Thứ hai, 29/04/2024 13:20 GMT+7
Điều 3.I.1.35: Thẩm định nội dung đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

(Điểm 35, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 được sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/7/2010)

1. Đánh giá sự tương tự của kiểu dáng công nghiệp :

a) Hai kiểu dáng công nghiệp bị coi là trùng nhau khi hai kiểu dáng công nghiệp dùng cho sản phẩm cùng loại, có cùng tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản và không cơ bản;

b) Hai kiểu dáng công nghiệp bị coi là tương tự nhau khi hai kiểu dáng công nghiệp dùng cho sản phẩm cùng loại, có một số đặc điểm tạo dáng cơ bản giống nhau;

c) Hai kiểu dáng công nghiệp bị coi là tương tự gần nhất khi hai kiểu dáng công nghiệp tương tự có số các đặc điểm tạo dáng cơ bản giống nhau nhiều hơn so với tất cả các kiểu dáng công nghiệp tương tự khác.

2. Trình tự thực hiện thủ tục thẩm định nội dung đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Việc thẩm định nội dung đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp (đơn) được tiến hành theo trình tự chung quy định tại Điều 3.I.1.15 của Chương này và theo quy định riêng tại điểm này.

3. Đánh giá sự phù hợp giữa đối tượng nêu trong đơn và loại văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Đối tượng nêu trong đơn bị coi là không phù hợp với loại văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nếu:

a) Đối tượng đó không phải là hình dáng bên ngoài của sản phẩm;

b) Đối tượng nêu trong đơn là:

(i) Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;

(ii) Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;

(iii) Hình dáng bên trong (phần không nhìn thấy được) trong quá trình sử dụng sản phẩm (khai thác công dụng của sản phẩm theo cách thức thông thường, được thực hiện bởi bất kỳ người sử dụng nào, không kể các công việc bảo trì, bảo dưỡng hoặc sửa chữa sản phẩm).

4. Tra cứu thông tin

a) Mục đích tra cứu thông tin

Mục đích tra cứu thông tin là tìm kiếm trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc các kiểu dáng công nghiệp trùng lặp hoặc tương tự với kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn.

b) Nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc được sử dụng trong quá trình thẩm định nội dung đơn bao gồm các tài liệu sau đây:

(i) Các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và có ngày công bố đơn sớm hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên);

(ii) Các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và các văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp do các tổ chức, quốc gia khác công bố trong vòng 25 năm trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên), được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu kiểu dáng công nghiệp hiện có tại Cục Sở hữu trí tuệ;

(iii) Các thông tin khác liên quan đến kiểu dáng công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ thu thập và lưu giữ;

(iv) Các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên) sớm hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định (dùng để kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy định tại khoản (9) Điều này).

c) Trong trường hợp cần thiết và có thể, việc tra cứu được mở rộng hơn so với nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc.

5. Báo cáo tra cứu

Kết quả tra cứu phải được thể hiện trong báo cáo tra cứu, trong đó phải ghi rõ lĩnh vực tra cứu, phạm vi tra cứu, kết quả tìm kiếm trong phạm vi đó (thống kê và chỉ rõ các kiểu dáng công nghiệp đối chứng tìm được, nguồn gốc thông tin, ngày công bố của thông tin tương ứng) và phải nêu họ tên người lập báo cáo (người tra cứu).

Trong Điều này, “kiểu dáng công nghiệp đối chứng” là kiểu dáng công nghiệp trùng lặp hoặc kiểu dáng công nghiệp tương tự với kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn, được so sánh với kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn khi đánh giá tính mới và tính sáng tạo.

6. Đánh giá khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại Điều 3.A.1.10 của Phần này

a) Kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu căn cứ vào các thông tin về kiểu dáng công nghiệp được trình bày trong đơn, người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng có thể dùng kiểu dáng công nghiệp đó làm mẫu để chế tạo bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp sản phẩm có hình dáng bên ngoài trùng với kiểu dáng công nghiệp đó.

Khái niệm “người có hiểu biết trung bình” về lĩnh vực tương ứng được hiểu theo quy định tương ứng tại Điều 3.I.1.23 khoản (6)(a) của Chương này.

b) Trong các trường hợp sau đây, đối tượng nêu trong đơn bị coi là không có khả năng áp dụng công nghiệp:

(i) Đối tượng nêu trong đơn là hình dáng của sản phẩm có trạng thái tồn tại không cố định (các sản phẩm ở thể khí, chất lỏng...);

(ii) Chỉ có thể tạo ra sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn nhờ có kỹ năng đặc biệt hoặc không thể lặp đi lặp lại việc chế tạo ra sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn;

(iii) Các trường hợp với lý do xác đáng khác.

7. Đánh giá tính mới của kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại Điều 3.A.1.8 của Phần này.

a) Cách đánh giá tính mới của kiểu dáng công nghiệp

Để đánh giá tính mới của kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn, phải tiến hành so sánh tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đó với tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp trùng lặp/tương tự gần nhất dùng làm kiểu dáng công nghiệp đối chứng tìm được trong quá trình tra cứu thông tin.

b) Kết luận về tính mới của kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn được coi là mới nếu:

(i) Không tìm thấy kiểu dáng công nghiệp đối chứng trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc; hoặc

(ii) Mặc dù có tìm thấy kiểu dáng công nghiệp đối chứng trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc nhưng kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn có ít nhất một đặc điểm tạo dáng cơ bản không có mặt trong (không thuộc) tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đối chứng, hoặc

(iii) Kiểu dáng công nghiệp đối chứng chính là kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn được công bố/bộc lộ thuộc trường hợp quy định tại Điều 3.A.1.8 khoản (3) và (4) của Phần này.

8. Đánh giá tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại Điều 3.A.1.9 của Phần này

a) Cách đánh giá tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp

Để đánh giá tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn, phải tiến hành so sánh tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đó với tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của từng kiểu dáng công nghiệp đối chứng trùng lặp hoặc tương tự tìm được trong quá trình tra cứu thông tin.

b) Kết luận về tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp

Trong các trường hợp sau đây, kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn được coi là không có tính sáng tạo:

(i) Kiểu dáng công nghiệp là sự kết hợp đơn thuần của các đặc điểm tạo dáng đã biết (các đặc điểm tạo dáng đã được bộc lộ công khai đư­ợc sắp đặt hoặc lắp ghép với nhau một cách đơn thuần như thay thế, thay đổi vị trí, tăng giảm số lượng...);

(ii) Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng sao chép/mô phỏng một phần hoặc toàn bộ hình dáng tự nhiên vốn có của cây cối, hoa quả, các loài động vật..., hình dáng của các hình hình học (hình tròn, hình elíp, hình tam giác, hình vuông, chữ nhật, hình đa giác đều, các hình lăng trụ có mặt cắt là các hình kể trên...) đã được biết rộng rãi;

(iii) Kiểu dáng công nghiệp là sự sao chép đơn thuần hình dáng các sản phẩm, công trình đã nổi tiếng hoặc được biết đến một cách rộng rãi ở Việt Nam hoặc trên thế giới;

(iv) Kiểu dáng công nghiệp mô phỏng kiểu dáng công nghiệp thuộc lĩnh vực khác, nếu sự mô phỏng đó đã được biết đến rộng rãi trên thực tế (ví dụ: đồ chơi mô phỏng ô tô, xe máy...).

Nếu không thuộc các trường hợp nói trên, kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo.

9. Kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên theo quy định tại Điều 3.A.2.5 của Phần này

a) Để kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, phải tiến hành tra cứu thông tin trong nguồn bắt buộc quy định tại khoản (4)(b)(iv) Điều này.

b) Kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn được coi là đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên nếu không tìm thấy kiểu dáng công nghiệp trùng lặp hoặc không khác biệt đáng kể nêu trong những đơn đã đáp ứng các điều kiện để được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp tìm được trong quá trình tra cứu thông tin.

c) Kiểu dáng công nghiệp của bộ phận sản phẩm nêu trong đơn cũng được coi là đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên nếu không tìm thấy kiểu dáng công nghiệp trùng lặp hoặc không khác biệt đáng kể của bộ phận sản phẩm và/hoặc sản phẩm nêu trong những đơn đã đáp ứng các điều kiện để được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp tìm được trong quá trình tra cứu thông tin.

d) Trong trường hợp có nhiều đơn khác nhau đăng ký kiểu dáng công nghiệp trùng nhau hoặc không khác biệt đáng kể với nhau, cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn vẫn được coi là đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy định tại Điều 3.A.2.5 khoản (2) của Phần này nếu tất cả những người nộp đơn đạt được thoả thuận về việc đứng tên người nộp đơn trong một đơn duy nhất trong số các đơn đó để được cấp một Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

10. Thông báo kết quả thẩm định nội dung

Việc thông báo kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được thực hiện theo quy định chung tại khoản (7)(a) Điều này.

Khách online:23201
Lượt truy cập: 12328622