ThS. Đỗ Việt Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN là chủ nhiệm nhiệm vụ. Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Hội đồng nghiệm thu do ThS. Nguyễn Mạnh Quân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN làm Chủ tịch Hội đồng.
Ông Đinh Việt Bách trình bày báo cáo
Tại buổi nghiệm thu, Ông Đinh Việt Bách, thành viên nhóm nghiên cứu đã báo cáo các kết quả nghiên cứu khoa học mà nhóm nghiên cứu đã thực hiện trong thời gian qua, gồm một số vấn đề lý luận về quy hoạch; kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam về hoàn thiện mạng lưới tổ chức KH&CN công lập; phân tích, đánh giá thực trạng mạng lưới tổ chức KH&CN công lập của Việt Nam; quan điểm, mục tiêu phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập ở Việt Nam hiện nay và đề xuất các giải pháp phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Từ việc nghiên cứu các minh chứng thực tế thông qua kinh nghiệm nước ngoài, nhóm nghiên cứu đã rút ra các bài học mà Việt Nam có thể vận dụng trong quá trình hoàn thiện mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập, đó là: (1) Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập được tiến hành đồng thời với việc tái cấu trúc, đổi mới cơ chế tài trợ, tăng cường tự chủ của các viện NC&PT công lập; (2) Đối với các tổ chức NC&PT công lập trực thuộc các bộ, ngành ở trung ương cần cơ cấu lại các viện và phải tiến hành từng bước; (3) Nhà nước thay đổi nguyên tắc tài trợ cho NC&PT bằng việc xếp hạng các viện NC&PT trên cơ sở đánh giá trực tiếp từng viện và có thái độ dứt khoát với các viện này, đặc biệt là các viện có chức năng gắn với sản xuất công nghiệp; và (4) Định kỳ (3-5 năm) xem xét, đánh giá hoạt động của tổ chức KH&CN theo hướng ưu tiên quốc gia từng giai đoạn, từng loại hình nghiên cứu để điều chỉnh.
Trên cơ sở khảo sát hoạt động của mạng lưới các tổ chức KH&CN của Việt Nam tại 63 tỉnh/thành và 39 đầu mối là các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các nhận định: Số lượng các tổ chức KH&CN nhiều, còn trùng lặp về chức năng; phân bố không đều giữa các vùng, miền; còn hạn chế về tiềm lực (nhân lực, vật lực, tài lực, tin lực); chất lượng nghiên cứu hạn chế, hiệu quả đóng góp thấp; kinh phí đầu tư dàn trải,…Do vậy, quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập là vấn đề mang tính cấp thiết và được xác định là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý các tổ chức KH&CN hiện nay, quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập nằm trong tổng thể quy hoạch các tổ chức sự nghiệp công lập, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia cũng như chiến lược phát triển KH&CN.
Để hoàn thiện mạng lưới tổ chức KH&CN công lập của Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã đề xuất ba nhóm giải pháp, cụ thể là: (1) Nhóm giải pháp về quản lý và tổ chức; (2) Nhóm giải pháp về phát triển nhân lực KH&CN; và (3) Nhóm giải pháp về đầu tư và tài chính. Việc hoàn thiện mạng lưới tổ chức KH&CN công lập sẽ được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 2016–2020; giai đoạn 2021-2030.
Toàn cảnh buổi sinh hoạt khoa học tại Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN
Đánh giá kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ, Hội đồng đánh giá cho rằng đây là đề tài được nghiên cứu một cách công phu, nghiêm túc, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn cao, nhất là kết quả nghiên cứu của đề tài đã đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Đề án Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đồng thời góp phần trực tiếp vào việc hỗ trợ thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ KH&CN theo phân công của Chính phủ. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu phù hợp yêu cầu tính chất đề tài, các phương pháp nghiên cứu phù hợp, đảm bảo độ tin cậy, khách quan. Các mục tiêu và yêu cầu cơ bản đặt ra đã được thực hiện thành công.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp có tính khả thi về việc hoàn thiện mạng lưới tổ chức KH&CN công lập của Việt Nam. Tuy nhiên, cần lưu ý bổ sung và chỉnh sửa một số khái niệm, thuật ngữ cho chính xác và phù hợp hơn. Về cơ bản, đề tài đáp ứng và phù hợp với mục tiêu nhiệm vụ đề ra, kết cấu của đề tài phù hợp với một nhiệm vụ nghiên cứu khoa học./.