Thứ bảy, 08/05/2021 23:32 GMT+7

Tiếp thêm sức sống cho thị trường KH&CN

Thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện nay chưa thực sự khuyến khích tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.


Thương mại hoá sản phẩm KH&CN từ các trường đại học còn thiếu hiệu quả. VGP/Hoàng Giang

 

Chiến lược phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2021-2030 được Bộ KH&CN xác định tập trung thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu, liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KH&CN với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính.


Giá trị giao dịch công nghệ tăng bình quân 22%/năm

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, trong những năm qua, thị trường KH&CN đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Tốc độ gia tăng giá trị giao dịch công nghệ bình quân giai đoạn 2011-2020 là 22% mỗi năm. Trong đó, một số ngành tăng trưởng cao, gồm điện, điện tử máy tính ở mức tăng trưởng 46%; ngành chế biến gỗ, giấy (29%), ngành chế biến thực phẩm (28%)...

Hiện tại cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Trong đó, số lượng các sàn giao dịch công nghệ cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ, nếu như trước năm 2015 chỉ có 8 sàn giao dịch công nghệ thì giai đoạn 2015-2020 đã hình thành được 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương, 1 sàn giao dịch vùng Duyên hải Bắc bộ, 1 sàn giao dịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn thành lập.

Cùng với việc phát triển các tổ chức trung gian truyền thống, các tổ chức kiểu mới cũng phát triển mạnh mẽ với 69 cơ sở ươm tạo, 28 chương trình thúc đẩy kinh doanh, loại hình không gian làm việc chung có 186 khu...

Hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ khu vực viện, trường có xu hướng chuyển biến tích cực. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho doanh nghiệp với doanh thu lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Điển hình trong giai đoạn 2009-2019, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh có doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ đạt khoảng 1.300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, sau 5 năm (2016-2020) triển khai thực hiện Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 (Chương trình 2075) đã phê duyệt 63 nhiệm vụ/500 đề xuất đăng ký với tổng kinh phí là 340 tỷ đồng, trong đó có 194 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (chiếm khoảng 55%), còn lại khoảng 45% nguồn kinh phí được đối ứng từ phía các doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, trên thực tế thị trường KH&CN trong nước chưa phát triển đúng với tiềm năng của nguồn cung, nguồn cầu.


Đặt nặng bài báo quốc tế, chưa chú trọng thương mại hóa

Tại Hà Nội, phát triển thị trường KH&CN là một trong những nội dung trọng tâm trong Chiến lược phát triển KH&CN của Thành phố. Tuy nhiên, theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, thị trường KH&CN của Thủ đô còn manh mún, chưa hội tụ đầy đủ các yếu tố của thị trường, hiệu quả chưa cao; vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt, nhất là các tổ chức có chức năng đánh giá, định giá công nghệ, xúc tiến và môi chuyển giao công nghệ…

Số lượng công bố khoa học quốc tế của Hà Nội đứng thứ 2 cả nước nhưng việc chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế. Việc nhân rộng mô hình nghiên cứu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp còn chậm.

Đến 30/11/2020, Sở KH&CN Hà Nội đã cấp đăng ký hoạt động cho 665 tổ chức KH&CN, khoảng 70% trong số này có đăng ký hoạt động “tư vấn chuyển giao công nghệ”. Tuy nhiên, theo báo cáo định kỳ (mỗi năm 1 lần) của các đơn vị gửi về không thấy kết quả hoạt động này.

Số lượng cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BI), cơ sở ươm tạo công nghệ, tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA) trên địa bàn còn ít do khung pháp lý các loại hình này chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện…

Từ góc độ viện - trường, TS. Đỗ Thị Hải Ninh, Giám đốc Đào tạo - Hợp tác quốc tế (Viện Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) bộc bạch: “Nghiên cứu muốn thương mại hóa được phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay các nghiên cứu của nhiều giảng viên, cả của tôi không xuất phát từ nhu cầu thị trường mà xuất phát từ hàn lâm, thành ra không thương mại hóa được".

TS. Đỗ Thị Hải Ninh cho rằng, tại Việt Nam việc thương mại hoá các kết quả nghiên cứu từ các trường đại học, các viện nghiên cứu vẫn còn thiếu hiệu quả, chưa nhận được sự quan tâm thích đáng từ các bên liên quan. Các trường đại học tại Việt Nam vẫn tập trung và coi là mục tiêu sống còn là thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Trong khi đó, tại các trường đại học trên thế giới và khu vực, hoạt động nghiên cứu là kim chỉ nam cho các hoạt động đào tạo, và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Điển hình như Isarel là một trong những quốc gia phát triển thành công việc thương mại hoá hoạt động KH&CN khi có khoảng 75% sáng chế được tạo bởi các trường đại học được đưa vào thương mại hoá.

Mặc dù các trường đại học của Việt Nam đã thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng chỉ có 5%-10% số đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất và kinh doanh.

Bên cạnh các vấn đề về nhiều kết quả nghiên cứu KH&CN chưa có tiềm năng thương mại hoá tốt, năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp còn thấp, môi trường kết nối giữa trường đại học và các doanh nghiệp còn kém thì cần xét tới vấn đề của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên viên vẫn có thói quen công bố mà chưa lắng nghe được tiếng nói của doanh nghiệp, chưa nắm được nhu cầu của thị trường, và đặc biệt là sự thiếu kiến thức về các vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, các quy định phân chia lợi nhuận trong các hoạt động chuyển giao KH&CN...

Giải "bài toán" thương mại hóa sản phẩm KH&CN, theo TS. Đỗ Thị Hải Ninh, cần xây dựng và hoàn thiện các trung tâm, tổ chức trung gian về KH&CN trong các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu. Việc đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa nhà trường - nhà quản lý - doanh nghiệp sẽ góp phần gia tăng giá trị thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ hơn nữa.

Còn theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, định hướng của Bộ KH&CN trong thời gian tới là ủng hộ các đề tài xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, làm sao để các giao dịch mua bán công nghệ trên các thị trường phải sôi động, đưa lên sàn chứng khoán, mua bán ở các sàn giao dịch công nghệ… tác động mạnh mẽ đến hoạt động của doanh nghiệp thì lúc đó mới có giá trị.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Tiep-them-suc-song-cho-thi-truong-KHCN/430599.vgp

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 3302

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)