Thứ ba, 06/12/2022 08:45 GMT+7

Làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống điều khiển chạy tàu ga điện khí tập trung

Chiều 24/11/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức phiên họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN độc lập cấp quốc gia: “Nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm hệ thống điều khiển chạy tàu ga điện khí tập trung ứng dụng công nghệ vi điều khiển” (Đề tài), mã số: ĐTĐLCN.12/17 do Viện Ứng dụng Công nghệ - Bộ KH&CN là Tổ chức chủ trì.

Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ do PGS.TS. Nguyễn Duy Việt, Trường Đại học Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Chủ tịch Hội đồng. Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng đánh giá, nghiệm thu; Ban Chủ nhiệm đề tài; đại diện cơ quan quản lý của Bộ KH&CN; đại diện Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường- Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đại diện tổ chức chủ trì và các đơn vị phối hợp thực hiện nhiệm vụ cùng một số khách mời là các nhà khoa học thuộc lĩnh vực liên quan.


 
Toàn cảnh buổi nghiệm thu.


Báo cáo tại buổi nghiệm thu, ThS. Đặng Quang Thạch- Chủ nhiệm Đề tài khẳng định, Đề tài đã đạt được các mục tiêu: làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống điều khiển chạy tàu ga điện khí tập trung ứng dụng công nghệ vi điều khiển; chế tạo và thử nghiệm hệ thống điều khiển chạy tàu ga điện khí tập trung ứng dụng công nghệ vi điều khiển cho ga 03 đường.
Sản phẩm của Đề tài gồm 02 hệ thống điều khiển chạy tàu hoàn chỉnh đang được thử nghiệm tại các ga Ấm Thượng và ga Đoan Thượng thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai. Trang thiết bị tại mỗi ga gồm có: hệ thống đếm trục gồm 12 bộ cảm biến kép và bộ xử lý trung tâm; hệ thống liên khóa vi điều khiển sử dụng kiến trúc an toàn 3 lấy 2 (2oo3); hệ thống đèn tín hiệu sử dụng công nghệ LED với tổng cộng 36 đèn tín hiệu các loại; đài điều khiển dành cho trực ban chạy tàu sử dụng giao diện đồ họa (HMI). Các trang thiết bị này được kết nối với nhau thông qua mạng truyền số liệu và các tuyến cáp điều khiển nội bộ trong ga. Hai ga kết nối với nhau bằng tuyến cáp quang có độ dài khoảng 10km. Hệ thống được thiết kế phù hợp tiêu chuẩn EN 50126, các phần mềm trong hệ thống được phát triển theo quy trình phù hợp tiêu chuẩn EN 50128, phần cứng và mạng truyền thông được xây dựng phù hợp tiêu chuẩn EN 50129.
Sản phẩm của Đề tài được thiết kế, chế tạo theo các công nghệ tiên tiến, các thiết bị trong hệ thống từ cảm biến đếm trục, đèn tín hiệu đến thiết bị liên khóa đều có khả năng tự động cập nhật trạng thái hoạt động qua mạng Internet theo mô hình IoT (Internet of Things). Số liệu thu được nhờ tính năng mới này giúp thực hiện việc giám sát thiết bị từ xa, xây dựng, triển khai các mô hình chẩn đoán, bảo trì thông minh và tương lai là tạo dựng các bản sao số (digital twin) của mạng lưới đường sắt quốc gia, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý kết cấu hạ tầng và tăng năng lực khai thác vận hành của hệ thống. Đèn tín hiệu sử dụng chip LED có tuổi thọ cao gấp hơn 10 lần đèn sợi đốt, ngoài ra, đặc tính tiêu thụ ít năng lượng của công nghệ LED sẽ giúp giảm chi phí vận hành và có ý nghĩa trong bảo vệ môi trường.
Kết quả đề tài này là một bước tiến quan trọng trong lộ trình tăng tỉ lệ nội địa hóa, làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, vận hành, duy tu, sửa chữa, thay thế các hệ thống tự động hóa điều khiển chạy tàu. Đề tài tạo ra các sản phẩm có khả năng thay thế sản phẩm cùng loại đang phải nhập từ nước ngoài, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư của nhà nước trong cài tạo, nâng cấp, xây dựng và bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, góp phần phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ đường sắt như mục tiêu đặt ra trong "Quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg, ngày 19/10/2021.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng ghi nhận kết quả của Đề tài, đồng thời đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Ban Chủ nhiệm đề tài đã hoàn thành đủ số lượng, khối lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu chất lượng theo thuyết minh, hợp đồng đã ký kết.
Kết thúc phiên họp, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu Đề tài ở mức “Đạt” và đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến góp ý, tiếp tục hoàn thiện báo cáo của Đề tài. Hội đồng kiến nghị Tổ chức chủ trì huy động đủ nguồn lực để thực hiện tiếp giai đoạn hoàn thiện công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, tiếp tục phối hợp với Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cùng với các đơn vị chức năng của Bộ Giao thông vận tải, Bộ KH&CN để xây dựng được các tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sản phẩm, đầu tư máy móc thiết bị, cơ sở hạ tầng và đạo tạo nhân lực đủ khả năng thực hiện việc đánh giá chất lượng, đánh giá mức độ tin cậy, an toàn của hệ thống, thiết bị đảm bảo điều kiện để sản phẩm của đề tài được ứng dụng trong thực tế.

 

Nguồn: Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật; Trung tâm NC&PT truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)