Thứ năm, 03/08/2017 10:56 GMT+7

Xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia

Trong thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã thực hiện tốt vai trò đầu mối giúp Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thống nhất quản lý nhà nước về SHTT. Trong đó, nổi bật là hoạt động quản lý về sở hữu công nghiệp, xây dựng các cơ chế, chiến lược phát triển lĩnh vực SHTT quốc gia.


Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Cục Sở hữu trí tuệ

 

Tại buổi lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Cục SHTT, tổ chức vào ngày 29-7, Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, hiện nay hệ thống pháp luật về SHTT cơ bản được hoàn thiện, tạo sự đồng bộ với hệ thống pháp luật về KH&CN cũng như hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung. Những nội dung về lĩnh vực SHTT đã phù hợp với chuẩn mực phổ cập của thế giới và đang hướng tới các chuẩn mực tiên tiến của thế giới theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tính đến hết năm 2016, Cục SHTT đã cấp 16.439 bằng độc quyền sáng chế, 1.469 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 23.145 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 274.560 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, 54 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Số lượng nhãn hiệu của người Việt Nam đã chiếm đến 68% số giấy chứng nhận nhãn hiệu được cấp ra, với 186.613 nhãn hiệu, đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Ngoài ra, chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ 61 sáng chế/giải pháp hữu ích, hỗ trợ áp dụng 11 sáng chế, hỗ trợ bảo hộ và quản lý quyền cho 109 sản phẩm đặc thù của địa phương, tổ chức tập huấn cho khoảng 30.000 lượt người và phát sóng hàng nghìn chương trình tuyên truyền về SHTT trên toàn quốc.

Nhờ sự đóng góp quan trọng của SHTT, Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) và Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (năm 2017 GII của Việt Nam tăng 12 bậc xếp 47/127).

Bên cạnh đó, Việt Nam là thành viên tích cực của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), đã có quan hệ hợp tác về SHTT khá hiệu quả với cơ quan SHTT của hầu hết các nước phát triển, tổ chức SHTT quốc tế và khu vực về SHTT, điển hình như: Cơ quan sáng chế châu Âu, Cơ quan SHTT châu Âu, Cơ quan sáng chế Nhật Bản, Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ, Cơ quan SHTT Hàn Quốc, Cơ quan sáng chế Trung Quốc… đã ký kết, tham gia gần 20 Điều ước quốc tế đa phương và song phương trong lĩnh vực SHTT và thực thi khá nghiêm túc, bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, hiện nay vẫn còn những tồn tại, bất cập và hạn chế đang cản trở sự phát triển, như: tình trạng tồn đọng đơn, tổ chức và hoạt động của hệ thống SHTT,…, đồng thời cũng nhận thức được những thách thức đối với lĩnh vực SHTT trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Qua đó, Bộ trưởng KH&CN đề nghị, Cục SHTT cần tập trung vào thực hiện một số nhiệm vụ: Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược SHTT quốc gia, bảo đảm chất lượng và tiến độ; xác định các giải pháp để nhanh chóng giải quyết tình trạng tồn đọng đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhất là cần tăng cường mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp; đổi mới mô hình hoạt động, nâng cao chất lượng công tác quản lý, tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao đời sống của cán bộ công chức, viên chức và người lao động…



Tổng Giám đốc Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) thăm Phòng tiếp nhận hồ sơ tại Cục SHTT, tháng 3-2017

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/33635102-xay-dung-chien-luoc-so-huu-tri-tue-quoc-gia.html

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 2694

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)