Thứ bảy, 12/12/2020 22:46 GMT+7

Cuộc đua vaccine Covid-19 trên thế giới

Vaccine do Pfizer và BioNTech phát triển đang giữ vị trí dẫn đầu trong cuộc đua vaccine Covid-19 toàn thế giới.

Hôm 18/11, Pfizer, công ty dược phẩm Mỹ và đối tác BioNTech, công ty nghiên cứu của Đức là đơn vị đầu tiên trên thế giới công bố toàn bộ dữ liệu thử nghiệm vaccine Covid-19 giai đoạn cuối.

Anh là nước đầu tiên trên thế giới cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer/BioNTech vào 3/12, tiếp theo là Canada hôm 9/12 và Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 11/12.
 

Một y tá cầm lọ vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech tại Bệnh viện Đại học trong ngày đầu tiên của chương trình tiêm chủng diện rộng tại Anh hôm 8/12. Ảnh: Reuters
 

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) sẽ hoàn tất quy trình đánh giá vào 29/12, còn Ấn Độ đang đẩy nhanh quy trình đánh giá. Điều này khiến Pfizer/BioNTech giữ vị trí dẫn đầu trong cuộc đua vaccine Covid-19 trên thế giới.

Công ty dược phẩm Moderna của Mỹ giữ vị trí thứ hai sau khi công bố đầy đủ phân tích dữ liệu thử nghiệm giai đoạn cuối hôm 30/11, cho thấy vaccine có hiệu quả 94,1%. Các cố vấn của FDA sẽ đánh giá vaccine của Moderna vào 17/12 và EMA sẽ đánh giá trước 12/1.

Ngoài ra, AstraZeneca của Anh cũng đang nộp đơn xin phê chuẩn vaccine của mình sau khi công bố dữ liệu thử nghiệm sơ bộ giai đoạn cuối vào 23/11. Vaccine của AstraZeneca có tỷ lệ hiệu quả trung bình 70% và nhiều nhất là 90% đối với một nhóm nhỏ những người tham gia thử nghiệm được tiêm lần đầu nửa liều và lần sau đủ liều.

Tuy nhiên, chưa rõ cơ quan quản lý sẽ giải quyết thế nào với những liều lượng khác nhau trong dữ liệu đánh giá hiệu quả vaccine. Trong khi Ấn Độ đang tiến hành đánh giá cấp tốc, giới chức Ấn Độ cũng yêu cầu AstraZeneca cung cấp thêm dữ liệu. Công ty này cũng đang đàm phán với EMA, cơ quan đang tiến hành rà soát sớm vaccine này.

Johnson & Johnson, nhà sản xuất dược phẩm Mỹ, lên kế hoạch công bố dữ liệu thử nghiệm trong năm nay hoặc đầu năm 2021 với mục tiêu được FDA cấp phép vào tháng hai nếu chứng minh được tính hiệu quả. Công ty đã giảm danh sách tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng từ 60.000 xuống 40.000 hôm 9/12 để đẩy nhanh tốc độ đánh giá.

Công ty Novavax của Mỹ đang thử nghiệm giai đoạn cuối ở Anh và dự kiến thu thập đầy đủ dữ liệu vào quý đầu năm 2021. Công ty dự kiến bắt đầu thử nghiệm quy mô lớn tại Mỹ trong tháng này.

Sanofi của Pháp và GlazoSmithLkine của Anh hôm 11/12 thông báo hoãn ra mắt vaccine. Hai nhà sản xuất dược cho hay kết quả cho thấy phản ứng miễn dịch ở người lớn tuổi trong thử nghiệm giai đoạn hai không cho kết quả như mong đợi và họ sẽ bắt đầu một nghiên cứu mới vào tháng hai.

Các công ty thường thử nghiệm vaccine của mình cùng với giả dược, thường là dung dịch nước muối, trên tình nguyện viên khỏe mạnh để xem tỷ lệ nhiễm nCoV ở những người được tiêm vaccine có thấp hơn đáng kể so với những người tiêm giả dược hay không.

Thử nghiệm dựa trên những đối tượng nhiễm nCoV một cách tự nhiên, vì vậy việc mất bao lâu để thu được kết quả phần lớn phụ thuộc vào tốc độ lây lan của virus ở những nơi tiến hành thử nghiệm. Mỗi nhà sản xuất thuốc đều hướng tới mục tiêu lây nhiễm số lượng nhất định để tiến hành phân tích dữ liệu đầu tiên.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vaccine phải chứng minh được tính hiệu quả ít nhất 70%. Còn FDA muốn ít nhất 50%, nghĩa là vaccine phải chứng minh tính hiệu quả ở ít nhất 50% số lượng người được tiêm. EMA tuyên bố có thể chấp nhận mức hiệu quả thấp hơn.

Dù vaccine của Pfizer là loại được triển khai diện rộng đầu tiên sau khi công bố dữ liệu thử nghiệm đầy đủ giai đoạn ba, Nga và Trung Quốc đã tiêm chủng cho công dân của mình nhiều tháng trước, khi một số loại vaccine đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn cuối.

Nga hôm 24/11 cho hay vaccine Sputnik V do Viện Gamaleya phát triển cho thấy hiệu quả 91,.4% theo dữ liệu sơ bộ thử nghiệm giai đoạn cuối. Nga bắt đầu tiên chủng cho người dân từ tháng 8 và đã tiêm được hơn 100.000 người.

AstraZeneca hôm 11/12 cho biết sẽ kết hợp thử nghiệm vaccine của mình với một trong hai thành phần của vaccine Sputnik V của Nga để nâng cao hiệu quả vaccine mà họ phát triển cùng đại học Oxford.

Trung Quốc đã khởi động chương trình sử dụng khẩn cấp hồi tháng 7 với những người làm việc trong ngành nghề thiết yếu và có nguy cơ lây nhiễm cao. Đến giữa tháng 11, Trung Quốc đã tiêm chủng cho khoảng một triệu người với ba loại vaccine, trong đó hai loại của công ty nhà nước Tập đoàn Công nghệ Sinh học Quốc gia Trung Quốc (CNBG) và một loại của Sinovac Biotech.

Sionovac hôm 18/11 cho hay kết quả thử nghiệm giai đoạn hai cho thấy vaccine CoronaVac của họ kích hoạt phản ứng miễn dịch nhanh và dữ liệu sơ bộ về thử nghiệm giai đoạn cuối có thể sẽ được ông bố trong năm nay.

Viện Butantan, trung tâm y sinh của Brazil, đang sản xuất CoronaVac và đặt mục tiêu sản xuất một triệu liều mỗi ngày trước khi triển khai chiến dịch vaccine vào cuối tháng một.

Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất hôm 9/12 thông báo một trong những loại vaccine của CNBG cho hiệu quả 86% dựa trên kết quả sơ bộ giai đoạn cuối tại quốc gia vùng Vịnh này.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/cuoc-dua-vaccine-covid-19-tren-the-gioi-4205357.html

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 3916

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)