Thứ ba, 27/11/2018 10:37 GMT+7

Tăng cường năng lực xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các trường đại học và viện nghiên cứu

Ngày 26-11, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo “Xây dựng chính sách sở hữu trí tuệ cho các trường đại học và viện nghiên cứu”.


 

Hội thảo nằm trong các hoạt động thuộc Dự án “Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ” do WIPO hỗ trợ nâng cao năng lực sáng tạo, quản lý và thương mại hóa công nghệ của các nước đang phát triển. Hội thảo nhằm cung cấp cho các đại biểu các kiến thức quản trị tài sản trí tuệ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, xây dựng một chính sách sở hữu trí tuệ (SHTT) phù hợp cho các đơn vị, kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khác. Dự án “Khởi tạo môi trường SHTT” được thực hiện trong năm năm (2018 - 2022). Hoạt động của Dự án gồm đào tạo cán bộ cho mạng lưới, thiết lập liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với nhau và với các nhà đầu tư, góp phần hỗ trợ thương mại hóa sáng chế.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để mạng lưới trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học vận hành ổn định, giúp các trường đại học, viện nghiên cứu tăng cường năng lực xác lập quyền SHTT và chuyển giao công nghệ, chú trọng tăng số lượng sáng chế của Việt Nam. Trong những năm qua, trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam đã đóng góp nhiều cho sự phát triển KH&CN, các công bố quốc tế. Tuy nhiên, điểm yếu là chưa quen với cách bảo hộ tài sản trí tuệ. Số lượng đăng ký sáng chế hằng năm ở Cục SHTT có khoảng 200-300 đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam, nhưng chủ yếu các sáng chế ở khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, các trường đại học, viện nghiên cứu thiếu kinh nghiệm trong việc ký kết hợp đồng nghiên cứu với doanh nghiệp, nhất là các điều khoản về SHTT.

Tại hội thảo, các chuyên gia WIPO giới thiệu việc xây dựng chính sách SHTT cho các trường, viện nghiên cứu, giúp các viện, trường sẽ định hình được chính sách phù hợp với điều kiện của đơn vị mình và bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa các bên, khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ, hiểu rõ kết quả nghiên cứu nào nên đăng ký SHTT.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ triển khai các nội dung xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, phối hợp một số tập đoàn đa quốc gia trên thế giới xây dựng mô hình kết nối giữa trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp để hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo, từ đó giúp các nhà nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam tham gia xây dựng mạng lưới SHTT. Hiện nay, Bộ KH&CN đã kết nối được 30 trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Trong đó, có 12 đơn vị đã được WIPO chọn tham gia Dự án. Sắp tới, WIPO sẽ triển khai các hoạt động của Dự án để hỗ trợ các đơn vị phát triển tài sản trí tuệ đối với các công nghệ tạo ra.

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/38374402-tang-cuong-nang-luc-xac-lap-quyen-so-huu-tri-tue-cho-cac-truong-dai-hoc-va-vien-nghien-cuu.html

 

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 4805

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)