Thứ sáu, 23/06/2017 15:28 GMT+7

EU hỗ trợ Việt Nam trong phát triển năng lượng xanh

Việc thành lập Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) sẽ tạo ra cơ chế hợp tác mang tính sâu rộng, chặt chẽ; đẩy mạnh thu hút nguồn lực; tăng cường hiệu quả trong việc tham vấn về chính sách, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu về an ninh năng lượng, phát triển kinh tế-xã hội cũng như thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững.


Ảnh: VGP/Phan Trang

 

Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị cấp cao nhân dịp lễ ra mắt Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) diễn ra chiều 21/6 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trong bối cảnh chi phí công nghệ năng lượng tái tạo đang giảm, việc chuyển đổi năng lượng sang một nền kinh tế xanh hơn sẽ đóng góp vào chống biến đổi khí hậu bằng việc giảm nồng độ khí phát thải nhà kính tới mức an toàn. Việc sử dụng năng lượng hiệu quả, đặc biệt là sử dụng năng lượng tái tạo sẽ nâng cao chất lượng không khí cho người dân, giảm rủi ro chính trị bằng việc hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng như tạo ra phát triển xanh.

"Các cuộc tham vấn giữa các đối tác phát triển và cơ quan Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã khẳng định sự cần thiết của việc thành lập Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam. Sự ra đời của khuôn khổ này sẽ tạo ra một cơ chế hợp tác mang tính sâu rộng, chặt chẽ hơn; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực; tăng cường hiệu quả trong việc tham vấn cấp cao về chính sách, góp phần hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu về an ninh năng lượng, phát triển kinh tế-xã hội cũng như thực hiện các nỗ lực quốc gia và cam kết quốc tế về phát triển bền vững", Bộ trưởng nói.

Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: "Phát triển năng lượng bền vững là mục tiêu chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi cam kết mạnh mẽ sẽ cố gắng hết mức để giúp Việt Nam giải quyết thách thức này. Công việc này đòi hỏi một phương án toàn diện có tính đến những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đạt được nền kinh tế xanh hơn thông qua năng lượng bền vững là rất tốt đối với Việt Nam và vì vậy tốt với tất cả chúng ta".

Tuyên bố chung về phát triển năng lượng bền vững

Cũng trong ngày hôm nay, phái đoàn Liên minh Châu Âu cùng với Đức, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ireland, Italy, Luxembourg, Slovakia, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Việt Nam đã ký Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững.

Tuyên bố chung này nhằm tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của EU trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững gồm: “Bảo đảm việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người” và “có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó”.

Thông qua Tuyên bố chung, EU và 11 nước thành viên EU sẽ nỗ lực thực hiện 5 mục tiêu gồm:

Một là, tăng cường hơn nữa đối thoại với các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng thông qua việc thúc đẩy nguồn năng lượng tái tạo sạch và hiệu quả dành cho tất cả mọi công dân.

Hai là, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật dành cho Việt Nam để đạt được các mục tiêu đã đưa vào các chiến lược quốc gia, điều chỉnh tối ưu chính sách, thúc đẩy và chuẩn bị cho các dự án tăng cường năng lực có liên quan, trong đó có việc xác định nhu cầu đổi mới sáng tạo dành cho công nghệ năng lượng sạch và chuyển giao công nghệ giữa EU và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Ba là, giúp đỡ Việt Nam trong việc xác định và giới thiệu các dự án năng lượng tiềm năng có thể được tài trợ với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, nhằm cải thiện sự cung cấp và tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ năng lượng hiện đại và carbon thấp.

Bốn là, hỗ trợ nâng cao sự tiếp cận với các giải pháp cấp điện ngoài lưới.

Năm là, tăng cường sự huy động khu vực tư nhân cũng như các hiệp hội và tổ chức phi chính phủ vào lĩnh vực năng lượng thông qua việc tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, các chương trình tu nghiệp lĩnh vực công nghiệp, và các hoạt động xây dựng năng lực chiến lược nhằm cung cấp thông tin và thu hút khu vực tư nhân và các tổ chức tài trợ hướng tới các hoạt động đầu tư vào năng lượng bền vững tại Việt Nam.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương cam kết, Việt Nam sẽ tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực năng lượng hiện đại và bền vững; dẫn dắt và điều phối đối thoại thông qua chương trình chỉ đạo về năng lượng bảo đảm sự minh bạch thông tin liên quan tới việc cấp vốn và chuẩn bị dự án trong lĩnh vực này; tiếp tục quá trình thực hiện các cải cách về quy định và pháp luật, xây dựng một môi trường phù hợp nhằm thúc đầy đầu tư tư nhân, khuyến khích sự rút dần các khoản trợ cấp làm méo mó thị trường và các khoản trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch, đồng thời hỗ trợ cho các mô hình kinh doanh có hiệu quả kinh tế.

Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy sự minh bạch trong việc thực hiện các chương trình đầu tư công và bảo đảm một khoảng thời gian chuẩn bị đủ dài dành cho các dự án đóng góp vào các chương trình này, thúc đẩy việc sử dụng các công nghệ năng lượng bền vững và các giải pháp năng lượng hiệu quả với mục tiêu hạn chế những tác động tiêu cực đối với khí hậu và môi trường từ việc sản xuất và sử dụng năng lượng.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/EU-ho-tro-Viet-Nam-trong-phat-trien-nang-luong-xanh/309223.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 2902

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)