Thứ năm, 11/07/2024 12:11 GMT+7

Bổ sung, hoàn thiện các quy định của Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia

Nhằm phục vụ cho việc thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT), ngày 9/7/2024 tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo “Thực trạng tổ chức và hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia - những tồn tại, bất cập và kiến nghị”.
Toàn cảnh Hội thảo.
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Luật TC&QCKT được Quốc hội thông qua năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến TC&QCKT.
Luật được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo đó, cần hoàn thiện khung pháp lý về TC&QCKT, đánh giá sự phù hợp, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành TC&QCKT, quy trình đánh giá sự phù hợp, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại không cần thiết…
Thực tiễn hơn 17 năm thi hành, Luật TC&QCKT đã góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam đưa hoạt động trong lĩnh vực TC&QCKT dần được nâng lên về chất và lượng, phù hợp với quy định của WTO và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất kinh doanh… đòi hỏi Luật TC&QCKT cần bổ sung một số chính sách phù hợp. “Đổi mới về tổ chức, hoạt động của Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và nhân lực hoạt động trong hoạt động TC&QCKT là yếu tố quan trọng, mang tính động lực thúc đẩy cho hiện thực hóa các nhiệm vụ nêu trên” - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu tại Hội thảo.
Theo báo cáo của Bộ KH&CN, hiện có hơn 145 Ban Kỹ thuật, 54 tiểu Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia với 1.780 lượt chuyên gia tham gia xây dựng TCVN trong 83 lĩnh vực và tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều lĩnh vực, đóng góp một phần không nhỏ vào hoạt động phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam hiện là thành viên chính thức của 25 Ban kỹ thuật và tiểu Ban kỹ thuật quốc tế ISO và IEC, đồng thời tham gia với tư cách thành viên quan sát đối với 73 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế của ISO. Từ năm 2012 – 6/2024, các thành viên Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia tham gia góp ý hơn 4.600 dự thảo tiêu chuẩn quốc tế ISO (Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế), IEC (Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế) (có 2.927 dự thảo của ISO và 1.712 dự thảo của IEC) đã góp phần nâng cao tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong các diễn đàn tiêu chuẩn quốc tế và các tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn.
Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia được quy định tại Điều 16 Luật hiện hành với 3 khoản, trong đó quy định cụ thể về khái niệm, thành viên, nhiệm vụ. Tuy nhiên, Luật TC&QCKT chưa quy định đầy đủ một số cơ chế chính sách như: chính sách tôn vinh, khen thưởng thành viên Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia có thành tựu nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào hoạt động tiêu chuẩn hóa; cơ chế thu hút các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia… dẫn đến Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. 
Đồng chủ trì và điều hành tại Hội thảo, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị các đại biểu đại diện Ban Kỹ thuật và tiểu Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, hội, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề chính gồm: vai trò, trách nhiệm, quyền hạn, tổ chức hoạt động của Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia quy định trong Luật hiện hành (Điều 16); nguyên tắc, mô hình của Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế và các quy định của ISO đối với các thành viên; nguồn kinh phí hoạt động Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia; nâng cao năng lực cho thành viên Ban Kỹ thuật.
Theo đó, Hội thảo đã nhận được gần 30 ý kiến tham luận đến từ các đại biểu liên quan đến nhóm vấn đề nêu trên, đồng thời các đại biểu cũng kiến nghị cần bổ sung các cơ chế, chính sách để nâng cao năng lực, khuyến khích và tạo điều kiện cho các chuyên gia tham gia quốc tế để tối đa hóa đóng góp của các Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo. Đồng thời, đề nghị cơ quan chuyên môn có liên quan của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Bộ KH&CN tiếp thu đầy đủ nội dung góp ý để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT nói chung cũng như các quy định về Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia nói riêng.

Nguồn: Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc Gia

Lượt xem: 482

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)