Thứ ba, 29/12/2020 10:00 GMT+7

Phát triển công nghệ cốt lõi thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Theo các chuyên gia, dựa vào các giải pháp khoa học kỹ thuật, áp dụng các công nghệ cốt lõi, giúp cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp theo chiều sâu.

Tại tọa đàm trực tuyến về "Đổi mới sáng tạo toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam" chiều 16/12, do Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tổ chức, những sáng kiến nhằm mục tiêu thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam được đưa ra.

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã hình thành với đầy đủ các thành phần, chủ thể tham gia, giai đoạn tới cần tập trung phát triển theo chiều sâu và tạo nguồn startup dựa trên khoa học công nghệ. "Từ đó hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có sức mạnh về trí tuệ, nội lực và sức bật để bứt phá và phát triển bền vững", ông nói.
 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh chụp màn hình.
 

Theo Thứ trưởng, hệ sinh thái phát triển theo chiều sâu dựa trên áp dụng những kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, đặc biệt các công nghệ lõi để nâng cao chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. "Nhiều năm trước đây, nông nghiệp trong nước phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, nhân lực giá rẻ. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai khiến chất lượng nông sản, thu nhập người dân giảm xuống nếu không ứng dụng công nghệ", ông dẫn chứng và cho rằng đã công nghệ sẽ góp phần cải thiện những yếu tố khách quan.

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 59 trên thế giới và nằm trong top 20-25 hệ sinh thái hàng đầu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Để tận dụng vị thế này tạo đà thúc đẩy hệ sinh thái tại Việt Nam, theo ông Alex Orange, Giám đốc Cấp cao Quan hệ Đông Nam Á, Đài Loan và Thái Bình Dương của Tập đoàn Qualcom, việc phát triển công nghệ không thể tách rời với đổi mới sáng tạo bởi "đổi mới sáng tạo của hôm nay đều xuất phát từ những nền tảng công nghệ được xây dựng trước đây". Những công nghệ lõi được tập trung nghiên cứu và phát triển bao gồm sản xuất chip điện tử, công nghệ thực tế ảo, xử lý hình ảnh, phát triển truyền thông đa phương tiện trên nền tảng mạng 5G.

Ngoài ra, đại diện Qualcom cho biết, tập đoàn triển khai chương trình phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm thúc đẩy startup đổi mới sáng tạo, nuôi dưỡng startup trong giai đoạn ươm tạo."Chúng tôi hỗ trợ các startup Việt trong việc cung cấp công nghệ thay vì dành nhiều năm để nghiên cứu trong khi nguồn lực còn hạn chế. Ngoài ra, tư vấn và đào tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp hoặc kế hoạch công bố sản phẩm ra thị trường", ông Alex nói.
 

Các chuyên gia tham dự tọa đàm tại các điểm cầu. Ảnh: NX.
 

Việt Nam có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu và hoạt động tại Việt Nam là 108 quỹ. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) đều được cải thiện và đứng hạng cao trong số các nước đang phát triển.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh việc thiết lập các trụ cột gồm viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp để tăng cường mối liên kết viện - trường -doanh nghiệp trong đào tạo nguồn lực chất lượng cao cho hệ sinh thái. Trong đó, doanh nghiệp sẽ là đơn vị đặt hàng, chuyển giao sản phẩm công nghệ tại các trường, viện nghiên cứu. "Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho startup vươn xa bằng những chính sách như giảm thuế, hỗ trợ đầu tư, thương mại hóa sản phẩm", Thứ trưởng nói.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/phat-trien-cong-nghe-cot-loi-thuc-day-doi-moi-sang-tao-4207494.html

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 2513

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)