Thứ sáu, 11/08/2017 08:04 GMT+7

Nghiên cứu áp dụng hai công nghệ chống buôn lậu mới

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) phối hợp với Quỹ Chống hàng giả và Công ty SICPA (Thụy Sỹ) tổ chức hội thảo đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.


Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng

 

Tại hội thảo, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tại Công văn số 6686/VPCP-VI (ngày 28/6/2017) đã giao cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì phối hợp với Công ty SICPA giới thiệu và đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm tìm ra giải pháp, tạo đột phá trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia quốc tế, hậu quả của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hằng năm gây tổn thất cho các quốc gia khoảng 230 tỷ USD trên toàn thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Vì tệ nạn này, Chính phủ sẽ bị hao hụt về nguồn thu trong khi người tiêu dùng bị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khoẻ.

Tại đây, đại diện Công ty SICPA giới thiệu hai giải pháp chống hàng giả là giải pháp đánh dấu sản phẩm (Petromark) và hệ thống theo dõi truy xuất sản phẩm (Sicpatrace) được SICPA chuyển giao cho chính phủ 17 quốc gia trên thế giới và đã mang lại hiệu quả cao.

Theo đó, Petromark cho phép nhà sản xuất, cơ quan chức năng đánh dấu sản phẩm để phân biệt tính chất hợp pháp cũng như kiểm tra được sản phẩm phi pháp. Đơn cử, đối với mặt hàng xăng dầu, SICPA có thể đưa ra giải pháp phân biệt loại nhiên liệu nào chịu thuế và loại nào không chịu thuế bằng cách thêm hợp chất vào nhiên liệu mà không ảnh hưởng đến sản phẩm liên quan.

Loại hóa chất này cho phép cơ quan quản lý kiểm tra được khối lượng, chất lượng sản phẩm xăng dầu trong cả quá trình từ sản xuất đến chuỗi cung ứng, lưu thông, đến tiêu dùng. Các đối tượng không thể gian lận bằng cách pha trộn giữa các lô hàng với nhau... từ bất cứ địa điểm nào thông qua hệ thống máy tính được kết nối, từ đó tăng hiệu quả việc thanh tra đột xuất, chống buôn lậu.

Còn giải pháp thứ hai được giới thiệu là “Sicpatrace”, là ứng dụng hệ thống công nghệ tích hợp và bảo mật nhằm kiểm tra nguồn gốc sản phẩm. Công nghệ này cho phép nhà sản xuất, cơ quan chức năng, người tiêu dùng có thể theo dõi truy xuất nguồn gốc hàng hóa, phân biệt hàng thật và giả thông qua dán nhãn sản phẩm, được điện tử hóa. SICPA có khả năng cung cấp hơn 30 cấp độ bảo mật và nhận biết tem nhãn thông qua công nghệ mực in dùng trong sản xuất tiền, để cho cơ quan quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng nhận biết, kiểm tra thông qua thiết bị kiểm tra nhanh, kể cả kiểm tra qua điện thoại thông minh.

Đại tá Trần Văn Nam, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật - Cảnh sát biển Việt Nam đánh giá cao các giải pháp công nghệ mới đã được nêu ra. Đại diện lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, Cảnh sát biển đã đấu tranh thu giữ trên 5 triệu lít xăng dầu buôn lậu trái phép trên biển, nhưng diễn biến tình hình buôn lậu vẫn hết sức phức tạp.

Đáng chú ý, xăng dầu buôn lậu từ nước ngoài vào bị bắt giữ có chất lượng rất kém, không đủ tiêu chuẩn tiêu thụ vận hành. Do đó, nếu để số lượng xăng dầu không qua kiểm định chất lượng tuồn vào Việt Nam, tiêu thụ ở các công ty bán lẻ, sẽ ảnh hưởng đến các thiết bị vận hành, giảm hiệu quả của nền kinh tế.

Đại tá Trần Văn Nam nhấn mạnh, việc áp dụng các giải pháp công nghệ trong chống buôn lậu các mặt hàng xăng, dầu là hết sức cần thiết, cần sớm nghiên cứu để triển khai vào thực tiễn ở Việt Nam.

Sau khi các đại biểu trao đổi ý kiến, ông Đàm Thanh Thế Chánh khẳng định, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tăng cường đấu tranh chống buôn lậu gian lận xăng dầu; kiểm tra chuỗi cung ứng từ sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng xăng dầu. Bên cạnh đó, vấn đề chống buôn lậu hàng giả với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; sản phẩm chức năng, mỹ phẩm cũng đang được quan tâm và đẩy mạnh trong thời gian tới.

Các giải pháp đưa ra sẽ được Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia từng bước nghiên cứu, tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi với cơ quan chức năng báo cáo Chính phủ để áp dụng vào thực tế Việt Nam, nhằm đưa công tác chống buôn lậu đạt hiệu quả cao nhất.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Nghien-cuu-ap-dung-hai-cong-nghe-chong-buon-lau-moi/313411.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 3266

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)