Thứ tư, 12/08/2020 15:32 GMT+7

Sản xuất thử giống lúa thuần kháng rầy nâu KR1 tại các tỉnh phía Bắc

Rầy nâu (Nilaparvata lugens Stal) là một trong số các côn trùng gây hại lúa nguy hiểm, làm giảm nghiêm trọng sản lượng lúa trồng ở hầu hết các nước trồng lúa trên thế giới. Từ những năm 70 dịch rầy nâu hại lúa đã nổi lên như một vấn đề thời sự trong nghề trồng lúa ở châu Á (Nguyễn Công Thuật, 1991). Ở Việt Nam, những thiệt hại do rầy nâu gây ra hàng năm làm giảm khoảng 10 % sản lượng lúa, đôi khi tới 30% hoặc hơn nữa tại vùng dịch, (Bộ Nông nghiệp và PTN (1998) có khi “cháy rầy” làm mất trắng như ở Bắc bộ năm 1986 - 1987, 1992 - 1993. Năm 2000 ở Bắc bộ hơn 2000 ha lúa bị nhiễm rầy, ở Nam Bộ vụ hè thu 2006 gần 100 nghìn ha lúa bị nhiễm rầy, vụ đông 2006 bị nhiễm rầy 150 nghìn ha, nhiều vùng trồng lúa cũng bị rầy phá hoại nặng. Ngoài tác hại trực tiếp, rầy nâu còn là môi giới truyền nhiễm bệnh virus cho lúa như bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá (Nguyễn Công Thuật, 1991). Cho đến nay, biện pháp chủ yếu để ngăn chặn dịch rầy nâu là sử dụng thuốc hoá học. Tuy nhiên, việc sử dụng tràn lan các loại thuốc trừ sâu hay sử dụng thuốc trừ sâu không đúng liều còn là nguyên nhân gây bùng phát của loại côn trùng này như kết quả của sự thích nghi có chọn lọc (Ngô Lực Cường và ctv, 1997). Sự thay đổi độc tính của các quần thể rầy nâu diễn ra thường xuyên để thích nghi với ký chủ mới, hoặc tạo ra các dạng “biotype” mới do sức ép chọn lọc và việc độc canh một giống lúa trồng. Chính vì vậy, việc sử dụng giống lúa kháng là biện pháp ưu việt góp phần giảm chi phí phòng trừ, hạn chế dùng thuốc hoá học gây ô nhiễm môi trường, góp phần ổn định môi trường sinh thái.


Hình ảnh kết quả sử dụng chỉ thị phân tử RM3367 xác định các mẫu giống mang gen kháng rầy BphZ. Giếng 1 là 25bp ladder, giếng 2 là giống SL12, giếng 3 là giống IS1.2, giếng 4-23 là các mẫu dòng G1, giếng 24-53 là các mẫu dòng G2 của giống lúa KR1

 

Nhu cầu về một giống lúa kháng rầy nâu cho các tỉnh phía Bắc Việt Nam là rất cấp thiết. Giống lúa KR1 kháng rầy nâu đã được Viện Di truyền Nông nghiệp chọn tạo và được công nhận giống tạm thời. Tuy nhiên, một giống lúa muốn phát huy được tiềm năng trong sản xuất cần nghiên cứu quy trình sản xuất với mật độ và nền phân bón thích hợp. Mật độ và phân bón là hai yếu tố quan trọng quyết định năng suất giống. Việc sản xuất thử giống lúa mới trước khi đưa vào phát triển sản xuất đại trà là rất cần thiết.

Để có thể đưa giống lúa này vào sản xuất nhằm đạt hiệu quả cao và làm giảm những tác hại do rầy nâu gây ra, nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì đề tài Viện Di truyền Nông nghiệp phối hợp với Chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Lưu Thị Ngọc Huyền tiến hành dự án “Sản xuất thử giống lúa thuần kháng rầy nâu KR1 tại các tỉnh phía Bắc” với mục tiêu Hoàn thiện được quy trinh sản xuất giống và quy trình kỹ thuật canh tác giống lúa kháng rầy nâu KR1 cho các tỉnh phía Bắc.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

1/ Đã hoàn thiện quy trình sản xuất hạt giống và quy trình canh tác cho giống lúa KR1.

2/ Đã sản xuất giống lúa các cấp SNC, NC, XN 1 giống lúa KR1, đạt 3,4 tấn giống KR1 siêu nguyên chủng, 137,5 tấn giống lúa nguyên chủng và 304,5 tấn giống lúa xác nhận 1 được cấp giấy chứng nhận chất lượng lô hạt giống đạt yêu cầu.

3/ Đã xác định chỉ thị phân tử liên kết tính kháng rầy nâu trong dòng siêu nguyên chủng, nguyên chủng giống lúa KR1.

4/ Đánh giá khả năng chống chịu của giống lúa KR1 với một số sâu bệnh hại chính cho thấy giống lúa KR1 có tính kháng cao với rầy nâu, kháng vừa với bệnh đạo ôn. bạc lá và nhiễm trung bình bệnh khô vằn.

5/ Kết quả xây dựng mô hình sản xuất thử cho thấy giống lúa KR1 có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, chống chịu rầy nâu tốt, chống chịu đạo ôn và bạc lá khá. Năng suất trung bình đạt khoảng 61,5 tạ/ha, Hiệu quả kinh tế của mô hìnhcho thấy trồng giống lúa KR1 kháng rầy nâu mang lại hiệu quả 1.764.000 VN đồng /1ha do không cần sử dụng thuốc diệt rầy nâu, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững môi trường.

6/ Đã tổ chức hội nghị đầu bờ, quảng bá và tập huấn kỹ thuật trồng KR1 cho 4 lớp tập huấn 240 người gồm 40 cán bộ kỹ thuật và 200 nông dân trồng giống lúa KR1 tại Công ty cổ phần Nông nghiệp Kỹ thuật cao Hải Phòng. Công ty cổ phần Giống cây trồng Thanh Hóa, Hợp tác xã Đại Đồng Thạch Thất Hà Nội.


*Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 14069/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3558

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)