Thứ hai, 24/05/2021 15:06 GMT+7

Sinh viên chế tạo trạm thu tín hiệu vệ tinh

Trạm thu tín hiệu vệ tinh do 5 sinh viên Đại học Việt Đức chế tạo, có phạm vi hoạt động tối đa hàng nghìn km, sản phẩm có thể thương mại hóa.

Trạm gồm một chảo parabol đường kính 1,8 m, có thể nâng cấp đến 3 m làm bằng kim loại, cao khoảng 2,3 m được coi là angten để thu tín hiệu vệ tinh. Tốc độ quay của chảo khoảng 3 độ mỗi giây, khả năng tải trọng tối đa 3.000N/m. Chảo có thể di chuyển tự động theo hai trục ngẩng và phương vị hướng được xác định. Ở tâm chảo là một bộ nhận tín hiệu là khối hình trụ tròn dài khoảng 10 cm, đường kính 4 cm bên trong là hệ thống mạch điện nhận tín hiệu phản xạ từ chảo.

Bộ nhận tín hiệu được coi là "trái tim" của trạm khi đảm nhận nhiệm vụ quan trong nhất là thu sóng và lọc nhiễu từ các loại sóng khác. Trạm thu tín hiệu vệ tinh được thiết kế cho để thu sóng ở tần số 2.4 MHz của hơn 20 vệ tinh bay xung quanh trái đất ở độ cao phổ biến khoảng 300 đến 400 km. Tuy nhiên, hệ thống angten có thể mở rộng của trạm có thể thu sóng của những vệ tinh ở khoảng cách hàng nghìn km. Hộp điều khiển của trạm thu tín hiệu vệ tinh là mạch điện điều khiển hệ thống chảo parabol, truyền dẫn dữ liệu. Tổng trọng lượng của trạm khoảng 200 kg.



Các thành viên nhóm tiến hành lắp đặt hệ thống chảo parabol của trạm thu tín hiệu vệ tinh. Ảnh: NVCC

 

Nhóm nghiên cứu lựa chọn tên vệ tinh muốn theo dõi, khi vệ tinh bay qua đường chân trời, angten sẽ tự động thu tính hiệu và gửi dữ liệu về phần mềm để phân tích. Vệ tinh có thể thu thập các dữ liệu ở tần số được công khai bởi cộng đồng đang sử dụng dữ liệu như nhiệt độ vệ tinh, hành trình bay, số ngày đã bay... Đây là những vệ tinh có nhiệm vụ dự báo thời tiết, quan trắc môi trường, viễn thám, đo đạc... "Các dữ liệu này hoàn toàn được cộng đồng trên toàn thế giới chia sẻ miễn phí. Nếu muốn có các dữ liệu khác từ các tần số khác của vệ tinh thì phải đặt vấn đề với nhà cung cấp để mua", thành viên nhóm nghiên cứu Võ Thành Đạt, 24 tuổi, sinh viên khoa kỹ thuật cơ khí Đại học Việt Đức, nói. Dữ liệu được chuyển về luôn ở dạng được mã hóa, nhóm sinh viên phải sử dụng các phần mềm để giải mã và cho ra các loại dữ liệu cụ thể.

Do làm chủ được công nghệ nên chi phí chế tạo và vận hành trạm thấp hơn so với các phiên bản thương mại khác. Tổng chi phí để nhóm thực hiện dự án khoảng 200 triệu đồng. "Nếu sản phẩm được tiếp tục cải thiện sẽ có giá cạnh tranh hơn nữa", đại diện nhóm nghiên cứu cho biết. Trạm thu tín hiệu vệ tinh đã thử nghiệm thực tế và đạt được kết quả khả quan với độ ổn định hệ thống cao. Hệ thống hiện có thể phát triển tối ưu hơn như: tối ưu hóa thuật toán định vị, cải thiện bộ phận điều khiển và hệ thống cơ học để tương thích nhiều loại ăng-ten hơn...



Hộp điều khiển và angten của trạm. Ảnh: Hà An

 

TS Võ Bích Hiển, giảng viên khoa kỹ thuật cơ khí, Đại học Việt Đức, người hướng dẫn nhóm cho biết, dự án được thực hiện trong 2 năm. Hệ thống điều khiển trực quan, có thao tác đơn giản nên trạm thu tín hiệu vệ tinh rất thân thiện với người dùng, đặc biệt là những ai chưa có kiến thức sâu về lĩnh vực thiên văn và vũ trụ. Trạm có thể được sử dụng giảng dạy trong các lĩnh vực về viễn thông; điều khiển tự động; thiết kế, mô phỏng và chế tạo cơ khí.

"Nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ để có thể thương mại hóa bằng hình thức cho các doanh nghiệp nước ngoài thuê theo dõi vệ tinh mà họ phóng lên với mức giá cạnh tranh hơn thay vì họ phải mang trạm thu tín hiệu sang Việt Nam", TS Hiển nói.


Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/sinh-vien-che-tao-tram-thu-tin-hieu-ve-tinh-4281806.html

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 3136

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)