết là các dịch vụ công trong các cơ quan chính phủ đều sẽ phải được ứng dụng CNTT để vừa nâng cao hiệu quả, vừa nâng cao tính minh bạch để chống tiêu cực, chống tham nhũng trong bộ máy hành chính và chúng ta phải bắt đầu bằng những dịch vụ liên quan đến nhiều người dân nhất, ví dụ như giao thông, y tế, giáo dục và tất cả các dịch vụ có tính chi trả. Đặc biệt, chúng ta sẽ phải làm một việc phải có tính thay đổi cách mạng về đào tạo nhân lực CNTT để sao cho với một số lượng còn ít ỏi với trên 600.000 người làm trong lĩnh vực CNTT, trong đó trực tiếp làm CNTT chỉ có khoảng 300.000 người. Phải làm sao trong một thời gian ngắn nhất nâng con số này lên gấp đôi, gấp ba, giải quyết được câu chuyện, trong khi hàng trăm ngàn cử nhân, kỹ sư học các ngành nghề khác không tìm được việc làm thì CNTT, nhiều doanh nghiệp vẫn không có nhân lực. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải làm một việc hết sức quan trọng là phải có cơ chế chính sách thiết thực để các doanh nghiệp làm CNTT có được những sự hỗ trợ cần thiết về thị trường, tiếp cận nguồn lực, kể cả nguồn nhân lực và nguồn tài chính liên quan đến thuế, tín dụng, để có một bước phát triển trước hết là thị trường trong nước, sau đó vươn ra thị trường thế giới.

“Chúng tôi đang bàn với các hiệp hội, trong đó có VINASA phải làm sao bằng CNTT, chúng ta phổ biến được tri thức khoa học công nghệ ra toàn xã hội. Một dân tộc chỉ có thể mạnh nếu dân tộc đó nắm được tri thức của thời đại. Phải chăng bây giờ cũng là lúc chúng ta cần xóa mù về tri thức công nghệ, để làm sao trong một thời gian rất ngắn, tất cả người dân Việt Nam được trang bị những kiến thức, tri thức cần thiết để chúng ta góp phần cùng làm cho Việt Nam phát triển nhanh hơn và tất cả những điều ấy đặt ra cho chúng ta, những người làm CNTT một thách thức rất lớn nhưng cũng là một sứ mệnh”, Phó Thủ tướng chia sẻ./.

Liên kết nguồn tin: http://baocongthuong.com.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-cong-nghe-thong-tin-can-buoc-phat-trien-dot-pha.html

 

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 3840

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)