Thứ năm, 20/08/2020 15:15 GMT+7

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình

Nhằm đánh giá hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, tổng kết Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Hòa Bình, ngày 14/8/2020, đoàn công tác của Cục Sở hữu trí tuệ đã làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình.

Tham dự buổi làm việc, về phía Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) có đồng chí Đinh Hữu Phí - Cục trưởng, đồng chí Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng, Lãnh đạo các đơn vị: Văn phòng Cục, Phòng Kế hoạch-Tài chính, Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn. Về phía Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Hòa Bình, có đồng chí Đỗ Hải Hồ - Giám đốc Sở KH&CN, các đồng chí trong Ban Giám đốc Sở và lãnh đạo các phòng ban chức năng của Sở.



Cục trưởng Đinh Hữu Phí phát biểu tại buổi làm việc

 

Hòa Bình là một trong những địa phương khá chủ động tích cực và triển khai có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về SHTT nói chung và hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp và các chủ thể quyền nói riêng. Trong giai đoạn 2016-2020, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành hệ thống các văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động SHTT, phát triển tài sản trí tuệ: Quyết định số 3157/QĐ-UBND ngày 14/12/2016 về việc phê duyệt Đề án Phát triển KH&CN tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 11/01/2018 về việc Ban hành quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Quyết định số 1132/QĐ-UBND ngày 09/5/2018 phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018 – 2020.

Triển khai các chính sách hỗ trợ hoạt động SHTT nói trên, tính đến hết tháng 6/2020, tỉnh Hòa Bình có: 20 Đơn đăng ký sáng chế được nộp (05 văn bằng được cấp); 24 đơn kiểu dáng công nghiệp được nộp (11 văn bằng được cấp); 503 đơn nhãn hiệu đã nộp (228 văn bằng được cấp) và 01 chỉ dẫn địa lý đã được nộp và cấp văn bằng (Cam Cao Phong). Bên cạnh đó, Sở KH&CN cũng chủ trì, phối hợp tổ chức 116 lượt tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn và trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu đặc sản tỉnh Hòa Bình…

Đặc biệt, hiện nay tỉnh đang xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng  tem truy xuất nguồn gốc để quản lý các sản phẩm được bảo hộ trên địa bàn như Cam Cao Phong; bưởi đỏ, bưởi da xanh Tân Lạc; rau, củ, quả Lương Sơn, Yên Thủy; trà túi lọc các loại (shachi, giảo cổ lam, cao cà gai leo..), cá sông Đà Hòa Bình (cá chiên, cá lăng, cá tầm, cá trắm đen…), gà ri Lạc Sơn; gà Lạc Thủy; Cam, bưởi Mường Động. Đây là hướng đi bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng KH-KT, quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về SHTT và chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN đề nghị Cục SHTT xem xét, tham mưu cho Bộ KH&CN hỗ trợ quản lý và phát triển các tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực được bảo hộ, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về SHTT.

Phát biểu tại phiên họp, Cục trưởng Đinh Hữu Phí đánh giá cao vai trò tham mưu một cách chủ động, sáng tạo của Sở, đồng thời, bày tỏ sự ấn tượng đối với các kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách, qua đó đã góp phần khẳng định vai trò, đóng góp của KH&CN nói chung và SHTT nói riêng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Cục trưởng Cục SHTT cũng cho biết trong thời gian qua, Cục SHTT đã luôn đồng hành, phối hợp với Hòa Bình trong việc xây dựng, ban hành, thực hiện các chủ trương, chính sách, cơ chế và nhiệm vụ quản lý SHTT và hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn. Hiện nay, Cục SHTT đang xây dựng Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030 với quan điểm “đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội’’. Cục trưởng Đinh Hữu Phí đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đến việc thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về SHTT nói chung và phát triển tài sản trí tuệ nói riêng, gắn kết các hoạt động SHTT với chiến lược, kế hoạch phát triển KH-XH của tỉnh; tăng cường hỗ trợ kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người dân có sản phẩm được bảo hộ.



Cục SHTT làm việc với UBND huyện Cao Phong

 

Trước đó, Đoàn công tác của Cục SHTT và Trung tâm Phát triển Hệ thống nông nghiệp đã tiến hành khảo sát thực địa sản phẩm cam Cao Phong được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, làm việc với UBND huyện Cao Phong, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh Cam và một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Tại buổi làm việc, các bên đã trao đổi các vấn đề liên quan đến công tác quản lý và chống xâm phạm quyền SHTT, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm được bảo hộ, bổ sung sản phẩm và mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý. Cục SHTT nhất trí trong thời gian tới sẽ tăng cường hỗ trợ về chuyên môn, đặc biệt là công tác tập huấn, đào tạo chuyên gia về chỉ dẫn địa lý nhằm giúp huyện tiếp tục bảo vệ uy tín và khẳng định danh tiếng của chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong, một thương hiệu vàng, niềm tự hào của huyện và tỉnh Hòa Bình./.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 3692

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)