Thứ hai, 29/04/2024 05:47 GMT+7
Điều 3.I.1.41: Xử lý đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam và đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu chỉ định Việt Nam

(Điểm 41, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 được sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/7/2010)

1. Các thủ tục đối với đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam

Các quy định về thủ tục xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu quy định tại Phần này cũng được áp dụng để xử lý đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.

2. Quyền đăng ký quốc tế nhãn hiệu dựa trên đăng ký nhãn hiệu cơ sở tại Việt Nam

a) Người đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam có quyền đăng ký quốc tế nhãn hiệu tương ứng theo Thoả ước Madrid;

b) Người đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam và người đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam có quyền đăng ký quốc tế nhãn hiệu tương ứng theo Nghị định thư Madrid.

3. Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam

a) Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu chỉ định nước muốn được đăng ký bảo hộ là thành viên Thoả ước Madrid và không chỉ định bất kỳ nước nào là thành viên Nghị định thư Madrid phải được làm bằng tiếng Pháp.

b) Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu chỉ định ít nhất một nước là thành viên Nghị định thư Madrid, kể cả đồng thời chỉ định nước là thành viên Thoả ước Madrid phải được làm bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.

c) Người nộp đơn phải nộp tờ khai yêu cầu đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo mẫu số 3.I.14 Phụ lục 3.I kèm theo Đề mục này và đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo mẫu do Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp miễn phí. Trong tờ khai cần chỉ rõ các nước là thành viên Thoả ước Madrid (có thể đồng thời là thành viên Nghị định thư Madrid) và nước chỉ là thành viên Nghị định thư Madrid mà người nộp đơn muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu phải được làm bằng cách điền chính xác, đầy đủ thông tin vào các mục dành cho người nộp đơn và phải gắn kèm các mẫu nhãn hiệu đúng như mẫu nhãn hiệu đã được đăng ký tại Việt Nam.

d) Người nộp đơn cần tính sơ bộ tổng số phí, lệ phí theo biểu lệ phí in trên mẫu đơn hoặc có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ thông báo chính xác số phí, lệ phí cần phải nộp cho Văn phòng quốc tế. Người nộp đơn phải thanh toán trực tiếp các khoản phí, lệ phí đó cho Văn phòng quốc tế và phải nộp thêm các khoản lệ phí, phí liên quan theo quy định cho Cục Sở hữu trí tuệ.

e) Người nộp đơn phải bảo đảm các thông tin (đặc biệt về tên, địa chỉ của người nộp đơn, hàng hoá, dịch vụ và phân nhóm hàng hoá, dịch vụ) khai trong đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu là chính xác, kể cả về ngôn ngữ, dịch thuật và thống nhất với các thông tin ghi trong giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cơ sở hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu cơ sở tương ứng. Người nộp đơn có trách nhiệm nộp các khoản lệ phí phát sinh liên quan đến sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu do việc khai báo các thông tin không chính xác hoặc không thống nhất theo thông báo của Văn phòng quốc tế.

g) Mọi thư từ, giao dịch liên quan đến đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá đều được thực hiện thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm thông báo kịp thời các yêu cầu của người nộp đơn cho Văn phòng quốc tế và ngược lại, tuân theo quy định của điều ước quốc tế liên quan.

4. Cơ quan nhận đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam

a) Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu được nộp cho Văn phòng quốc tế thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm chuyển đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu cho Văn phòng quốc tế trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đủ tài liệu đơn hợp lệ theo quy định.

b) Ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu sẽ được coi là ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu trong trường hợp Văn phòng quốc tế nhận được đơn đó trong vòng 02 tháng kể từ ngày ghi trên dấu nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ. Trường hợp đơn không được người nộp đơn hoàn thiện để gửi đến Văn phòng quốc tế trong thời hạn nói trên thì ngày nhận được đơn tại Văn phòng quốc tế sẽ được coi là ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu.

5. Bổ sung, sửa đổi, chuyển nhượng đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu, đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam

a) Sau khi đơn được nộp cho Văn phòng quốc tế, mọi giao dịch giữa người nộp đơn và Văn phòng quốc tế liên quan đến việc sửa đổi tên, địa chỉ, hạn chế danh mục hàng hoá, dịch vụ ghi trong đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu, đăng ký quốc tế nhãn hiệu, gia hạn hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu được làm theo mẫu số 3.I.16 Phụ lục 3.I kèm theo Đề mục này và đều thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Người nộp đơn phải nộp các khoản phí, lệ phí cho các giao dịch đó theo quy định.

b) Chủ sở hữu nhãn hiệu phải thông qua Cục Sở hữu trí tuệ (hoặc có thể trực tiếp yêu cầu Văn phòng quốc tế đối với đăng ký quốc tế nhãn hiệu tại nước chỉ là thành viên Nghị định thư Madrid) để yêu cầu Văn phòng quốc tế ghi nhận việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu theo đăng ký quốc tế nhãn hiệu, tuân theo quy định của điều ước quốc tế liên quan và phải nộp các khoản phí, lệ phí theo quy định.

6. Xử lý đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam

a) Sau khi nhận được thông báo của Văn phòng quốc tế về đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thẩm định nội dung đơn theo thủ tục áp dụng đối với đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trực tiếp cho Cục Sở hữu trí tuệ. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Văn phòng quốc tế ra thông báo, Cục Sở hữu trí tuệ có kết luận về khả năng bảo hộ của nhãn hiệu.

b) Đối với nhãn hiệu có khả năng được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp, ghi vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra quyết định. Phạm vi (khối lượng) bảo hộ được xác nhận theo nội dung yêu cầu đăng ký quốc tế nhãn hiệu đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ghi nhận và được Cục Sở hữu trí tuệ xác nhận.

c) Đối với nhãn hiệu không có khả năng bảo hộ hoặc bị từ chối từng phần thì trước khi kết thúc thời hạn 12 tháng nói trên, Cục Sở hữu trí tuệ gửi thông báo bằng văn bản về việc từ chối đơn cho Văn phòng quốc tế để thông báo cho người nộp đơn, có nêu rõ lý do và nội dung từ chối.

d) Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ gửi thông báo từ chối, người nộp đơn có quyền khiếu nại thông báo từ chối của Cục Sở hữu trí tuệ. Thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện như đối với đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trực tiếp cho Cục Sở hữu trí tuệ. Kết quả giải quyết khiếu nại được Cục Sở hữu trí tuệ thông báo cho Văn phòng quốc tế và cho người nộp đơn.

e) Kể từ ngày đăng ký quốc tế nhãn hiệu được thừa nhận bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam, theo yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam, với điều kiện người yêu cầu nộp lệ phí theo quy định.

7. Gia hạn hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam

Trong thời hạn 06 tháng trước ngày kết thúc thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế nhãn hiệu (20 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu đối với nước là thành viên Thoả ước Madrid, kể cả với nước đồng thời là thành viên Nghị định thư Madrid; 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu đối với nước chỉ là thành viên Nghị định thư Madrid), chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ nộp lệ phí gia hạn hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo thông báo của Văn phòng quốc tế.

8. Đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi do đăng ký quốc tế nhãn hiệu bị huỷ bỏ hiệu lực

a) Trường hợp đăng ký quốc tế nhãn hiệu tại Việt Nam của chủ sở hữu nhãn hiệu là người thuộc nước chỉ là thành viên Nghị định thư Madrid bị mất hiệu lực theo quy định tại Điều 9quinquies của Nghị định thư Madrid, người đó có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi theo mẫu số 3.I.15 Phụ lục 3.I kèm theo Đề mục này cho Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký bảo hộ cho chính nhãn hiệu đó đối với một phần hoặc toàn bộ hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ đã được ghi nhận trong đăng ký quốc tế nhãn hiệu bị mất hiệu lực.

b) Đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

(i) Đơn được nộp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đăng ký quốc tế nhãn hiệu tương ứng bị mất hiệu lực;

(ii) Hàng hoá, dịch vụ mô tả trong đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi thuộc phạm vi danh mục hàng hoá, dịch vụ ghi trong đăng ký quốc tế nhãn hiệu thông thường;

(iii) Đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi đáp ứng tất cả các yêu cầu về hình thức và nội dung theo quy định của pháp luật Việt Nam và người nộp đơn nộp đầy đủ các khoản phí, lệ phí theo quy định.

c) Đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi được hưởng ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu tương ứng (nếu đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu được hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế).

d) Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi như đối với nhãn hiệu thông thường.

Khách online:6938
Lượt truy cập: 12328054