Đô thị thông minh (ĐTTM) là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.
Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Hay nói cách khác, ĐTTM gắn với ý niệm về đạt được sự bền vững thông qua việc áp dụng và sử dụng công nghệ thông tin tiên tiến trên quy mô rộng, mục tiêu chính của ĐTTM được cho là để tăng tính bền vững thông qua công nghệ hiện đại.
Tại Việt Nam, xây dựng đô thị thông minh, bền vững được xác định là một trong ba nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.Đô thị thông minh, bền vững đem lại nhiều lợi ích cho các đối tượng khác nhau, từ chính quyền, người dân, doanh nghiệp đến các thành phần kinh tế.
Tất cả đều có cơ hội được hưởng lợi từ phát triển đô thị thông minh, bền vững cũng như trực tiếp tham gia quá trình phát triển đô thị thông minh, bền vững như nâng cao hiệu quả của các khoản đầu tư, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, hỗ trợ, giải quyết các vấn đề nóng của đô thị hiện nay.
Ngoài ra, đô thị thông minh, bền vững còn giúp gia tăng khả năng tiếp cận, cải thiện các dịch vụ xã hội, đóng góp cho phát triển kinh tế và gia tăng chất lượng cuộc sống.
Vinhome Smart City – Vận hành thông minh với Trung tâm điều hành tập trung 24/7 ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT) trong việc giám sát, vận hành toàn bộ đại đô thị.
Có thể nói, xây dựng đô thị thông minh, bền vững đã và đang là xu hướng tất yếu, ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Việc phát triển đô thị thông minh, bền vững cần có sự tham gia đầy đủ các thành phần như chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng; các hoạt động kết nối thành phố đa chiều và đa cấp, linh hoạt đòi hỏi phải có cơ chế liên kết phối hợp từ quản trị, đầu tư đến vận hành và thụ hưởng.
Trong quá trình nghiên cứu các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia đã xác định rất rõ: Cơ quan tiêu chuẩn hóa là thực thể không thể thiếu trong việc triển khai đô thị thông minh, bền vững. Vai trò của cơ quan này đặc biệt quan trọng, đảm bảo thống nhất một thuật ngữ chung và các đặc trưng tối thiểu cho đô thị thông minh, bền vững. Một trong những ưu tiên là phải xây dựng ngôn ngữ chung thông qua tiêu chuẩn cho tất cả các bên liên quan, góp phần làm rõ hơn và hài hòa nhiều hơn trong lĩnh vực đô thị thông minh, bền vững.
Bên cạnh đó, thành công của việc triển khai đô thị thông minh, bền vững sẽ phụ thuộc vào việc xác định các phương pháp đo để đánh giá hiệu quả và tính bền vững của các dịch vụ thành phố trên nền tảng ICT. Ngoài việc xác định các tiêu chuẩn cụ thể cho đô thị thông minh, bền vững cũng cần xem xét các tiêu chuẩn khác như tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng, tăng mức độ an toàn hoặc giảm thiểu ô nhiễm, góp phần vào việc xây dựng một đô thị thông minh, bền vững.
Tiêu chuẩn chính là yếu tố gắn kết các bên liên quan, các yếu tố cấu thành và vận hành đô thị thông minh, bền vững.
Các tiêu chuẩn về đô thị thông minh, bền vững được phân chia thành 5 nhóm: Nhóm 1 - Tiêu chuẩn về quản lý và đánh giá đô thị thông minh, bền vững: hoạch định chiến lược và xây dựng quan hệ đối tác; triển khai và thực thi; quản lý và quản trị; khả năng phục hồi và khắc phục thảm họa; xem xét và đánh giá.
Nhóm 2 - Tiêu chuẩn về các dịch vụ đô thị thông minh, bền vững: Chính phủ điện tử; giao thông; logistics; an ninh công cộng; chăm sóc sức khỏe; quản trị cơ sở hạ tầng đô thị; quản lý năng lượng và tài nguyên; bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; cộng đồng và hộ gia đình.
Nhóm 3 - Tiêu chuẩn về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT): Khuôn khổ, kiến trúc và mô hình thông tin; mạng lưới và an ninh thông tin, tính sẵn có và khả năng phục hồi; ứng dụng và tầng hỗ trợ; tầng dữ liệu; tầng truyền thông; tầng cảm ứng.
Nhóm 4 - Tiêu chuẩn về các công trình và cơ sở hạ tầng vật lý: hoạch định đô thị; thiết kế và kết cấu cacbon thấp; hệ thống tòa nhà thông minh; xây dựng mô hình thông tin; hệ thống giao thông; mạng lưới đường ống đô thị.
Nhóm 5 - Tiêu chuẩn về các công trình và cơ sở hạ tầng vật lý: hoạch định đô thị; thiết kế và kết cấu cacbon thấp; hệ thống tòa nhà thông minh; xây dựng mô hình thông tin; hệ thống giao thông; mạng lưới đường ống đô thị.
Hiện nay, đã có 26 TCVN về đô thị thông minh, bền vững được công bố.Các tiêu chuẩn này đều thuộc Nhóm 1 "Tiêu chuẩn về quản lý và đánh giá đô thị thông minh, bền vững". Ngoài ra, còn có 17 TCVN về tòa nhà thông minh, 06 TCVN về Hệ thống thống giao thông thông minh (thuộc nhóm 4, 5), cùng với các TCVN về IoT, Điện toán đám mây vvv… Đối với mục tiêu phát triển bền vững không thể không nhắc đến bộ tiêu chuẩn TCVN ISO 3712X, đây là bộ tiêu chuẩn về các chỉ số đô thị đối với phát triển bền vững của cộng đồng phản ánh mối quan hệ giữa sự phát triển bền vững, sự phát triển phục hồi và sự phát triển thông minh. Sự tiến bộ hướng đến phát triển bền vững thông qua việc duy trì và cải thiện các dịch vụ đô thị và chất lượng cuộc sống khi đối mặt với các chấn động, áp lực là thành tố cốt lõi của một đô thị.
Sự phát triển bền vững của các cộng đồng – Các mối quan hệ trong loạt tiêu chuẩn về các chỉ số đô thị.
Các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài, đặc biệt là ISO và IEC cũng đang tập trung nghiên cứu, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn trong nhóm 1 này để làm cơ sở cho việc kết nối các lĩnh vực có liên quan đến đô thị thông minh, bền vững.